Chủ Nhật, 26/06/2016 10:32

Bộ Công thương yêu cầu báo cáo về dự án nhà máy giấy

Ngày 24-6, ông Võ Văn Thắng, phó giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, cho biết Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) vừa yêu cầu sở báo cáo về dự án Nhà máy giấy Lee & Man (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, Hậu Giang).

Ông Chung Wai Fu, tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam, giải thích việc quản lý và xả thải của nhà máy - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Trong khi đó ông Trương Cảnh Tuyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết Hậu Giang không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. “Có doanh nghiệp có ý định đầu tư dự án quy mô khá lớn liên quan đến lĩnh vực dệt may tại Hậu Giang. Lo sợ chất thải trong quá trình nhuộm vải sẽ gây ô nhiễm môi trường nên tỉnh đã từ chối” - ông Tuyên dẫn chứng.

Lấy mẫu nước ở Quảng Châu về Hậu Giang kiểm nghiệm

Ông Thắng cho biết khi còn là phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, ông có tham gia công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng Nhà máy giấy Lee & Man. Trước khi có dự án này, tỉnh Hậu Giang có tổ chức hai đoàn sang tham quan hệ thống xử lý nước thải của hai nhà máy giấy thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper tại Thâm Quyến và Quảng Châu (Trung Quốc).

Ông Thắng tham gia đoàn công tác đi Quảng Châu năm 2007, cùng đoàn với lãnh đạo Hiệp hội Giấy và bột giấy VN. Vị này đã lấy 4 mẫu nước thải qua xử lý của nhà máy giấy tại Quảng Châu đem về cho Sở TN-MT Hậu Giang kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm đạt, tỉnh Hậu Giang sau đó đã báo cáo với Bộ TN-MT và Chính phủ. Chính phủ đồng ý cho chủ đầu tư làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Cùng thời điểm này, hội thảo về xử lý nước thải nhà máy giấy cũng được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu VN.

“Hội đồng thẩm định trung ương gồm Bộ TN-MT, các bộ ngành khác thẩm định báo cáo ĐTM dự án Nhà máy giấy Lee & Man, còn báo cáo ĐTM được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết chủ đầu tư cũng có văn bản thông báo đang thuê tư vấn làm lại báo cáo ĐTM để trình Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án.

Trả lời câu hỏi liệu công nghệ xử lý nước thải của Tập đoàn Lee & Man Paper mà lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan có được lắp đặt cho nhà máy giấy ở Hậu Giang, ông Thắng cho biết thiết bị tại đây hiện đại hơn vì lắp đặt sau.

Một trong những công đoạn của hệ thống xả thải tại nhà máy giấy ở Hậu Giang - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Năm nào cũng có giám sát

Theo chủ đầu tư, sau báo cáo ĐTM của dự án được phê duyệt năm 2008, chủ đầu tư chỉ lập báo cáo ĐTM cho từng hạng mục chứ chưa có báo cáo lại ĐTM cho cả dự án. Trao đổi việc này, ông Hoàng Quốc Cường, phó giám đốc Sở TN-MT Hậu Giang, cho biết Luật bảo vệ môi trường cho phép báo cáo ĐTM từng hạng mục để thi công riêng từng hạng mục rồi mới tổng hợp thành báo cáo ĐTM cho toàn dự án. Sở TN-MT Hậu Giang có kế hoạch giám sát hằng năm theo những nội dung đã cam kết trong báo cáo ĐTM của dự án.

“Năm nào Bộ TN-MT giám sát thì Sở TN-MT không làm để tránh trùng lắp, làm phiền doanh nghiệp. Lúc dự án Nhà máy giấy Lee & Man triển khai đến nay, năm nào cũng có đoàn giám sát” - ông Cường cho hay.

Dự án Nhà máy giấy Lee & Man từ trước đến nay được UBND tỉnh giao cho ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - theo dõi. Tuy nhiên, từ khi ông Thanh rút tên và không còn là phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016-2021 thì dự án này chưa được giao lại.

Trước khi ông Thanh rời chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ngày 7-6 ông Thanh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH giấy Lee & Man về quy trình công nghệ xử lý nước thải nhà máy giấy này và có kết luận dự án Nhà máy giấy Lee & Man VN đã được Bộ TN-MT thẩm định, UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt ĐTM đúng theo quy định của pháp luật về môi trường, quy trình xử lý nước thải đảm bảo đủ điều kiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp đạt loại A trước khi thải ra môi trường.

Chủ đầu tư làm đúng các trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về quy trình công nghệ xử lý nước thải.

 

Đã có giấy phép xả 50.000 m3/ngày đêm

Theo báo cáo ĐTM được phê duyệt, có hai hạng mục trạm xử lý nước thải công suất 155.000 m3/ngày đêm, được đầu tư làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải công suất 50.000 m3/ngày đêm để xử lý nước thải cho nhà máy giấy và các công trình phụ trợ khác, giai đoạn 2 nhà máy xử lý nước thải công suất 105.000 m3/ngày đêm để xử lý nước thải cho nhà máy bột giấy).

Công ty TNHH giấy Lee & Man cũng đã được Bộ TN-MT cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước (giấy phép số 3216/GP-BTNMT cấp ngày 11-12-2015) với lưu lượng xả thải lớn nhất 50.000 m3/ngày đêm. Theo báo cáo của Công ty Lee & Man thì công ty đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất nhỏ hơn, chỉ 20.000 m3/ngày đêm do quy trình, công nghệ sản xuất hiện đại, nước thải phát sinh ít hơn so với báo cáo ĐTM được duyệt.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện(chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL):

“Nếu không kiểm soát được, hậu quả sẽ rất lớn”

Tôi cho rằng trường hợp nhà máy giấy của Công ty Lee & Man nếu không được kiểm soát vấn đề xả thải sẽ gây ra rủi ro rất lớn cho nguồn nước và thủy sản của vùng, đặc biệt vào mùa khô. Thời điểm đó dòng chảy yếu, không chỉ nguồn lợi thủy sản ở cửa sông mà xa hơn là thủy sản biển cũng bị ảnh hưởng.

Tôi xin lưu ý thủy sản biển ở ĐBSCL là giàu nhất VN. Đó là chưa nói tới nguy cơ thủy triều dâng cao sẽ đẩy nước thải này đến các thành phố ven sông Hậu, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

C.Quốc ghi

“Nói năm 2014-2015 có làm ĐTM với bộ là không đúng”

Ông Mai Thanh Dung, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ vào chiều 24-6.

Ông Dung nói thêm:

- Bộ TN-MT thẩm định ĐTM của dự án này vào năm 2008. Khi đó, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch - đầu tư, tỉnh Hậu Giang, Chính phủ giao Bộ TN-MT hỗ trợ thẩm định ĐTM vì đây là dự án lớn, có nhiều vấn đề phức tạp.

Bộ TN-MT không phê duyệt ĐTM mà chỉ hỗ trợ thẩm định. Sau đó tỉnh Hậu Giang ra quyết định phê duyệt ĐTM.

* Theo công ty này, dự án này được Bộ TN-MT thẩm định ĐTM vào ngày 27-7-2008 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, như vậy phải làm lại ĐTM hay làm ĐTM bổ sung?

- Đối với quy định dừng hoạt động 2 năm phải làm lại ĐTM phải hiểu là sau khi được phê duyệt ĐTM 2 năm mà dự án chưa triển khai thực hiện thì phải lập lại ĐTM.

Còn thực tế dự án đã có ĐTM nhưng quá trình triển khai kéo dài, có dự án triển khai kéo dài hàng chục năm nên không có nghĩa là cứ dự án phê duyệt ĐTM từ năm 2008 đến nay chưa hoạt động thì phải làm lại ĐTM.

* Hiện nay công ty này đang xây dựng hệ thống xả thải, trong quá trình xây dựng hệ thống xả thải, Bộ TN-MT có được báo cáo hệ thống này?

- Theo tôi được biết là đang trong giai đoạn hoàn công dự án, chưa đến giai đoạn chuẩn bị vận hành thử nghiệm đối với trạm xử lý nước thải nên phía công ty chưa thông báo cho các cơ quan chức năng./.

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nhiều “ông lớn” bị nghi rửa tiền tại Việt Nam (25/06/2016)

>   Sài Gòn Food khẳng định không xuất khẩu cá diêu hồng sang Úc (25/06/2016)

>   Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (24/06/2016)

>   Duyệt thiết kế đô thị riêng khu vực nút giao thông Vành đai 3 - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (24/06/2016)

>   Xử phạt 5 công ty bán hàng đa cấp (24/06/2016)

>   Ngành thép Đông Nam Á nỗ lực thoát khỏi sức ép của Trung Quốc (24/06/2016)

>   Đề xuất sửa quy định về điều hành giá xăng, dầu (24/06/2016)

>   Điều khiển giao thông thông minh ở TP.HCM ra sao? (24/06/2016)

>   “Rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh là cơ hội chưa từng có” (23/06/2016)

>   Thông tư 20, “quả bóng” trong chân ai? (23/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật