Chuyển động dòng tiền tuần 18-22/07:
Áp lực giải chấp từ DRH và tiếp diễn chuyện nới room VNM
Không quá ngạc nhiên khi tuần giao dịch qua (18-22/07) dòng tiền đã sụt giảm đáng kể trước động thái bán tháo diễn ra trên diện rộng. Do đó mà số cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng so với tuần giao dịch trước đó cũng giảm đáng kể.
Cụ thể, thanh khoản thị trường trên cả hai sàn cũng sụt giảm mạnh với khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 124.6 triệu đơn vị/phiên, giảm 11% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 45 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 27%.
Chỉ có 65 cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng khi xét nhóm các cổ phiếu có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên, bằng một nửa so với nhóm cổ phiếu hụt hơi về dòng tiền. Đáng chú ý là trên cả hai sàn chỉ có 5 mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng trưởng trên 100%, gồm PDR, PXS, VNM, CSV và PET.
Tăng trưởng mạnh nhất chính là PDR khi khối lượng giao dịch bình quân tuần qua đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên, tăng gần 170%. Được biết, kết thúc nửa đầu năm 2016, doanh thu PDR đạt 222 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 nhưng lợi nhuận sau thuế thì tăng gần 4% và đạt 57.5 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, PDR đã thực hiện được 17% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lãi ròng cho năm nay.
Riêng đối với CSV của CTCP Hóa Chất Cơ Bản Miền Nam, cổ phiếu này bắt đầu bứt phá về giá và thanh khoản kéo dài, từ trung tuần tháng 3/2016, khi kết quả kinh doanh quý 1 và quý 2 đều khá tích cực. Cụ thể, từ ngày 10/03 đến nay, CSV đã tăng hơn 44% và khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 220,000 đơn vị/phiên trong khi giai đoạn trước đó giá gần như đi ngang và thanh khoản chỉ vài nghìn đơn vị/phiên. Riêng trong tuần qua giao dịch vừa qua, CSV có khối lượng giao dịch bình quân tăng vọt lên hơn 469,000 đơn vị/phiên, tương ứng tăng hơn 100% so với tuần giao dịch trước đó. Thông tin hỗ trợ cho CSV được công bố trong tuần chính là lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt gần 51 tỷ đồng, tăng 120% so cùng kỳ.
Biến động cổ phiếu CSV trong 1 năm qua
NGuồn: http://ptkt.vietstock.vn/
|
Thế nhưng cứu cánh trong tuần qua chính là VNM khi đóng vai trò lớn trong việc giữ thị trường khỏi sụt giảm mạnh sau thông tin được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room) tối đa là 100%. Thanh khoản VNM theo đó nhảy vọt lên gần 1.7 triệu đơn vị/phiên, tăng 146% so với tuần trước và giá cũng ghi nhận mức tăng 4% trong bối cảnh thị trường giảm sâu.
Còn nhớ trong tuần đầu thàng 4/2016, thanh khoản VNM cũng đã tăng gần 76% với giá cổ phiếu thiết lập một kỷ lục mới tại 143,000 đồng/cp, tăng gần 7% trước thông tin doanh nghiệp này thông báo sửa đổi điều lệ nhằm dọn đường cho việc nâng room ngoại.
Ngoài những mã trên thì tuần qua có nhiều cổ phiếu nhờ kết quả kinh doanh quý 2/2016 ấn tượng đã giúp dòng tiền gia tăng đáng kể như NKG, HAR, VIS hay TSC…
Ở chiều ngược lại, có rất nhiều cổ phiếu bị hụt dòng tiền trước động thái bán tháo diễn ra như PAC, EVE, C32, KSB, DRC, KSA, BGM, SVC, REE, BID hay TTF… Nhưng gây nhiều chú ý nhất là DRH. Cổ phiếu này đang đối mặt với nhiều phiên giảm sàn liên tục khiến áp lực bán giải chấp càng lớn.
Theo đó, DRH tuần qua có giá giảm mạnh gần 22% và khối lượng giao dịch bình quân sụt giảm hơn 70%, chỉ còn 100,000 đơn vị/phiên. Các con số này có được khi DRH công bố BCTC quý 2/2016 với doanh thu giảm mạnh so cùng kỳ năm trước đã khiến Công ty bị lỗ thuần hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, DRH đã may mắn thoát lỗ nhờ khoản lợi nhuận khác hơn 17 tỷ đồng có được thanh lý tài sản cũng như chuyển nhượng các bất động sản nhỏ lẻ. Bản thân doanh nghiệp này trong tuần cũng lên tiếng trấn an cổ đông về sự biến động của giá cổ phiếu với nội dung chủ yếu rằng hoạt động kinh doanh của đơn vị vẫn ổn định và kết quả kinh doanh của DRH sẽ tốt hơn trong hai quý cuối năm nay.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng nếu xét trong 1 năm qua thì cổ phiếu DRH đã tăng khủng khiếp hơn 780%, từ mức giá 6,300 đồng để lên mức 55,500 đồng/cp tính đến phiên 25/07).
Biến động cổ phiếu DRH từ năm 2015 đến nay
Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/
|
Trên sàn HNX, tăng mạnh nhất về dòng tiền có S99 với hơn 67%, đạt gần 320,000 đơn vị/phiên. Ở chiều ngược lại thì nhóm Mid Cap và Micro Cap trên HNX bị rút mạnh dòng tiền như KHB, LIG, SCR, Sgo, SD2, TNG, TEG, DCS, SHN, BCC…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
Trên HOSE, 8 mã vừa có dòng tiền tăng tính bằng lần đều thuộc top 20 mã có giá cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn đó là VNM, CSV, PET, ITA, NKG, PGI, HAR và TNT. Trong đó tăng mạnh nhất là HAR hơn 8%.
Trên HNX, tính trên nhóm có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên thì chỉ có 12 mã tăng giá, dẫn đầu là PVL với mức tăng 8.7%. Trong khi đó HKB vừa là mã dẫn đầu giảm thanh khoản vừa có giá rơi mạnh thứ hai ở mức 27%, chỉ sau SPI.
Tuần qua, khối ngoại mua ròng trên HOSE với 107 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với 125 tỷ đồng. Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở HPG với 38.7 tỷ đồng; tiếp theo là SSI với 37.4 tỷ đồng, ITA với 29.7 tỷ đồng, PVT với 29.6 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như VNM với gần 135.3 tỷ đồng, tiếp theo là VIC với 53.4 tỷ, HSG với 17.5 tỷ đồng... Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 60 tỷ đồng, VHLvới 28 tỷ đồng và VND với 20.7 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở DXP và VNR với 7.5 tỷ và 6 tỷ đồng./.
|