Mỗi năm số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng thêm 10%
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ.
Theo đó, để thực hiện các Nghị quyết trên của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp cả về điểm số và thứ hạng.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2017 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu xếp hạng về môi trường kinh doanh và đến năm 2020 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Đồng thời, xây dựng và thực thi hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2017-2020 mỗi năm tăng thêm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp nông nghiệp; trong đó, doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20-30%.
Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp hai Nghị quyết trên đặt ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp.
Thứ nhất là nhóm giải pháp về tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, ngành sẽ rà soát, công khai hóa và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch sản xuất thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công.
Thứ hai là nhóm giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và thị trường.
Bộ sẽ hỗ trợ mở cửa thị trường nông lâm thủy sản xuất khẩu, bảo vệ thị trường trong nước khỏi tác động xấu của hội nhập; sửa đổi và thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện liên kết trong sản xuất – kinh doanh, tiếp cận tín dụng và đất đai.
Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên việc đối thoại với doanh nghiệp để tiếp thu kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế của ngành và giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp thứ ba là cải cách hành chính. Cụ thể là, Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực chuyên ngành thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tránh chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị; thực thi các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả./.
|