Thứ Ba, 07/06/2016 13:48

Mỹ-Trung tiếp tục đối đầu về kinh tế

Ngày 6 và 7-6, Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung Quốc (SED) thường niên lần thứ 8 diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tồn tại những bất đồng và căng thẳng trong kinh tế - theo báo Wall Street Journal.

Từ trái sang phải: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung Quốc thường niên lần thứ 8 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 6-6. Ảnh: Reuters

Mỹ giục Trung Quốc giảm sản lượng dư thừa

Trong bài phát biểu khai mạc SED ngày 6-6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew hối thúc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép dư thừa đang tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Ông Lew nhấn mạnh việc thực thi các chính sách nhằm giảm đáng kể sản lượng trong một loạt ngành đang bị dư thừa, trong đó có thép và nhôm, mang tính quyết định đối với sự vận hành và ổn định của các thị trường quốc tế.

Ngoài ra, ông Lew cũng cho biết Mỹ khuyến khích Trung Quốc vận dụng các chính sách tài chính và cho vay nhằm tăng nhu cầu tiêu dùng như một phần trong tiến trình chuyển đối kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Mỹ đang nhìn vấn đề dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc từ quan điểm nền kinh tế toàn cầu, trong khi các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc xem các ngành công nghiệp này là quan trọng cho việc cung cấp công ăn việc làm trong nước. Ví dụ, các nhà phân tích cho rằng có hơn 25 triệu người làm việc trong lĩnh vực năng lượng của nước này và có thể số nhân công này nhiều hơn ngành năng lượng thực sự cần. Mặc dù cải cách công nghiệp là thiết yếu để nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh nhưng Trung Quốc lo lắng việc này sẽ khiến nhiều người bị sa thải, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và bất ổn xã hội.

Trung Quốc sản xuất một nửa số thép trên thế giới. Nhưng nhu cầu thép trong nước giảm sút khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trung Quốc đang bị kết tội bán phá giá thép thừa ra nước ngoài, khiến nhiều đối thủ phải đóng cửa nhà máy và sa thải hàng ngàn công nhân. Tháng trước, Mỹ đã tăng mạnh thuế nhập khẩu thép Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng dư cung là vấn đề toàn cầu, do nhu cầu yếu. Trung Quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề này và đã cắt giảm 500.000 nhân lực ngành thép trong nước.

Tại SED, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết giảm bớt tình trạng dư thừa nhưng không công bố bất kỳ sáng kiến mới nào. Ông Tập cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục công cuộc cải cách cơ cấu và tăng cường sự cởi mở với bên ngoài.

Tỷ giá

Vào tháng 4-2016, Bộ Tài chính Mỹ đã đặt Trung Quốc vào danh sách các nước có chính sách ngoại hối cần theo dõi sát.

Nhân dân tệ chịu sức ép lớn suốt một năm qua do dòng tiền khổng lồ rời khỏi Trung Quốc. Đợt hạ giá mạnh tay nhân dân tệ vào tháng 8-2015 đã khiến thị trường toàn cầu lao đao. Gần đây, Trung Quốc lại liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu ngày giữa nhân dân tệ và đô la Mỹ xuống thấp nhất 5 năm. Điều này khiến giới quan sát nghi ngờ Trung Quốc cố tình thao túng tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Trước đó, Trung Quốc đã cam kết để nhân dân tệ tự do biến động. Nhưng chuỗi sự việc trên đang khiến tuyên bố này bị nghi ngờ.

Ngày 6-6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tăng tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ 296 điểm cơ bản - mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ ngày 29-4 - lên 6,5497 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ.

Phân biệt đối xử

Hiện, nhiều công ty Mỹ đang phàn nàn khó hoạt động tại Trung Quốc. Trong khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, 77% công ty cho biết họ ít được chào đón tại Trung Quốc hơn trước đây. "Các thành viên của chúng tôi đều lo ngại về các động thái được cho là chống lại họ. Điều luật không rõ ràng và giải thích không đồng nhất là những thách thức lớn nhất năm nay", Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc James Zimmerman cho biết.

Các vấn đề gần đây giữa hai nước còn có việc Trung Quốc hạn chế nội dung trực tuyến của nước ngoài, như sách điện tử và phim của Apple hay nền tảng trực tuyến của Disney.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc cũng đang gặp khó khi tấn công thị trường Mỹ. Đại gia công nghệ Huawei đang gặp thách thức khi gây dựng đế chế thiết bị viễn thông tại Mỹ, do vấn đề an ninh.

Trung Quốc thận trọng mở ra những lĩnh vực cho Mỹ đầu tư

Tuy nhiên, Trung Quốc đang cần thu hút nhiều đầu tư hơn và tích hợp những công nghệ mới để nâng cấp ngành công nghiệp và chất lượng hàng xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết tạo ra "xã hội canh tân" bằng cách khuyến khích sự tích hợp những công nghệ mới khắp mọi mặt. Trung Quốc hiện có cơ sở nghiên cứu và phát triển yếu dù tăng trưởng công nghiệp cao, và lệ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, hoặc bắt chước công nghệ nước ngoài.

Các nhà phân tích nói du nhập thêm nhiều công nghệ nước ngoài chỉ được thực hiện khi Trung Quốc mở ra những lĩnh vực đầu tư mới. Đó là lý do tại sao Trung Quốc sẵn sàng thận trọng mở ra vài lĩnh vực. Trung Quốc dự kiến sẽ sớm giảm số lượng những lĩnh vực kinh doanh bị cấm nhận đầu tư nước ngoài. Ngày 6-6, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết Trung Quốc sẽ đệ trình danh sách mới các lĩnh vực kinh doanh bị cấm nhận đầu tư nước ngoài vào tuần sau nhưng chưa chắc chắn bao nhiêu lĩnh vực sẽ mở ra.

Trước đó, Trung Quốc đã không giữ được hạn chót mà họ áp đặt cho việc công bố danh sách nói trên vào tháng 3-2016, gây thất vọng cho những người Mỹ tham gia cuộc đối thoại. Họ cảm thấy sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng đến những cuộc đàm phán cho một hiệp ước đầu tư kinh doanh rộng lớn hơn giữa hai nước, điều mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý theo đuổi vào tháng 9-2015.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường, đã nhiều lần chỉ ra danh sách các lĩnh vực kinh doanh bị cấm nhận đầu tư nước ngoài, chỉ giữ vài lĩnh vực nhạy cảm ngoài vòng tiếp cận. Nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc gần đây có thể đã khiến các nhà chức trách nước này trì hoãn công bố danh sách để bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương lâu nhất có thể, theo các nhà phân tích.

Tại buổi khai mạc SED, Chủ tịch Trung Quốc Tâp Cận Bình bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận đầu tư mạnh mẽ. Ông Tập nói: "Chúng ta phải nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận đầu tư Trung-Mỹ có lợi cho cả đôi bên vào thời điểm sớm nhất và tạo ra những điểm sáng mới trong sự hợp tác kinh tế và thương mại song phương".

Tuy nhiên, việc công bố danh sách sau khi đối thoại kết thúc khiến một số nhà quan sát bi quan. Phó giám đốc Chương trình Freeman nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington (Mỹ) Scott Kennedy cho biết cuộc đối thoại là lúc các quan chức Mỹ và Trung Quốc tập trung vào mối quan hệ và điều đáng thất vọng là Trung Quốc đã không cung cấp danh sách từ trước. Việc này khiến người ta tự hỏi liệu cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế quan trọng như thế nào đối với giới lãnh đạo Trung Quốc?".

Các doanh nghiệp Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi về cam kết mở cửa nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Kinh nghiệm cho thấy chính quyền địa phương Trung Quốc thường chậm trễ trong việc thi hành danh sách mới hoặc tạo ra tình trạng tắc nghẽn hành chính để trì hoãn mở ra những lĩnh vực này, ngay cả sau khi chính phủ trung ương đã thông báo cải cách.

Nhà kinh tế Evans Pritchard nói: "Có sự ngờ vực ngày càng lớn về mong muốn của Trung Quốc mở ra những lĩnh vực đầu tư. Khu thương mại tự do Thượng Hải cam kết sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong một loạt lĩnh vực mới. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đang phàn nàn họ không có được sự tiếp cận thị trường đầy đủ".

Ông Pritchard nói thêm Trung Quốc có thể xem xét nới lỏng kiểm soát đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm, nhà hàng, khách sạn và một số ngành dịch vụ khác không bị dư thừa công suất. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ ngành viễn thông, công nghiệp nặng và công nghiệp truyền thống ngoài tầm tay của các nhà đầu tư nước ngoài.

Phúc Minh

TBKTS

Các tin tức khác

>   Trung Quốc có thể đối mặt với đại khủng hoảng (07/06/2016)

>   Ngân hàng Thế giới cấm dùng thuật ngữ “quốc gia đang phát triển” (07/06/2016)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc mua lại sân bay thua lỗ ở Đức (06/06/2016)

>   Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bơm 40 tỷ nhân dân tệ vào thị trường (06/06/2016)

>   Saudi Arabia nâng giá bán dầu đối với châu Á và Mỹ (06/06/2016)

>   Các đồng tiền châu Á nhảy vọt khi kỳ vọng Fed nâng lãi suất sụt giảm (06/06/2016)

>   Nỗi lo “Brexit” nhấn chìm đồng Bảng Anh (06/06/2016)

>   Inter Milan sắp về tay tập đoàn Trung Quốc (06/06/2016)

>   Saudi Arabia với kế hoạch “hậu dầu mỏ” (06/06/2016)

>   Người Thụy Sĩ "nói không" với trợ cấp suốt đời (05/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật