Chủ đầu tư dự án chống ngập 10,000 tỷ:
Ai là bạn đồng hành tài trợ vốn cho hàng loạt dự án của Tập đoàn Trung Nam?
Mới đây, dự án chống ngập có tổng mức đầu tư 10,000 tỷ đồng đã chính thức được giao cho CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thực hiện với sự tham gia tài trợ vốn của BIDV. Ngân hàng này cũng thường xuyên là bạn đồng hành tài trợ vốn cho hàng loạt các dự án trước đây của Tập đoàn.
Dự án chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư lên đến 10,000 tỷ do CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện vừa chính thức khởi công vào gần cuối tháng 6/2016. Đây là dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng (từ năm 2016 – 2018).
Phối cảnh dự án chống ngập úng
|
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá đây là dự án giảm ngập có quy mô lớn nhất và công nghệ hiện đại nhất tại TPHCM. Theo đó, vùng dự án được giới hạn gồm phía Bắc giáp với rạch Tra; phía Nam giáp tỉnh Long An; phía Tây giáp kênh An Hạ; phía Đông giáp sông Sài Gòn và Nhà Bè; thuộc địa bàn các quận huyện 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Thạnh và Hóc Môn.
Với dự án này, Trungnam Group sẽ được UBND TPHCM thanh toán 16% giá trị hợp đồng BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.
Theo công bố trên website, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam được thành lập vào gần cuối năm 2004. Tính tới thời điểm tháng 11/2015, vốn điều lệ của Trungnam Group là 2,000 tỷ đồng. Chủ tịch là ông Nguyễn Tâm Thịnh.
|
Không chỉ riêng dự án chống ngập úng trên, nhiều dự án đầu tư khác của Trungnam Group đều thuộc hàng “khủng” về quy mô và vốn đầu tư. Trong đó có dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills - Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 1.67 tỷ USD; Công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley 150 triệu USD; dự án Cầu Bạch Đằng theo hình thức BOT có tổng mức đầu 7,277 tỷ đồng; dự án Nhà máy điện gió Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận 3,780 tỷ đồng; nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế 2,689 tỷ đồng; Thủy điện Đồng Nai 2 với tổng vốn đầu tư 3,665 tỷ đồng; dự án thủy điện Krông Nô 2&3 có vốn đầu tư 1,850 tỷ đồng; công trình đường Nguyễn Tất Thành nối dài vào khu đô thị Golden Hills (TP. Đà Nẵng) theo hình thức BT tổng vốn đầu gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra Trungnam Group còn thực hiện công trình trụ sở làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại quận 3, TP.HCM) với tổng mức đầu tư hơn 262 tỷ đồng.
Hầu hết các dự án này đều được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (BID) tài trợ (một số ít là cho vay hợp vốn giữa BIDV và ngân hàng khác). Riêng với dự án chống ngập úng 10,000 tỷ đồng, BIDV cho biết sẽ thông qua nguồn tái cấp vốn của NHNN và thực hiện tài trợ tối đa 89% tổng vốn đầu tư dự án, thời hạn cho vay 10 năm, thời gian ân hạn nợ gốc 3 năm cho Tập đoàn Trung Nam.
Bên cạnh việc thường xuyên đồng hành tài trợ vốn cho các dự án của Trungnam Group, BIDV và Tập đoàn còn gắn kết thông qua CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt do hai đơn vị này sáng lập nên. Công ty có vốn điều lệ 290 tỷ đồng, tiền thân là CTCP Kinh doanh Địa Ốc Đà Lạt - Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam được thành lập năm 2007.
* Trung Nam Group bị kiện vì bán khống cổ phần?
* Thêm Trung Nam muốn rút vốn khỏi thủy điện
Trước đây, Trungnam Group xuất hiện nhiều trên các mặt báo bởi dính tai tiếng tại dự án Golden Hills hay Viễn Đông Meridian Tower tại Đà Nẵng. Trong đó, khu đô thị sinh thái Golden Hills đến tháng 4/2016 vừa qua vẫn chỉ đang dừng ở “dần hoàn thiện về hạ tầng” sau 5 năm triển khai. Dự án cũng từng được báo chí đưa tin về việc người dân bức xúc xung quanh công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư chậm… Đình đám hơn, tại dự án Viễn Đông Meridian Tower do CTCP Địa ốc Viễn Đông (Viendong Land) làm chủ đầu tư còn Trungnam Group là một trong các thành viên góp vốn. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, được kỳ vọng sẽ là tòa tháp đôi cao nhất miền Trung. BIDV cũng tài trợ vốn cho Viendong Land với giá trị 600 tỷ đồng để xây dựng tòa tháp đôi. Tuy nhiên, tiến độ dự án bị ảnh hưởng bởi lùm xùm từ vụ kiện Trungnam Group và một thành viên góp vốn khác bán khống cổ phần cho một cá nhân tại Viendong Land. Dự án này sau đó nằm bất động và đến năm 2016 thì TP Đà Nẵng yêu cầu thu hồi lại dự án, giao trả mặt bằng công viên công cộng cho người dân./.
|