Vì doanh nghiệp hay vì cơ quan quản lý?
Đã đến lúc phải thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN), không thể chần chừ thêm. Câu chuyện nơi đặt trụ sở chính lại một lần nữa khiến cộng đồng doanh nghiệp và dư luận chú ý.
* Chuyện hợp nhất hai sàn chứng khoán
Giá trị vốn hóa các công ty niêm yết hiện tại HOSE chiếm 88% giá trị vốn hóa toàn thị trường, tương đương 28,5% GDP Việt Nam tính theo con số năm 2015. Giá trị giao dịch hàng ngày của Hose vượt trội so với Hnx, chiếm 73% thanh khoản toàn thị trường. Ảnh: TUỆ DOANH
|
Những dùng dằng...
Ngày 4-5-2016, Thành ủy TPHCM đã gửi Thủ tướng Chính phủ văn bản số 177-CV/TU do Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ký. Xin trích nội dung chính của văn bản này:
“Xuất phát từ vị trí TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là nơi có hoạt động kinh doanh năng động, luôn đi đầu trong cải cách hành chính, với kết quả hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố trong 15 năm qua, đồng thời quán triệt Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc đặt trụ sở chính của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại TPHCM”.
Đây không phải lần đầu tiên Thành ủy cũng như Ủy ban nhân dân TPHCM đề nghị Chính phủ chấp thuận việc đặt trụ sở của SGDCKVN tại TPHCM. Năm 2014, khi trình Chính phủ đề án về việc chọn lựa địa điểm đặt trụ sở của SGDCKVN (hợp nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM - Hose và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - Hnx), Bộ Tài chính đã đề xuất phương án chọn Hà Nội.
Sau đó, trong lần trình thứ hai, tiếp thu ý kiến của Chính phủ ở lần trình thứ nhất, đề án để ngỏ địa điểm cho Chính phủ quyết định. Khi xem xét đề án trình lần hai của Bộ Tài chính, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phân tích rõ, so sánh thuận lợi và khó khăn của việc đặt trụ sở ở Hà Nội hoặc TPHCM. Tuy nhiên vấn đề này đã gần như bị bỏ trống trong đề án chọn trụ sở cho SGDCKVN của Bộ Tài chính.
Cơ hội đã bị bỏ lỡ
Việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán thành một sở, đồng thời đưa toàn bộ cổ phiếu của sàn Hà Nội (trừ UpCom) về Hose và Hnx sẽ tập trung phát triển giao dịch trái phiếu đã được thống nhất từ lâu. Lẽ ra để chuẩn bị cho việc ra đời của SGDCKVN, các cổ phiếu của Hnx phải được chuyển về Hose trước, tạo điều kiện cho Hose tạo lập, phân loại các bảng giao dịch cao cấp và thứ cấp.
Thí dụ bảng cao cấp bao gồm cổ phiếu của 50 hoặc 100 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất, có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế. Điều này, phần lớn các thị trường chứng khoán thế giới đã thực hiện. Sự phân loại một cách nhất quán, đồng bộ sẽ tạo sức hút cho dòng vốn ngoại và nội đổ vào chứng khoán - có chức năng là kênh huy động vốn quyết định của nền kinh tế, nhưng hiện lại chưa hoàn thành sứ mệnh của nó.
Mọi sự cân nhắc cần được công khai, minh bạch vì quyền lợi của nền kinh tế và đặc biệt là không “ném tiền qua cửa sổ”.
|
Việc tập hợp các cổ phiếu lớn vào một bảng giao dịch, và thúc đẩy việc niêm yết hàng loạt công ty đại chúng chưa lên sàn hay nói cách khác là tạo dựng hàng hóa cho thị trường đang ngày càng cấp bách, nhưng lại không được xử lý một cách thấu đáo, dứt khoát trong suốt thời gian qua.
Đã gần một thập kỷ nay, kể từ đầu năm 2007, chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục “chìm” trong suy thoái, không qua được mốc 650 điểm. Trong khi mỗi năm chúng ta thu hút được 14-15 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chảy vào qua kênh chứng khoán niêm yết chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đô la Mỹ/năm. Năm ngoái con số này còn chưa đầy 100 triệu đô la Mỹ.
Hơn thế, việc huy động vốn qua sàn càng ngày càng trở nên khó khăn. Các doanh nghiệp niêm yết hễ cứ phát hành cổ phiếu tăng vốn là y như rằng nhà đầu tư không ham, là thị giá cổ phiếu đi ngang hoặc đi xuống. Nhà đầu tư chỉ muốn được trả cổ tức bằng tiền và so bì cổ tức với lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Thị trường vốn phải song hành với thị trường tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Đằng này thị trường tiền tệ đang lấn lướt, đang phải gánh quá nhiều gánh nặng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, tức làm thay cả chức năng của thị trường tài chính.
Đây là trách nhiệm lớn đối với sự phát triển thị trường tài chính mà Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản phải trả lời trước công luận. Tiếc thay, thay vì đưa ra cơ chế, đề xuất giải pháp đưa thị trường đi lên, mà trước mắt là làm thế nào nâng cấp chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Bộ Tài chính lại có xu hướng lựa chọn giải pháp nặng về thủ tục hành chính là đặt trụ sở của SGDCKVN tại Hà Nội.
Việc đặt trụ sở của sở giao dịch thống nhất tại Hà Nội sẽ thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhưng liệu có thuận lợi cho doanh nghiệp khi nền kinh tế đang trông chờ vào sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân?
Hãy vì quyền lợi của doanh nghiệp!
Khoan hãy đề cập đến quy mô của Hose, nơi giá trị vốn hóa các công ty niêm yết hiện chiếm 88% giá trị vốn hóa toàn thị trường, tương đương 28,5% GDP Việt Nam tính theo con số năm 2015. Giá trị giao dịch hàng ngày của Hose vượt trội so với Hnx, chiếm 73% thanh khoản toàn thị trường.
Vấn đề cốt lõi, TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp hàng đầu, các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Tất cả cổ phiếu của các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán, các ngân hàng hàng đầu, các đơn vị bảo hiểm lớn, doanh nghiệp dẫn đầu trong từng lĩnh vực... đều đang giao dịch ở Hose.
Đặt trụ sở của SGDCKVN ở TPHCM không chỉ bởi nơi đây có đủ điều kiện, kể cả dự phòng về công nghệ thông tin đã được xây dựng và vận hành hiệu quả, để trở thành trung tâm tài chính của cả nước, mà trước hết là vì quyền lợi của doanh nghiệp.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức tại TPHCM cuối tháng 4-2016, Thủ tướng đã nhấn mạnh Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp, tháo rào cản, tạo niềm tin để mọi người dân, doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất kinh doanh.
Nếu có một cuộc thăm dò ý kiến cộng đồng doanh nghiệp một cách công khai và rộng rãi, chắc chắn một tỷ lệ lớn doanh nghiệp sẽ ủng hộ việc đặt trụ sở của SGDCKVN tại TPHCM. Không thể nào thị trường chứng khoán lớn và sôi động nhất cả nước nằm ở TPHCM mà trụ sở cơ quan điều hành, quản lý nó lại nằm ở Hà Nội!
Nếu có sự thuận lợi nào đó cho cơ quan quản lý trong việc đặt trụ sở của SGDCKVN ở Hà Nội, thì xin hãy nhường sự thuận lợi đó cho cộng đồng doanh nghiệp! Mọi sự cân nhắc cần được công khai, minh bạch vì quyền lợi của nền kinh tế và đặc biệt là không “ném tiền qua cửa sổ” khi Hose đã được chính Bộ Tài chính phê duyệt từ nguồn ngân sách để đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho cơ sở thiết bị vật chất và công nghệ.
Hải Lý
tbktsg
|