Hết thời trốn đóng bảo hiểm?
Đối với cá nhân phạm tội trốn đóng bảo hiểm, thì có thể bị phạt tiền với mức cao nhất là 1 tỷ đồng, hoặc phải chịu hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù, và nhiều hình phạt bổ sung khác.
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, đến ngày 1/7, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực pháp luật. Trong số những điều thay đổi của BLHS lần này so với BLHS năm 2009, có một điều “mới toanh” được đưa vào, khiến người lao động đặc biệt quan tâm và chờ đón.
Đó là điều 216, quy định về tội trốn đóng Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp (gọi chung là BH) cho người lao động. Theo đó, đối với cá nhân phạm tội trốn đóng BH, thì có thể bị phạt tiền với mức cao nhất là 1 tỷ đồng, hoặc phải chịu hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù, và nhiều hình phạt bổ sung khác. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này, thì mức phạt cao nhất lên đến 3 tỷ đồng.
Giới cần lao mong chờ điều này nhất, bởi xưa nay, tình trạng trốn đóng BH cho người lao động xảy ra là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít những ông chủ DN đã tính toán: Dùng tiền đóng BH thu của người lao động ném vào kinh doanh, nếu cuối cùng có bị phạt, thì mức phạt đó vẫn nhẹ hơn mức lãi suất vay ngân hàng.
Với sự tính toán đó, họ sẵn sàng chây ỳ, khiến hàng ngàn người lao động bị mất quyền lợi, dù tiền đóng BH của họ đã bị khấu trừ vào lương. Thậm chí có ông chủ còn ôm hàng tỷ đồng tiền BH đã thu của người lao động “cao chạy xa bay”, khiến người lao động lâm vào tình trạng dở sống dở chết. Còn ngành BH thì thất thu, thiệt hại đủ đường.
Theo luật sư Lê Cao Đoàn (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) thì tình trạng trên đã gây ra nhiều hệ lụy hết sức nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả việc trốn thuế. Bởi trốn thuế chỉ gây mất nguồn thu ngân sách, còn trốn đóng BH thì tác động trực tiếp đến quyền lợi của những người lao động nghèo.
Nhiều người lao động rơi vào thế yếu, nên bị các ông chủ tìm mọi chiêu thức để không ký hợp đồng chính thức, không bảo đảm các điều kiện về lao động, nên các chế độ, chính sách cho người lao động bị cắt cúp, mất mát so với những quyền đáng ra họ được hưởng.
Nay, với chế tài nghiêm khắc như trên của BLHS, không còn phạt nhẹ nữa mà là phạt thật nặng. Không những thế, còn là vành móng ngựa, là nhà tù.
Vì vậy, không ít người sử dụng lao động, lâu nay vẫn có thói quen xem thường việc đóng BH, chắc chắn sẽ phải có những thay đổi về nhận thức theo hướng tích cực hơn về trách nhiệm của mình trong việc đóng BH, cũng có nghĩa là trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nếu không, sẽ bị áp dụng chế tài ngay lập tức. Nói chính xác hơn, là điều luật trên sẽ chặn đứng đường lùi cho những kẻ chây ỳ hay có ý định trốn đóng BH cho người lao động.
Tuy nhiên, để điều luật trên đi vào cuộc sống, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó công đoàn và bản thân người lao động là những thành phần đóng vai trò quan trọng nhất./.
nông nghiệp
|