Thứ Năm, 09/06/2016 21:44

Ý tưởng hay ảo tưởng?

Việc đa số dân Thụy Sỹ bỏ phiếu phản đối kế hoạch không làm việc mà vẫn được trả lương hàng tháng cho thấy ý tưởng này vẫn còn một khoảng cách lớn với hiện thực.

Việc người dân Thụy Sỹ từ chối RBI để lựa chọn lao động cho thấy ý tưởng này có lẽ vẫn chỉ là giấc mơ trong một tương lai rất xa. Ảnh: INTERNET

76,9% dân Thụy Sỹ nói “không” với “thu nhập cơ bản không điều kiện” (RBI) trong cuộc bỏ phiếu hôm 5-6. Ý tưởng về một xã hội không cần làm việc mà vẫn được trả lương hàng tháng không thành hiện thực. Với người dân Thụy Sỹ thì kết quả này không bất ngờ bởi ở đất nước mà lao động được coi trọng như một trong những phẩm chất hàng đầu, việc không làm gì mà vẫn được nhà nước cấp tiền là không chấp nhận được. Với họ, ngay cả chuyện làm việc một cách biếng nhác cũng đã là đáng xấu hổ. Năm 2012, người dân Thụy Sỹ cũng đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật tăng số tuần nghỉ phép được trả lương từ 4 tuần/năm lên 6 tuần/năm.

Nhưng, trước hết phải hiểu rõ RBI là gì? Đây là ý tưởng do một nhóm cải cách ở Thụy Sỹ đưa ra, theo đó, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ cấp một khoản thu nhập cơ bản hàng tháng cho mọi công dân nước này, từ già trẻ, nam nữ, người lớn, trẻ em. Việc cấp này được thực hiện một cách không điều kiện, tức không quan tâm đến việc người được cấp tiền có đang làm việc hay không. Số tiền dự định cấp cho mỗi cá nhân là 2.500 franc Thụy Sỹ/tháng (khoảng 2.500 đô la Mỹ) cho người lớn và 650 franc cho trẻ vị thành niên. Để thực hiện ý tưởng táo bạo này, số tiền mà Chính phủ Thụy Sỹ dự chi khoảng 208 tỉ franc và sẽ được bù đắp bằng một chính sách thuế 0,2% đối với các giao dịch tài chính điện tử.

Lý lẽ của những người bảo vệ RBI là biện pháp này sẽ xóa bỏ triệt để nguy cơ thất nghiệp và tình trạng đói nghèo. “Cấp RBI cho mỗi cá nhân là thừa nhận sự cần thiết và tiện ích của rất nhiều hoạt động kinh tế vốn chưa đem lại hiệu quả tức thì như các hoạt động liên quan đến sáng tạo, đổi mới công nghệ” - Ralph Kundig, một trong những cha đẻ của sáng kiến RBI, nhận định. Nhưng sự phản đối không ít. “Đó là một giấc mơ từ xưa, có nhiều ý tốt đẹp không thể phủ nhận nhưng tốn kém và không có chút tư duy kinh tế nào” - Charles Wyplosz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền tệ và ngân hàng ở Geneva, phản bác.

Nhưng trên khắp châu Âu, Thụy Sỹ không phải là nước duy nhất có ý định thử nghiệm một hệ thống phúc lợi gần như “ảo tưởng” đó. Ý tưởng về việc cấp tiền cho mọi công dân mà không cần biết họ có làm việc hay không, thực ra không mới. Phần Lan vẫn đang nghiên cứu để đưa ra phương án khả thi vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, khác với Thụy Sỹ muốn tạo ra RBI để xóa bỏ áp lực thất nghiệp và chênh lệch giàu nghèo, ý tưởng của Phần Lan xuất phát từ việc muốn từ bỏ gánh nặng an sinh xã hội. Dự án Helsinki, như tên gọi của kế hoạch này, đề xuất cấp một số tiền hàng tháng cho mọi công dân nhưng đổi lại, sẽ bỏ hết các trợ cấp an sinh.

Bước đi một cách thận trọng hơn, thành phố Utrecht của Hà Lan thì muốn thí nghiệm RBI trên những nhóm công dân khác nhau. Nhóm đầu sẽ nhận RBI vô điều kiện, nhóm hai buộc phải làm các công việc tình nguyện và nhóm thứ năm vẫn giữ nguyên các chế độ trong hệ thống an sinh xã hội hiện tại. Utrecht sẽ so sánh các nhóm này với nhau trong một thời gian dài để trả lời câu hỏi liệu việc vẫn được cấp tiền dù không làm việc có phải là một kế hoạch ảo tưởng hay không?

Trên thực tế, việc đánh giá các thí nghiệm về RBI, hay ở mức thấp hơn là các chính sách an sinh xã hội rộng lượng (như Bolsa Familia ở Brazil hay Grundeinkommen ở Đức...) luôn mang lại các kết quả tranh cãi do thiếu các cơ sở khoa học và đôi khi, thiếu cả các mẫu thử đáng tin cậy. Chỉ có hai thí nghiệm được chứng minh đã mang lại kết quả tích cực. Tại Mỹ, việc trích tiền từ việc khai thác dầu để cấp cho người thổ dân da đỏ ở bang Bắc Carolina trong những thập kỷ 1970, 1980... đã giúp trẻ em các gia đình nghèo khó thành công hơn khi trưởng thành và làm giảm tỷ lệ tội phạm trong vùng. Tại Ấn Độ, theo một chương trình nghiên cứu của UNICEF ở bang Madhya Pradesh, việc cấp hàng tháng 150 rupi cho trẻ em và 200 rupi cho người lớn, trong vòng 18 tháng cho một nhóm công dân ở bang này đã mang lại kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, chưa có một thí nghiệm trên diện rộng nào mang lại câu trả lời đầy đủ và việc người dân Thụy Sỹ, một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, từ chối RBI để lựa chọn lao động cho thấy ý tưởng này có lẽ vẫn chỉ là giấc mơ trong một tương lai rất xa. 

Quang Dũng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Apple thay đổi lớn liên quan tới chính sách chia lợi nhuận (09/06/2016)

>   Amazon sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD vào Ấn Độ (09/06/2016)

>   Na Uy sẽ cấm ôtô chạy xăng từ năm 2026 (08/06/2016)

>   Cuộc khủng hoảng tại các hãng tin điện tử hàng đầu thế giới (08/06/2016)

>   Trump thành Tổng thống Mỹ, “thảm họa” với kinh tế toàn cầu? (07/06/2016)

>   Bầu cử tổng thống, "nhân tố gây bất ổn” kinh tế Mỹ? (07/06/2016)

>   Hillary Clinton trở thành nữ ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên (07/06/2016)

>   Ai đã "cả gan" tấn công tài khoản mạng xã hội của Zuckerberg? (07/06/2016)

>   Trung Quốc: Tiêu thụ tôm sẽ tăng mạnh (06/06/2016)

>   Chính phủ Argentina thừa nhận nền kinh tế sẽ tiếp tục ảm đạm (06/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật