Tập đoàn dầu khí Shell tháo chạy khỏi 10 thị trường và cắt giảm 12.000 lao động, dù giá dầu đã tăng
Tập đoàn dầu khí lớn thứ hai thế giới, Shell, đang lên kế hoạch dừng các hoạt động kinh doanh tại 10 quốc gia, trong nỗ lực giảm sâu hơn nữa chi phí nhằm đối phó với giá dầu thấp và cũng để trả bớt số nợ sau khi bỏ ra 54 tỷ USD để thâu tóm BG Group.
Tập đoàn dầu khí Shell sẽ bán đi 10% tài sản và cắt giảm 12.000 lao động nhằm giảm chi phí hoạt động và tăng tiết kiệm trong bối cảnh giá dầu thấp
Tập đoàn đang hiện diện trên 70 quốc gia này cho biết rằng sẽ chỉ tập trung vào 13 thị trường trọng điểm nơi mang lại nhiều lợi nhuận, bao gồm Brazil, Australia và Mỹ.
|
“Danh mục của chúng tôi có lẽ đa dạng hơn và cũng trải rộng trên khắp thế giới, và một số đã kém hấp dẫn, hơn là chúng tôi muốn,” Giám đốc tài chính của Shell, ông Simon Henry, chia sẻ.
Động thái này của Shell, bao gồm cả việc bán đi 10% các tài sản khai thác dầu khí, sẽ khiến tập đoàn nổi danh toàn cầu này trở lên nhỏ hơn về quy mô. Nhưng bù lại, thì việc thoái vốn cũng có nghĩa là các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận với những danh mục đầu tư khủng hơn những gì mà tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Mỹ từng đưa ra.
Cùng với tuyên bố rút khỏi các thị trường trên, Shell cũng công bố chiến lược sau khi hoàn tất hợp đồng thâu tóm BG hồi tháng Hai là sẽ chi tiêu từ 25 tỷ USD đến 30 tỷ USD mỗi năm từ nay đến cuối thập kỷ này, nếu như giá dầu vẫn ở mức dưới 50 USD một thùng.
Tập đoàn này cũng phải hạ mức chi phí cho năm 2016 xuống còn 29 tỷ USD, trong đó có 2,5 tỷ USD dành cho hoạt động thăm dò, so với mức dự kiến 35 tỷ USD trước đó. Đồng thời Shell cũng đưa mục tiêu tiết kiệm lên 4,5 tỷ USD, tăng cao hơn 1 tỷ USD so với trước đó. Điều đáng nói là nguồn tiết kiệm chính lại đến từ việc cắt giảm 12.500 lao động trong năm nay.
Giám đốc điều hành Shell Ben van Beurden hi vọng rằng việc cắt giảm nhân công sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu của Shell lên cao
|
Giám đốc điều hành Ben van Beurden hi vọng rằng việc cắt giảm nhân công sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu của Shell lên cao, sau khi giảm xuống do giá dầu tụt dốc từ giữa năm 2014. Cùng với niềm hi vọng đó, ông đưa ra lời hứa với các cổ đông rằng Shell sẽ tạo ra tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số vào cuối thập kỷ này. Trong bối cảnh này, tập đoàn Shell đưa ra dự báo giá dầu sẽ ở mức trung bình khoảng 65 USD vào năm 2018.
Tuyên bố trên của Shell, tập đoàn dầu khí lớn thứ hai toàn cầu sau Exxon Mobil, cho thấy dù giá dầu đã hồi phục mạnh từ tháng Hai đến nay, thì một người khổng lồ trong ngành dầu khí như Shell vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Sau khi chạm đáy trong 13 năm ở mức 27 USD một thùng trong tháng Hai, giá dầu đã tăng hơn 60% và chạm ngưỡng 50 USD một thùng vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu tăng chỉ là do nguồn cung bị gián đoạn tạm thời ở Canada và Nigeria. Tuần trước, cuộc họp của OPEC đã không đạt được thỏa thuận về giới hạn sản lượng khai thác dầu nhằm đẩy giá dầu lên cao. Đã có nhiều ý kiến cho rằng một thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu không còn thích hơp nữa, do giá dầu đã tăng, nhưng điều đó lại không mạng lại sự bảo đảm nào đối với việc nguồn cung sẽ tăng mạnh trở lại và đẩy giá dầu đi xuống.
Giá dầu thấp cũng đã tạo một trong những làn sóng doanh nghiệp phá sản lớn nhất lịch sử doanh nghiệp Mỹ, với 59 công ty dầu khí đã rơi vào tình trạng phá sản, theo thông tin từ Reuters. Ngoài ra cũng có nhiều doanh nghiệp dầu mỏ khác đang hoạt động cầm chừng hoặc ở trong tình trạng “thoi thóp”.
Bảo Trâm
diễn đàn doanh nghiệp
|