Thứ Hai, 06/06/2016 09:23

Saudi Arabia với kế hoạch “hậu dầu mỏ”

Trong bối cảnh giá dầu sa sút mạnh thời gian qua, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng nền kinh tế, với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ vào cuối thập kỷ tới.

Kế hoạch có tên gọi là "Tầm nhìn Kinh tế 2030" này được đánh giá là "đúng hướng", song Saudi Arabia sẽ khó thực hiện thành công theo đúng lộ trình vì một loạt thách thức, từ cơ chế chính sách, sức cạnh tranh của doanh nghiệp đến bối cảnh địa chính trị khu vực... và đặc biệt kế hoạch chỉ đưa ra mục tiêu mà thiếu giải pháp chi tiết. 

Hoàng tử Mohammed bin Salman

Bi kịch của kinh tế dầu mỏ

Saudi Arabia là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ kiểm chứng lớn nhất thế giới, với hơn 268 tỷ thùng. Trong nhiều thập kỷ qua, dầu mỏ luôn là lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế quốc gia Trung Đông này. Dầu mỏ đem lại cho quốc gia Arab vùng Vịnh hàng trăm tỷ USD mỗi năm, chiếm 45% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). “Vàng đen” cũng chiếm hơn 80% thu ngân sách và hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Saudi Arabia. 

Với quy mô gần 800 tỷ USD, Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA). Nhờ có nguồn lợi vô cùng dồi dào từ dầu mỏ, chính phủ nước này đã mạnh tay chi cho các chương trình an sinh-xã hội, thực thi nhiều chính sách trợ cấp, trợ giá cho người dân và đầu tư hàng chục tỷ USD cho quốc phòng mỗi năm.

Tuy nhiên, nền kinh tế lệ thuộc quá mức vào dầu mỏ của Saudi Arabia đang chao đảo mạnh do nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, giá dầu thô đã giảm sâu từ mức đỉnh điểm hơn 100 USD/thùng giữa năm 2014, xuống dưới 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016 trước khi phục hồi lên khoảng 48-49 USD/thùng hiện nay.   

Vào thời điểm giá dầu cao, Saudi Arabia từng ghi nhận các mức thặng dự ngân sách khổng lồ gần 103 tỷ USD năm 2012 và 48 tỷ USD năm 2013. Nhưng giá dầu giảm đã khiến nước này thâm hụt ngân sách tới 98 tỷ USD năm 2015, mức cao kỷ lục trong lịch sử. Năm 2015, tổng thu ngân sách chỉ đạt 162 tỷ USD, trong khi chi tiêu lên tới 260 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2016, Saudi Arabia tiếp tục thâm hụt ngân sách ở mức cao.

Trước áp lực về ngân sách, Chính phủ Saudi Arabia đã phải dừng nhiều dự án lớn, thắt chặt chi tiêu ở một số lĩnh vực, đồng thời tăng 80% giá bán lẻ nhiên liệu, vốn được coi là "rẻ như cho không" và giảm trợ cấp đối với ngành điện, nước sinh hoạt... Ngân sách eo hẹp cũng buộc Saudi Arabia phải phát hành trái phiếu trên thị trường nội địa năm 2015 và đi vay 10 tỷ USD từ các ngân hàng nước ngoài đầu năm nay. 

Nước này đã phải sử dụng đến hơn 100 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại tệ, khiến quỹ này tụt xuống còn 616 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Riyadh có kế hoạch cắt giảm 13,8% chi ngân sách trong năm 2016, trong đó ngân sách quốc phòng dự kiến giảm 3,6% xuống 45,9 tỷ USD năm nay.

Chính phủ Saudi Arabia hồi cuối tháng 4/2016 đã thông qua kế hoạch "Tầm nhìn Kinh tế 2030" cho thời kỳ hậu kỷ nguyên dầu mỏ, do Phó thái tử Mohammed bin Salman (người kế vị thứ hai) khởi xướng. Kế hoạch này được đưa ra với mục tiêu chính là giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua các cải cách mạnh mẽ về đầu tư và kinh doanh cũng như thúc đẩy một loạt dự án kinh tế sinh lời và tạo việc làm.   

Kế hoạch “đại phẫu” tham vọng

"Tầm nhìn Kinh tế 2030" được kỳ vọng sẽ tăng 6 lần doanh thu từ các hoạt động phi dầu mỏ từ 43,5 tỷ USD lên 267 tỷ USD. Saudi Arabia cũng đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của lĩnh vực tư nhân trong GDP từ 40% lên 60% vào năm 2030, đặc biệt mức đóng góp trong nền kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được nâng từ 20% lên 35%, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động.   

Phó thái tử Muhammad bin Salman, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng kiêm người đứng đầu Hội đồng Kinh tế, thừa nhận với báo giới rằng "sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ đang kìm hãm sự phát triển của Saudi Arabia", đồng thời bày tỏ tin tưởng quốc gia này có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ vào năm 2020.

Thông qua các cải cách kinh tế sâu rộng, Saudi Arabia hy vọng tăng thu ngân sách thêm 100 tỷ USD mỗi năm từ nay tới năm 2020; giảm tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của dầu mỏ từ khoảng 80% hiện nay xuống còn 16% vào năm 2030, đồng thời tái cơ cấu các chính sách trợ cấp để tiết kiệm khoảng 30 tỷ USD/năm.   

Nước này cũng sẽ xem xét chương trình cấp "thẻ xanh" cho người nước ngoài, giống như Mỹ, để thu hút giới doanh nhân đến làm ăn cũng như cho phép lao động nước ngoài đến làm việc, với mục tiêu có thêm nguồn thu.

Theo “Tầm nhìn Kinh tế 2030”, Saudi Arabia sẽ đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 11,6% xuống 7%. Lĩnh vực bán lẻ được coi là một trong những động lực thúc đẩy việc làm. Du lịch tôn giáo cũng là một nguồn doanh thu quan trọng đối với Saudi Arabia, do đó kế hoạch cải tổ kinh tế sẽ thu hút 30 triệu khách hành hương vào năm 2030, từ 8 triệu USD hiện nay.   

"Tầm nhìn Kinh tế 2030" của Saudi Arabia đề ra mục tiêu thành lập Quỹ Đầu tư công (PIF) trị giá ít nhất 2.000 tỷ USD vào năm 2030, thông qua việc phát hành 5% cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty dầu mỏ quốc doanh lớn nhất thế giới Saudi Aramco. Aramco hiện có trị giá hàng nghìn tỷ USD và chiếm gần 12% tổng sản lượng khai thác dầu của thế giới.

PIF sẽ giúp thúc đẩy phát triển các dự án ở trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực, nhằm đa dạng hóa các nguồn thu cho chính phủ, thay vì dầu mỏ như hiện nay. Saudi Arabia cũng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phi dầu mỏ như năng lượng sách, điện, vũ khí quân sự, khai khoáng...   

Với "Tầm nhìn Kinh tế 2030", Saudi Arabia có tham vọng tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế lên khoảng 1.600 tỷ USD vào năm 2030, trở thành nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới, từ vị trí 19 hiện nay. Tuy nhiên, bản kế hoạch cải tổ kinh tế với vỏn vẹn 40 trang của Phó thái tử Mohammed bin Salman chỉ đưa ra các con số và mục tiêu hấp dẫn, mà không đề ra các giải pháp chi tiết, đó là chưa tính đến năng lực tổ chức thực hiện ở một xã hội vốn trì trệ do lệ thuộc quá lâu vào dầu mỏ.

Do vậy, việc triển khai "Tầm nhìn Kinh tế 2030" có thể sẽ không được như kỳ vọng trong bối cảnh Saudi Arabia cũng chưa có cách nào để có thể giải bài toán tạo 1,3 triệu việc làm cho lao động trong nước vào năm 2020. Đó là chưa kể đến những rủi ro từ tình hình địa chính trị tại Trung Đông và những nguy cơ tiềm ẩn khác.

NT Tổng hợp

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Người Thụy Sĩ "nói không" với trợ cấp suốt đời (05/06/2016)

>   Gọng kìm pháp lý siết chặt, EU có thể phạt Google 3 tỷ euro (05/06/2016)

>   Khi doanh nhân thành đạt che đậy các khoản hối lộ (09/06/2016)

>   Cách thức chính khách giấu nhẹm khoản thừa kế khổng lồ (07/06/2016)

>   Hạ viện Mỹ tiến hành điều tra các lỗ hổng an ninh mạng của Fed (04/06/2016)

>   Dầu chứng kiến tuần sụt giảm đầu tiên trong 1 tháng (04/06/2016)

>   Vàng bật tăng hơn 30 USD/oz, mạnh nhất 11 tuần sau báo cáo việc làm ảm đạm (04/06/2016)

>   OPEC vẫn chưa thể nhất trí về trần sản lượng dầu thô (03/06/2016)

>   Vàng xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng sau nhận định của quan chức Fed (03/06/2016)

>   Dầu Brent lên cao nhất từ tháng 11/2015 sau cuộc họp của OPEC (03/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật