Vì sao đề án chống ngập 20,000 tỉ đồng bị bác?
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá đề án mới chỉ là một ý tưởng khoa học, chưa phải là dự án chống ngập cho TP áp dụng.
* TPHCM cần tới 68.000 tỉ đồng để chống ngập
* TP.HCM kiến nghị vay 9.658 tỷ đồng chống ngập
Chiều 31-5, UBND TPHCM đã nghe Công ty TNHH Mục tiêu vì Môi trường và Cộng đồng (EPT) trình bày đề án "Các giải pháp cấp bách nhằm giảm đỉnh triều cao bất thường trong hệ thống sông Đồng Nai – Vàm Cỏ để chống ngập cho TP HCM và quy hoạch khả thi, bền vững nhằm giữ mức triều cao bình thường trong hệ thống các sông này".
Đại diện Công ty Mục tiêu vì Môi trường và Cộng đồng thuyết minh mô hình chống ngập
|
Đề án nhận định TPHCM là một đại đô thị có 65% diện tích tự nhiên bị ngập khi đỉnh triều lên cao và TP buộc phải sử dụng phần diện tích này. Hơn nữa, trong tương lai, TP phải phát triển đô thị ra các vùng trũng, thấp, hướng về phía hạ nguồn các con sông. Làm thế nào để có thể hài hòa giữ việc phát triển đô thị và tình trạng ngập nước do triều phải được đặt ra một cách cấp bách. Bên cạnh đó, giải pháp của đề án cũng giải quyết được một phần Quy hoạch 1547 được Thủ tướng phê duyệt.
Tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường lên khiến người dân trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM vất vả trong sinh hoạt
|
Ông Nguyễn Công Anh, đại diện EPT cho biết dự án sẽ chia thành ba vùng kiểm soát nước. Trong đó, vùng 1 gồm bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, vùng 2 gồm toàn bộ ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, vùng 3 là toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp. Đề án này dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 20,000 tỉ đồng.
Cụ thể, ở những vùng này sẽ xây dựng mô hình “Kè hở áp lực cột nước thấp quy mô cận thực tế” trên các nhánh sông phù hợp thuộc hệ thống sông Soài Rạp, Lòng Tàu và Đồng Tranh. Giảm mức đỉnh triều trên sông Đồng Nai và Vàm Cỏ bằng biện pháp phi công trình là xây dựng hồ đa nhiệm - điều tiết tại huyện Cần Giờ,... để bảo đảm sự phát triển bền vững cho TP giai đoạn 2020-2050.
Cơn mưa chiều 30-5 khiến đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP HCM lênh láng nước, người dân buôn bán ế ẩm
|
Các chuyên gia đánh giá giải pháp của đề án giúp tiết kiệm được chi phí và sử dụng công trình hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, giải pháp này ít được thế giới sử dụng và ở Việt Nam cũng chưa áp dụng. TS Phạm Sanh cho rằng đề án này mới chỉ là ý tưởng, EPT chỉ mới nghiên cứu một khía cạnh của vấn đề ngập nước của TP triều dâng mà chưa đề cập đến lượng nước mưa, hệ thống thoát nước đô thị của TP. “Đề án nên thực hiện một ứng dụng nhỏ trong thực tế như một dòng sông nhỏ hoặc một con kênh rồi mới phát triển ra toàn hệ thống sông Sài Gòn” – TS Phạm Sanh đề nghị.
Đại diện Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM nhận định: Giải pháp EPT đưa ra dựa trên cơ sở tính toán, mô phỏng thực tế. Trên lý thuyết, sau khi xây dựng bở kè, đỉnh triều ở trạm An Phú sẽ giảm từ 7-28cm, góp phần lớn cho công tác chống ngập ở TP. Tuy nhiên, dự án cũng cần nghiên cứu, đánh giá tác động tới giao thông thủy của các tuyến sông, tác động dòng chảy, tác động môi trường trên lưu vực xây bờ kè.
Các phương tiện lưu thông khó khăn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM sau cơn mưa nhỏ trưa 18-5
|
Đề án có thể áp dụng vào thực tiễn nhưng cần tổ chức thêm các cuộc hội thảo để các nhà khoa học nhận xét, đánh giá tính khả thi liên quan đến nhiều lĩnh vực như giao thông thủy, chống ngập, môi trường,… “Trước mắt, EPT cần thử nghiệm cho một nhánh sông nhỏ như một giải pháp thay thế cho dạng công trình truyền thống: - ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, nói.
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP, cho rằng để giải quyết tình trạng ngập úng ở TP, các ban ngành liên quan cần phải rà soát lại hệ thống cống trong đề án quy hoạch đô thị. Chống ngập TP cần phải liên kết vùng với các tỉnh xung quanh như Long An, Bình Dương, Tiền Giang vì hệ thống sông ngòi luôn liên kết chặt chẽ. Bên cạnh đó, các giải pháp công trình và phi công trình cần được kết hợp để các phương án được thực hiện thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng.
TP đang thực hiện nhiều giải pháp chống ngập để cải thiện môi trường sống, môi trường đầu tư
|
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: “Tình trạng ngập nước ở TP gây bức xúc rất lớn trong nhân dân, làm ảnh hưởng chất lượng sống. Hiện TP đang triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm ngập. Thời gian qua, lãnh đạo TP đã lắng nghe nhiều ý kiến của chuyên gia, người dân đóng góp về chống ngập. Hiện cũng đang có rất nhiều đơn vị trình lãnh đạo TP về dự án chống ngập”.
Tuy trân trọng ý tưởng chống ngập của EPT nhưng ông Phong đánh giá đề án mới chỉ là một ý tưởng khoa học, chưa phải là dự án chống ngập cho TP áp dụng. Theo ông Phong, đề án chống ngập của EPT chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, giải quyết được bao nhiêu phần trăm diện tích bị ngập ở TP, kinh phí thực hiện. Ông Phong đề nghị EPT tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, sở ngành để hoàn chỉnh đề án. Chống ngập phải có giải pháp đồng bộ kể cả giải pháp công trình và phi công trình.
Sỹ Đông
Người lao động
|