ĐHĐCĐ Fideco: Liên tục biến động nhân sự cấp cao - sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Lý giải lý do nhân sự cấp cao liên tục biến động trong vòng chưa đầy 1 năm qua, ông Trần Bảo Toàn – Chủ tịch HĐQT Fideco (FDC) giải thích, việc các thành viên HĐQT cùng từ nhiệm chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về con số và vấn đề này là lý do cá nhân của các thành viên.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CTCP Ngoại thương & PT ĐT TP.HCM – Fideco (HOSE: FDC) diễn ra sáng ngày 31/05, vấn đề biến động nhân sự cao cấp của Công ty đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía các cổ đông.
Trước đó, vào tháng 7/2015 ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT FDC, ông Nguyễn Khánh Linh – Phó Chủ tịch HĐQT (đắc cử tại ĐHĐCĐ thường niên 2014) và ông Phan Vũ Việt Hùng - Ủy viên HĐQT (đắc cử tại ĐHĐCĐ thường niên 2015) đều xin từ nhiệm.
Thay vào đó, ông Trần Bảo Toàn (đại diện vốn của Công ty TNHH Doanh Bảo An - đơn vị nắm 16.5% vốn của FDC ) đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 và bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT mới gồm ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc TDH), bà Phạm Thị Hoài Thơ và bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm thành viên HĐQT.
Tuy nhiên đến gần sát ngày ĐHĐCĐ thường niên 2016, ngày 19/05, FDC nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT gồm bà Thơ, bà Hiền và ông Nguyễn Hoàng Giang (đắc cử tại ĐHĐCĐ thường niên 2015) vì lý do cá nhân.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên trên và bầu bổ sung 3 thành viên mới gồm ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh (hiện là Giám đốc Tài chính của Thuduc House – TDH), ông Quan Minh Tuấn (hiện là Kế toán trưởng của TDH) và ông Lưu Minh Thiện.
Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, bộ máy HĐQT của FDC đã thay máu 4/5 thành viên, trong đó có 3 thành viên được bầu bổ sung mới đến từ TDH.
* FDC: TDH mua gần 7 triệu cp
* TDH "gom" hơn 12% vốn, Chủ tịch FDC đang "tháo chạy"?
* FDC: Doanh Bảo An muốn thoái toàn bộ 16.49% vốn
Lý giải việc nhân sự cấp cao liên tục biến động trong vòng chưa đầy 1 năm qua, ông Trần Bảo Toàn – Chủ tịch HĐQT FDC giải thích, việc các thành viên HĐQT cùng từ nhiệm chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về con số và vấn đề này là lý do cá nhân của các thành viên. Và hiện tại, ông Toàn vẫn đương nhiệm chức Chủ tịch, vài năm nữa có thay đổi là do ĐHĐCĐ quyết định.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Fideco với sự tham gia của 43 cổ đông và người ủy quyền, đại diện cho hơn 94% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết
|
Phát hành hơn 11 triệu cp để thực hiện M&A
Tại đại hội, Chủ tịch Trần Bảo Toàn cho biết hầu các dự án bất động sản hiện tại của Công ty (trừ văn phòng cho thuê tại Phùng Khắc Khoan quận 1, TP.HCM và dự án Riverview tạo ra được doanh thu và lợi nhuận) chưa triển khai trong khi tiền thuê đất hằng năm phải trả không hề nhỏ. Việc phát triển các dự án cần thời gian dài, FDC cần có những công ty hoạt động hoạt động ngành nghề khác để có tiền ra tiền vào trong ngắn hạn, chờ thời gian cho những dự án dài hạn triển khai.
Theo đó, được đại hội thông qua, FDC sẽ phát hành 3.68 triệu cp để hoán đổi với 3 triệu cp của CTCP Thiết kế và Xây dựng Đất Phúc (gọi tắt là Đất Phúc). Với giá 1 cp của Đất Phúc là 31,893 đồng/cp và FDC là 26,000 đồng/cp, khi đó tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1 cp Đất Phúc đổi lấy 1.22 cp FDC.
Song song đó, phát hành 7.36 triệu cp để hoán đổi với 8 triệu cp của Công ty TNHH Sản xuất Bao bì Thiên Ý (gọi tắt là Thiên Ý). Với giá 1 cp của Thiên Ý là 23,920 đồng/cp và FDC là 26,000 đồng/cp thì tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1 cp Thiên Ý đổi lấy 0.92 cp FDC.
Thời điểm thực hiện là 3 tháng kể từ ngày được ĐHĐCĐ thông qua. Dự kiến sau khi hoán đổi, FDC sẽ sở hữu 100% vốn hai đơn vị này, đồng thời vốn điều lệ của FDC sẽ tăng từ 276 lên 386.5 tỷ đồng.
Tỷ lệ sở hữu sau hoán đổi giữa FDC với Đất Phúc và Thiên Ý
Ông Toàn cho hay, khi sở hữu 100% những công ty này, FDC có thể hợp nhất kết quả kinh doanh và từ đó Công ty sẽ tăng được doanh thu và lợi nhuận.
Kế hoạch kinh doanh 2016-2020 của Đất Phúc và Thiên Ý
Cổ tức 2016 trông chờ đột biến từ đầu tư tài chính
Trong quý 1/2016, CTCP Ngoại thương & PT ĐT TP.HCM – Fideco (HOSE: FDC) không hề có doanh thu từ bán dự án bất động sản. Cho thuê văn phòng và doanh thu khác mang lại được hơn 1.4 tỷ đồng, giảm 46% so cùng kỳ và kết quả kinh doanh lỗ 2.2 tỷ đồng.
|
Năm 2016, FDC phấn đấu doanh thu gần 158 tỷ đồng, tăng tưởng trưởng 17% so với thực hiện trong 2015. Tuy nhiên lãi sau thuế ở mức trên 26 tỷ đồng, giảm đến 54% và cổ tức ở mức 9%.
Mặc dù vậy, ông Toàn hy vọng năm 2016 FDC sẽ có những dòng tiền đột biến từ hoạt động đầu tư tài chính giống như năm 2015 vừa qua để có thể tăng mức cổ tức cho cổ đông.
Được biết, vào tháng 8/2015, với dự báo lạc quan kết quả năm có thể lãi hơn 70 tỷ đồng, ban lãnh đạo FDC đã mạnh tay nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2015 từ 10% lên 39% và nhanh chóng tạm ứng 33% vào tháng 9/2015, tương đương hơn 90 tỷ đồng. Khi đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 45 tỷ đồng, Công ty đã phải sử dụng toàn bộ quỹ đầu tư và phát triển để chia cổ tức, dự định vào cuối năm sẽ có được khoản lợi nhuận từ thanh lý đầu tư thì sẽ tiếp tục chia phần còn lại.
Thế nhưng kết quả thực tế thu về đã thấp hơn kỳ vọng của ban lãnh đạo khi lãi sau thuế cả năm chỉ đạt hơn 56 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm kết thúc năm 2015 chỉ khoảng 10 tỷ đồng, nếu tiếp tục chia thì sẽ không còn đủ lợi nhuận phân bổ cho các quỹ phát triển và UBCKNN cũng không cho phép. Qua đó, đại hội đã chấp nhận giảm cổ tức 2015 từ 39% còn 33%.
Dự án bất động sản vẫn giậm chân ở khâu xin giấy phép
Năm qua, FDC thoái vốn khỏi dự án khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương 126.7 ha. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận từ mảng bất động sản 2016 chủ yếu trông cậy vào hoạt động cho thuê văn phòng Fideco Riverview và tòa nhà 28 Phùng Khắc Khoan, dự kiến doanh thu 21.6 tỷ đồng. Còn lại các dự án khác vẫn ở khâu xin giấy phép và thủ tục đầu tư.
Cụ thể, FDC sẽ tiến hành phối hợp với UBND quận 2 thực bồi thường, giải phóng phần diện tích 2,162 m2 còn lại của dự án khu nhà ở phường Bình Trưng Đông, quận 2 rộng 5 ha. Ngoài ra, thống nhất phương án xây dựng tuyến đường thuộc hạ tầng kỹ thuật chính để kết nối vào các dự án thành phần.
Dự án khu nhà ở huyện Cần Giờ 29.8 ha đã ngưng triển khai trong năm qua do tình hình bất động sản gặp nhiều khó khăn, dự kiến năm 2016 FDC sẽ hoàn tất việc xin duyệt tỷ lệ 1/500.
Dự án xây mới tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan, sẽ tiếp tục chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai như lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, nộp hồ sơ xin phép xây dựng. Chia sẻ về dự án này, Chủ tịch FDC cho biết, hiện tại Công ty còn 48 năm thuê mặt bằng của TP.HCM với diện tích khoảng 1,328 m2. Phía sau khu đất là trụ sở ủy ban tôn giáo và bên cạnh là ban dân vận, FDC đang đàm phán với thành ủy xin hợp nhất 2 miếng đất trên để có được khuôn viên trên 2,300 m2. Ông Toàn đánh giá đây là khu đất vàng ở trung tâm thành phố. Với mật độ xây dựng cho phép dự kiến là 65% và chiều cao tối đa là 8 tầng, Công ty đang cố gắng xin giấy phép để có thể xây cao hơn ở phía trong với 12 tầng. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những tài sản lớn của FDC, ông Toàn cho biết. Hiện hệ số xây dựng cụ thể vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, ông Toàn ước tính vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 350-400 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án Công ty TNHH Đầu tư Phúc Thịnh Đức sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục pháp lý và thủ tục khác liên quan đến dự án Chung cư TDH – Phúc Thịnh Đức tại quận 9, TP.HCM. Đồng thời, tiếp tục phát triển dự án trung tâm thương mại-khách sạn La Sapinette Hotel tại Đà Lạt./.
|