Nhịp đập Thị trường 20/06: Giá dầu cùng tín hiệu Anh ở lại EU tạo động lực cho VN-Index tăng
Lực cầu tiếp tục tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt ở nhóm cổ phiếu dầu khí sau khi giá dầu thô thế giới có bước nhảy vọt qua mốc 48.7 USD/thùng. Bộ đôi PVD, PVT đạt mức giá kịch trần trong khi PVC, PVS, PGS hay PTB cũng tăng rất mạnh.
Ngoài ra, sự khởi sắc của chứng khoán châu Á sau thông tin tích cực về sự kiện Brexit (nhiều khả năng Anh ở lại EU) cũng tạo động lực lớn cho các chỉ số trong nước đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày.
Chốt phiên, VN-Index lên 626.46 điểm, tăng mạnh hơn 1.15%, mức tăng gần gấp đôi so với HNX-Index khi chỉ số này cũng tăng 0.54% giá trị. Ngược lại, UPCOM-Index tiếp tục giảm điểm khi thụt lùi 0.34%, kết phiên chỉ còn 58.59 điểm.
Toàn phiên, thị trường ghi nhận có 165.24 triệu đơn vị được mua bán, giá trị đạt 2,723.8 tỷ đồng, giảm mạnh 27.78% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
14h10: Cầu vào mạnh, VN-Index nới rộng đà tăng
Thị trường có tín hiệu khởi sắc khi lực cầu vào các mã lớn gia tăng. VN-Index đang ngày càng nới rộng đà tăng.
Cổ phiếu VIC bật tăng 2,000 đồng/cp, GAS duy trì mức giá trên 60,000 đồng/cp, BVH, KDC quay đầu tăng mạnh trong khi MWG, BMP tiếp tục tình trạng khan hiếm hàng ngay tại các mức giá cao. Ở chiều ngược lại, VCB, BID, MSN hay MBB tiếp tục là các cổ phiếu đang giao dịch dưới mức giá tham chiếu.
Đến 14h10, VN-Index tăng mạnh lên mức 0.7%, tương đương cộng thêm 4.38 điểm, thanh khoản thị trường đạt mức 2,016 tỷ đồng với tổng cộng 123.3 triệu đơn vị được giao dịch.
Cổ phiếu PVT của Tổng CTCP Vận Tải Dầu Khí bất ngờ tăng kịch trần, lên mức 13,200 đồng/cp, tổng KLGD đạt hơn 900,000 đơn vị. Trong quý 1, nhờ hoàn nhập dự phòng lợi nhuận sau thuế của PVT tăng mạnh 72% so với cùng kỳ, ghi nhận mức 51 tỷ đồng.
Phiên sáng: Áp lực bán gia tăng
Càng về cuối phiên sáng, lực bán tăng dần khiến nhiều cổ phiếu bluechips quay đầu giảm điểm, mặc dù vậy, mức giảm là không đáng kể. VNM, VCB, DPM đã không còn giữ được sắc xanh trong khi GAS, VIC, FPT, hay PVD cũng thu hẹp đáng kể mức tăng đã thiết lập trước đó.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng 2.56 điểm, tỷ lệ gần 0.41%, HNX-Index khởi sắc trở lại khi tăng 0.25%, lên mức 84.13 điểm. Toàn thị trường ghi nhận KLGD đạt 86.8 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 1,415 tỷ đồng.
10h20: Dầu khí tiếp tục khởi sắc, đà tăng được duy trì
Tuy số điểm tăng không còn cao như đầu phiên, tuy nhiên, thị trường vẫn thể hiện sức mạnh tương đối. Đặc biệt là đối với VN-Index, chỉ số này đang tăng 3.36 điểm, tương ứng mức 0.54% giá trị, trong khi đó HNX-Index lui về gần tham chiếu khi đứng tại 83.92 điểm.
GAS và các cổ phiếu dầu khí tiếp tục tăng khá cùng với đó, CTG, BVH, MWG, hay HPG, … cũng đóng vai trò là điểm tựa của thị trường. Ông lớn VNM đang dao động quanh mức tham chiếu 137,000 đồng/cp, với tầm ảnh hưởng của mình, mọi diễn biến tại cổ phiếu này luôn có tác động không nhỏ lên chỉ số chung toàn thị trường.
10h20, thanh khoản ghi nhận mức 833 tỷ đồng với hơn 48.6 triệu cổ phần được nhà đầu tư sang tay. Tại sàn HOSE, hai cổ phiếu SBT và HHS đang dẫn đầu về KLGD khi đạt lần lượt 1.99 và 1.75 triệu đơn vị giao dịch. Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, DST (908,000 cp) và DCS (901,000 cp) là các mã nằm trong nhóm có giao dịch sôi động nhất.
Mở cửa: Tăng nhẹ
Các chỉ số bắt đầu tuần mới với sự khởi sắc khi lần lượt VN-Index tăng 0.47%, HNX-Index cộng thêm 0.35% trong khi Upcom-Index hiện cũng có mức tăng 0.1% so với cuối tuần trước.
Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp khi hiện chỉ có 8.05 triệu đơn vị được mua bán, giá trị giao dịch tương đương 118.85 tỷ đồng.
Các nhóm cổ phiếu Dầu khí như PVD, PVC, PVS, PGS hay Ngân hàng STB, VCB, hay CTG, … đang có diễn biến khá tích cực, là động lực chính của các chỉ số.
Những vấn đề cần lưu tâm trước giờ giao dịch
Trong 2 tuần liên tiếp, thị trường phải đối mặt với nhiều sự kiện có tác động lớn. Nếu như hoạt động cơ cấu danh mục của ETFs được nhìn nhận rõ ràng ngay từ trước là tiêu cực ngắn hạn bởi áp lực bán ra lớn hơn đáng kể so với động thái mua vào, thì sự kiện BREXIT (23/06/2016) lại đang gây ra những mối lo ngại chưa đong đếm được nhưng chắc chắn, ảnh hưởng sẽ mang tính sâu rộng hơn rất nhiều.
Dưới tác động kép đó, VN-Index không những thất bại trong việc chinh phục đỉnh cao 630 điểm mà còn mất luôn mốc tâm lý 620 điểm ở phiên cuối tuần trước. Chung cuộc, chỉ số này đánh rơi 10.59 điểm, tức 1.68% lui về đứng tại 619.25 điểm. Trong một diễn biến tương tự, HNX-Index cũng mất 0.51%, chỉ còn 83.92 điểm.
Sau 2 tuần tăng trưởng liên tiếp, thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu chững lại khi giảm 5.64%, chỉ đạt bình quân 3,046 tỷ đồng/phiên. Đây là điều đáng lưu ý, bởi trong tuần có diễn ra hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, sự suy giảm về mặt thanh khoản như vậy là hiếm khi xảy ra.
Sau một thời gian dài luôn xuất hiện trong top mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài, trong tuần vừa rồi, cổ phiếu MBB đã không còn có tên trong danh sách bởi lý do cạn room. Thay vào đó, các cổ phiếu mang tính thị trường như GTN, VIX hay FIT lại nhận được sự quan tâm của khối ngoại trong khi HAG và VIC tiếp tục bị bán ra khá mạnh.
Với những diễn biến hiện tại, khả năng thị trường sẽ có giai đoạn giao dịch khó khăn là điều đang được nhiều nhà phân tích nhắc đến. Tuy nhiên việc giảm quá đà của nhiều cổ phiếu bluechips do ảnh hưởng của ETFs cũng như giá dầu thô thế giới đang được xem là cơ hội giúp các chỉ số hồi phục trong những phiên đầu tuần. Ngoài ra, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, đường MA20 đang được xem là đường hỗ trợ tương đối hiệu quả đối với VN-Index. Trong 2 lần gần nhất tiệm cận chỉ báo này vào ngày 20/04 và 26/05, VN-Index đều có sự hồi phục đáng kể.
Do vậy, việc bán tháo cổ phiếu là điều không cần thiết, thay vào đó, có thể tận dụng những phiên thị trường tích cực để hạ tỷ trọng cổ phiếu hay cơ cấu dần sang danh mục dài hạn là động thái phù hợp trong giai đoạn hiện tại. Việc giải ngân mới hay sử dụng đòn bầy chỉ nên tiến hành khi thị trường ổn định trở lại và sự kiện BREXIT nhận được những đánh giá rõ ràng hơn về mức độ ảnh hưởng./.
|