Xử lý nợ xấu: cứ đi, rồi sẽ đến
Nới lỏng tiền tệ sẽ không phát huy hết tác dụng thúc đẩy tăng trưởng GDP một khi không xử lý nợ xấu. Trong các cuộc trao đổi với TBKTSG mới đây, đại diện một số cơ quan chức năng đã “hé mở” những giải pháp chuẩn bị triển khai để tháo gỡ nợ.
Nếu cứ tiếp tục mua nợ theo giá trị sổ sách, rồi khoanh lại đấy, thì không giải quyết được gì. Ảnh: T.L
|
Tiền từ NHNN là tiền gì?
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết nới lỏng tiền tệ bao hàm hai khái niệm, một là tổng phương tiện thanh toán được mở rộng, hai là lãi suất giảm xuống. Thực chất mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới là lãi suất. Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, không nên để tổng phương tiện thanh toán tăng lên nhiều mà lãi suất không giảm.
“Nợ xấu hay nói thẳng là tiền “chết” làm chi phí của ngân hàng khó kéo xuống. Cho nên về cơ bản phải xử lý nợ xấu để lãi suất giảm mà không phải tăng quá nhiều tổng phương tiện thanh toán”, ông Ngoạn nhấn mạnh. Theo ông, các bộ ngành cùng ngồi xuống, bàn kỹ thì có giải pháp cho nợ xấu.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề xuất lên Chính phủ, theo đó “phải dùng một phần nguồn tiền của Nhà nước. Tiền Nhà nước ở đây không lấy từ ngân sách, mà là tiền tạm thời chưa xài đến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) hoặc một tổ chức nào đó mua nợ thực sự theo giá thị trường. Nếu cứ tiếp tục mua nợ theo giá trị sổ sách, rồi khoanh lại đấy, thì không giải quyết được gì”.
Tiền từ NHNN là tiền gì? Thứ nhất, có thể sử dụng nguồn tái cấp vốn một phần. Thứ hai, phát hành trái phiếu đặc biệt, cho chiết khấu lần lượt theo một định lượng nhất định. Trái phiếu này khác trái phiếu đặc biệt của VAMC (trái phiếu VAMC trên thực tế không cho chiết khấu, mà vẫn bắt buộc trích lập dự phòng tối thiểu 20%/năm). Trái phiếu đặc biệt mới mua đứt toàn bộ khoản nợ. Thí dụ khoản nợ của anh 100 tỉ đồng, anh bán luôn cho VAMC với giá thị trường 60 tỉ đồng và trong vòng 1-2 năm anh được chiết khấu toàn bộ giá trị trái phiếu 60 tỉ đồng đó. Tổ chức tín dụng nào khó khăn về thanh khoản có thể cho chiết khấu ngay toàn bộ. Hiện một số ngân hàng yếu kém, nợ xấu vài chục phần trăm, đang huy động lãi suất cao, mà họ nâng lãi suất tiết kiệm, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng huy động chung. NHNN nên tính toán bơm thêm một tỷ lệ nhất định tiền, tiền thực, theo lộ trình rõ ràng.
Bên cạnh đó, tiền dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng ở NHNN khá nhiều. Có thể sử dụng một phần số tiền này để tái cấp vốn. Đương nhiên tiền từ NHNN đưa ra là phát hành tiền rồi, nhưng nếu phát hành trên gốc ấy, thì sẽ không tác động nhiều đến lạm phát. Theo ông Ngoạn, 100.000 tỉ đồng lấy từ dự trữ bắt buộc là khả thi, nhưng không đưa ra ngay một lúc, mà theo lộ trình, có kiểm soát chặt chẽ.
“VAMC không thể lỗ”
“Xử lý nợ xấu là không lỗ, phải bỏ ngay ra khỏi đầu ý nghĩ ấy, VAMC không thể để lỗ”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, khẳng định với TBKTSG. VAMC sẽ mua nợ theo giá thị trường. Tất nhiên khi VAMC mua càng rẻ (so với giá gốc) thì người bán là các ngân hàng càng mất tiền và nếu mua nhiều, không phải không có rủi ro, cho nên cần tính toán hài hòa để cân bằng lợi ích giữa các bên.
Chẳng hạn VAMC mua khoản nợ 100 tỉ đồng gốc và 20 tỉ đồng lãi phát sinh, tổng cộng 120 tỉ đồng, với giá 30-50 tỉ đồng. Mua rồi, VAMC có quyền đòi con nợ 120 tỉ đồng (và sẽ hoàn trả toàn bộ tài sản thế chấp cho con nợ trong trường hợp đòi được), chứ không phải con nợ phủi tay, chấm hết.
VAMC sẽ bán lại khoản nợ ấy kèm tài sản đảm bảo theo giá thị trường. Cách thức bán cơ bản là đấu giá công khai trên nguyên tắc giá bán cao hơn giá mua. “Khi mua khoản nợ theo giá thị trường, chúng tôi phải thẩm định kỹ xem giá trị tài sản thế chấp còn bao nhiêu, nếu bán đi thì có lãi không, mới mua, chứ không mua ào ào, bán ào ào”, ông Hùng nói.
Người mua lại nợ kèm tài sản thế chấp từ VAMC, đến lượt mình, được hưởng quyền đòi nợ từ con nợ. VAMC, người mua nợ và ngân hàng bán nợ cùng phối hợp với nhau có trách nhiệm theo dõi khoản nợ và yêu cầu bên nợ tiếp tục thực hiện việc trả nợ.
Như vậy, tổ chức hay cá nhân mua lại nợ từ VAMC đứng trước hai khả năng: hoặc bán được nợ cho người mua mới với giá cao hơn (có lời), thấp hơn (bị lỗ); hoặc đòi được toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc và lãi tùy vào khả năng trả nợ của con nợ. Theo ông Hùng, NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị ban hành quy trình mua bán nợ theo giá thị trường, trong đó đối tượng tham gia cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. “Mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Hùng nói.
Còn lại là chuyện tiền đâu mua bán đứt nợ? Trước mắt VAMC có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng và công ty dự kiến sẽ mua thí điểm bằng khoản vốn này “để thấy rõ khó khăn đến đâu? Làm thế nào tháo gỡ? NHNN đã chấp thuận cho VAMC mua bán nợ theo giá thị trường và sẵn sàng cung ứng thêm tiền nếu tiến triển thuận lợi”.
Năm nay, ông Hùng cho biết, VAMC cố gắng giải quyết đứt 30.000 tỉ đồng nợ xấu thông qua bán nợ, bán tài sản thế chấp và khách hàng tự trả. Hơn năm tháng đầu năm, con số nợ xấu đã xử lý dứt điểm được 8.000 tỉ đồng.
Hải Lý
TBKTSG
|