Tháo dỡ gấp chung cư ‘ma’ sau chỉ đạo của Bí thư Thăng
UBND quận 5 đã phê duyệt chủ trương di dời từ năm 2008 nhưng tới nay vẫn còn 10 hộ nhất quyết không bàn giao mặt bằng.
“Giao UBND quận 5 khẩn trương rà soát phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư… để làm cơ sở vận động, thuyết phục 10 hộ dân còn lại khẩn trương di dời để tháo dỡ khẩn cấp chung cư 727 Trần Hưng Đạo. Trường hợp đã vận động nhưng 10 hộ dân này vẫn không chịu di dời thì tiến hành cưỡng chế theo quy định để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân”. UBND TP.HCM ngày 30-5 có văn bản chỉ đạo như trên.
Chung cư “ma” giữa trung tâm TP
Được xây dựng vào năm 1960, chung cư 727 Trần Hưng Đạo gồm 13 tầng với 530 phòng. Do đã quá hạn sử dụng từ lâu nhưng không được tu sửa, từ nhiều năm qua chung cư này chìm trong cảnh âm u, cũ kỹ và hoang tàn đến đáng sợ. Phần lớn diện tích tầng trệt đã bỏ hoang từ lâu, bên ngoài được rào chắn để ngăn người ra vào. Phần còn lại được một người đàn ông sống tại tầng một tận dụng làm bãi giữ xe, phía trong lèo tèo vài chiếc xe của 10 hộ dân còn sống tại đây.
Vừa bước vào bên trong, mùi rác, mùi ẩm mốc, xác động vật chết bốc lên nồng nặc. Men theo cầu thang bằng sắt gỉ sét được gắn đầy các bảng cảnh báo nguy hiểm, chúng tôi bước lên các tầng phía trên. Dù đang giữa trưa nhưng càng lên cao không khí càng lạnh lẽo do ít ánh sáng và thiếu hơi người. Phía trong các cánh cửa gỗ mục nát là những căn phòng trống tràn ngập rác. Dưới sàn nhà và hành lang đầy kim tiêm, nước bẩn loang lổ khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Chiến, sống tại tầng một, một trong những người hiếm hoi còn ở lại chung cư, chia sẻ: “Đa số người dân sống tại chung cư này đều đã dọn đi nơi khác. Gia đình tôi chưa dọn đi là vì chưa hài lòng với mức giá bồi thường do chính quyền đưa ra (8,2-10 triệu đồng/m2 ở tầng một, càng lên cao càng giảm). Hiện con trai tôi đang giữ xe phía dưới chung cư để nuôi hai đứa con nhỏ vì vợ nó bỏ đi rồi. Ở đây cũng khổ lắm cô ơi, thiếu điện nước, thiếu hơi người. Con trai tôi vì sợ các đối tượng nghiện hút tìm đến phòng nên đã bày ra cái trò “điện giật chết người” để hù dọa bọn nó”.
Khi được hỏi dự định sắp tới, bà Chiến cho hay: “Nguồn sống của cả nhà chúng tôi là số tiền 4-5 triệu/tháng con trai tôi giữ xe thu được. Thật tình tôi cũng không biết sẽ dọn đi chỗ nào, bởi giá nhà hiện nay đắt quá. Do vậy tôi sẽ ở đây cho đến khi nào chính quyền đập cái chung cư này rồi mới tính tiếp”.
Chung cư 727 xập xệ, cũ nát từ nhiều năm qua làm xấu đi bộ mặt đô thị của TP.HCM. Ảnh: H.TRÂM
|
Cư ngụ trên tầng 11, chị Bảy (quê Đồng Tháp) cho biết bất đắc dĩ lắm mới phải sống tại nơi đầy rẫy nguy hiểm như thế này. “Cả nhà chúng tôi từ quê lên, biết chung cư này nhiều người bỏ đi nên chúng tôi dọn vô ở ké để đỡ tiền thuê nhà. Chồng tôi bị tai biến nằm một chỗ ở nhà, còn đứa con trai mới năm tuổi chưa được đi học. Hằng ngày tôi đi bán nước giải khát trước cổng BV Chấn thương Chỉnh hình để nuôi chồng con” - chị Bảy than thở.
Do còn quá ít hộ sinh sống nên về đêm, cả một chung cư rộng lớn chỉ lác đác vài căn phòng sáng đèn. Đèn hành lang chỗ có, chỗ không, trở thành nơi lý tưởng để những người nghiện hút ra vào.
Chính quyền nói gì về việc chậm di dời?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết: “Tháng 1-2008, UBND quận 5 đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với cư dân chung cư 727. Trước đây, chung cư có 530 hộ dân sinh sống, hiện chỉ còn 10 hộ”.
Theo ông Tuấn, mức giá bồi thường cho 10 hộ còn lại hiện dao động 6,6-10 triệu đồng/m2 tùy vị trí tầng. Người dân được quận bố trí tái định cư tại quận 5 và quận Bình Tân (các hộ nhận tiền và lấy số tiền đó để mua nhà trả góp 10 năm với lãi suất ưu đãi, giá bán bằng 80% giá thị trường). Về việc 10 hộ vẫn chưa chịu bàn giao, ông Tuấn lý giải: “Nguyên nhân chủ yếu là họ yêu cầu tăng giá bồi thường và một số đòi hỏi khác về mua nhà tái định cư. Dù các đơn vị liên quan đã nhiều lần vận động nhưng họ vẫn chưa đồng ý”.
Vậy quận đã có những động thái gì để giải quyết vướng mắc nêu trên? Ông Lê Quốc Tuấn trả lời: Xét thấy 10 hộ trên không chịu di dời, ngày 9-3 vừa qua quận đã có công văn đề nghị Sở Xây dựng trình UBND TP ban hành quyết định cưỡng chế 10 hộ dân về nơi cư trú an toàn tại chung cư Bình Trị Đông và khu dân cư Vĩnh Lộc, quận Bình Tân.
“Sau khi có chỉ đạo của đồng chí bí thư Thành ủy, quận cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục vận động một lần nữa. Nếu người dân vẫn không chấp hành, quận 5 sẽ kiên quyết cưỡng chế ngay sau khi được TP chấp thuận” - ông Tuấn khẳng định.
Nghiên cứu cơ chế đặc thù để xây dựng lại chung cư cũ
Trong Công văn 2640 ký ngày 30-5, lãnh đạo TP yêu cầu UBND quận 5 chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật tình trạng chất lượng công trình chung cư này để xử lý ngay khi có hiện tượng, nguy cơ sập đổ nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận 5 khẩn trương thực hiện thủ tục, hồ sơ kiểm định chất lượng chung cư 727. Trên cơ sở đó rà soát cơ sở pháp lý, hoàn chỉnh thủ tục, hình thức, nội dung văn bản liên quan việc di chuyển 10 hộ dân để bàn giao nhà ở theo quy định của pháp luật.
• Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa giao giám đốc Sở Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù cho chương trình đầu tư xây dựng lại chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP.
TÁ LÂM
Ngày 19-5, tại buổi làm việc với Quận ủy quận 5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng giơ cao trước hội trường những bức ảnh về chung cư 727. Bí thư Thành ủy cho rằng còn một số ít hộ không chịu di dời thì phải cưỡng chế, đừng để lợi ích của ít người làm ảnh hưởng đến số đông. Quận 5 phải tính toán, trình cơ chế để giải quyết ít nhất 53 chung cư cũ (50%) ngay trong năm 2016.
474 chung cư cũ ở TP.HCM đang cần phải kiểm định chất lượng, trong đó riêng quận 5 đã có hơn 200 chung cư. Trong số này lại có đến 106 chung cư đã xuống cấp nặng, có thể gây nguy hiểm.
(Theo Sở Xây dựng TP.HCM)
|
Hồng Trâm
pltphcm
|