Các ngân hàng đang “chơi đẹp” hơn với nợ xấu
Thống kê cho thấy, lượng trích lập dự phòng rủi ro của toàn hệ thống tăng lên rất nhanh...
Một số ngân hàng dự kiến sẽ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt của VAMC cao hơn cả yêu cầu - Ảnh: Reuters.
|
Trao đổi với VnEconomy mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), đề cập đến một điểm mới trong ứng xử với nợ xấu.
Năm 2015, tổng lợi nhuận trước thuế trước dự phòng của Vietcombank đạt 12.896 tỷ đồng. Tuy nhiên, do trích dự phòng rủi ro lên tới 6.068 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại 6.827 tỷ đồng.
Cũng đến cuối năm qua, tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro trên tổng nợ xấu của Vietcombank đã lên tới 121%, cao nhất trên toàn hệ thống.
Chưa dừng lại, dự kiến năm 2016 này, Vietcombank có thể vẫn tiếp tục dồn khoảng 6.000 tỷ đồng cho trích lập dự phòng rủi ro.
Vì sao có quy mô và tỷ lệ trích lập dự phòng lớn như vậy, hay nợ xấu tại ngân hàng này quá xấu và quá lớn? Không hẳn vậy.
Theo lý giải của ông Nghiêm Xuân Thành, từ trong năm 2015, Vietcombank đã áp cấp độ cao hơn thông thường trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Cơ chế này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Ví như, với khách hàng có biểu hiện dòng tiền khó khăn, ngân hàng đã có thể sẵn sàng ngay chi phí dự phòng tương ứng…
Với tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro trên tổng nợ xấu rất cao, Vietcombank là trường hợp khá riêng biệt. Song, các lý do khác để đẩy quy mô trích lập dự phòng lên tại đây cũng có những điểm chung với các thành viên khác.
Ngoài ứng xử với nợ xấu theo quy định, theo khẩu vị rủi ro của mỗi thành viên, lượng trích lập phải tăng lên một cách tự nhiên theo quy mô tăng trưởng tín dụng, với yêu cầu tỷ lệ 0,75% dự phòng chung.
Thứ nữa và nổi bật hơn, trong năm 2015, các tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về dồn bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), khiến 2016 trở thành năm cao điểm đầu tiên của yêu cầu trích lập dự phòng 20% lượng đã bán.
Chính yêu cầu trên đang tạo nên khác biệt, hay có thể nói, các ngân hàng đang “chơi đẹp” hơn với nợ xấu.
Như tại Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, lượng nợ xấu bán cho VAMC không lớn, chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng, dự kiến năm nay ngân hàng sẽ thực hiện trích lập lớn hơn cả yêu cầu quy định. Cụ thể, mức trích lập dự phòng sẽ cao hơn 20%.
Quy định hiện hành yêu cầu các ngân hàng phải trích lập 20% mỗi năm cho lượng nợ xấu đã bán VAMC (theo thời hạn trái phiếu đặc biệt là 5 năm). Nhưng đây được hiểu là mức tối thiểu, nếu ngân hàng “chơi đẹp” và thực hiện trích lập được cao hơn nữa, sẽ càng được khuyến khích vì càng thêm chủ động với nợ xấu.
Ngoài nét mới trên, dù chưa mở rộng trên toàn hệ thống, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang cho thấy sự chủ động hơn trong tích lũy nguồn lực phòng thân này.
Như tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), trong tình thế đang khó khăn, lẽ thường có thể tạm nhượng bộ với nợ xấu để tránh tổn hại về lợi nhuận và danh tiếng, nhưng đã có lựa chọn đáng chú ý.
Cụ thể, nếu như các năm trước ngân hàng thường dồn trích lập dự phòng vào cuối năm, khiến lợi nhuận các quý đầu và giữa năm có vẻ “hồng hào”. Còn năm nay, theo giải trình của Hội đồng Quản trị Eximbank, ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro ngay từ đầu năm để giảm áp lực về sau.
Lựa chọn trên cũng là nét mới và điểm chung tại nhiều ngân hàng thương mại năm nay: chủ động trích lập dự phòng rủi ro rải đều trong năm, hơn là dồn vào cuối năm. Ở một mức độ nhất định, họ chấp nhận chi tiền trước, thay vì có thể tranh thủ kinh doanh với chính nguồn trích lập này khi chưa đến hạn bắt buộc “nhốt” lại.
Những điểm mới trên, cùng đặc điểm của năm 2016 sau khi đã dồn bán nợ xấu cho VAMC, cũng chính là lý do khiến quy mô lượng trích lập dự phòng rủi ro toàn hệ thống liên tục tăng mạnh thời gian gần đây.
Dữ liệu thống kê VnEconomy tìm hiểu cho thấy, cuối 2015, số dư dự phòng rủi ro tín dụng của toàn hệ thống ở mức 78.629 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2014. Đến cuối quý 1/2016, quy mô này tăng lên khoảng 87.000 tỷ đồng. Và đến ngày 31/5/2016 đã chạm mốc 90.000 tỷ đồng.
Trong quá trình xử lý nợ xấu những năm vừa qua, với nguyên tắc không được dùng ngân sách nhà nước, thì phần lớn nguồn lực vẫn do hệ thống các ngân hàng tự trích lập, tích lũy và tự xử.
Bên cạnh những chuyển động mới về cơ chế và hướng hoạt động tại VAMC gần đây, sự gia tăng quy mô trích lập dự phòng nói trên cũng là bước đi chính góp phần để tăng mức độ nguồn lực, mức độ thực chất hơn trong xử lý nợ xấu.
Minh Đức
vneconomy
|