Du khách muốn mua một thùng bơ không dễ, vì sao?
“Nói chuyện với người dân Hà Nội, khi tôi đề cập đến Đắk Lắk, họ nói tới quả bơ. Tôi đến Buôn Ma Thuột cũng muốn mua một thùng bơ. Tuy nhiên, ở đây không phải dễ mua cho lắm do hệ thống phân phối chưa tốt”.
Ông Nagai Katsuto - công sứ Nhật Bản - cho biết như vậy trong phần thảo luận ở chương trình “Gặp gỡ địa phương - ngoại giao đoàn” năm 2016 khu vực Tây nguyên do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Đắk Lắk sáng 9-6.
Chương trình có hơn 20 đoàn gồm đại sứ, tổng lãnh sự, cán bộ ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi tham dự. Tại các phiên thảo luận, đại sứ và đại diện ngoại giao các nước đã “hiến kế” để phát triển Tây nguyên.
Chú trọng chất lượng, an toàn của sản phẩm
Theo ông Nagai Katsuto, các tỉnh Tây nguyên nên đầu tư phát triển đường sá, cơ sở hạ tầng. “Sản phẩm tốt đến mấy nhưng không có đường sá, cơ sở hạ tầng cũng không phát triển được kinh tế” - ông Nagai Katsuto nói, đồng thời nhấn mạnh các địa phương cần tính tới các giải pháp để nâng cao cạnh tranh về chất lượng, an toàn trong sản phẩm.
“Về chất lượng, tôi rất thích cà phê Tây nguyên. Từ lúc đến đây, ngày nào tôi cũng uống cà phê vì rất ngon. Các bạn cần tập trung xây dựng chất lượng cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, thế giới hiện rất chuộng sản phẩm cà phê hữu cơ. Ở khu vực này tôi chưa thấy cà phê hữu cơ. Các bạn thử tính đến xem” - ông Nagai Katsuto gợi ý.
Cũng theo ông Nagai Katsuto, người dân Hà Nội và TP.HCM cũng như những thành phố lớn khác rất quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm. “Chẳng hạn an toàn là một phần thương hiệu nông sản của Đà Lạt. Khi nghĩ đến rau quả Đà Lạt là người tiêu dùng rất yên tâm. Do đó, khi xây dựng phát triển nông nghiệp cần chú ý đến tính an toàn cho sản phẩm nữa” - ông Nagai Katsuto nói.
Còn ông Valeriu Arteni - đại biện Đại sứ quán Romania tại VN - cũng cho rằng vùng Tây nguyên vốn nổi tiếng về cà phê, chè, hạt tiêu... Những mặt hàng này đã xuất khẩu ra thế giới nhưng điều quan trọng là phải có sự liên kết vùng để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Xu hướng của thời đại là liên kết vùng, không chỉ ở VN và các nước trên thế giới. Muốn phát triển cần phải liên kết, phải vượt qua những lợi ích nhỏ bé của mình để thấy được sức mạnh của khối liên kết”, ông Valeriu Arteni khẳng định.
Xem nông dân là doanh nhân
Trong phần thảo luận “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây nguyên và nâng cao chuỗi giá trị nông sản”, bà Trooster Catharnira Maria - đại sứ Hà Lan tại VN - cho biết Hà Lan có diện tích bằng 1/8 VN và chỉ với 7 triệu dân nhưng là quốc gia nổi tiếng về hoa tulip và sữa bò.
“Chúng tôi đứng thứ hai thế giới về sản phẩm nông nghiệp, chỉ đứng sau Mỹ. 21% sản phẩm của xuất khẩu đều từ nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân từ văn hóa, giáo dục, khí hậu, địa lý, tự nhiên... Tuy nhiên có những nhân tố chính có thể chia sẻ với VN”, bà Trooster Catharnira Maria cho biết.
Theo bà Trooster Catharnira Maria, công nghệ cao rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là thể chế. Các bên liên quan là chính phủ, doanh nghiệp, nông dân đều có vai trò trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đóng góp sức của mình và được xem như là “nguyên liệu để làm cho món ăn thành công”.
“Chúng ta phải xem người nông dân, chủ trang trại như là những doanh nghiệp và nhìn nhận đúng vai trò của họ. Ngay từ đầu chúng ta phải đi cùng người trồng trọt, buôn bán, phân phối, tập hợp để các chủ thể này phát triển trong chuỗi giá trị đó” - bà Trooster Catharnira Maria nhấn mạnh, đồng thời cho biết Hà Lan có những diễn đàn để các bên liên quan có tiếng nói của mình trong chuỗi giá trị.
Ông Flavio Corsin, giám đốc tổ Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tại VN, cho rằng điều thực sự cần thiết ở Tây nguyên là sản phẩm nông nghiệp bền vững. “Phải bền vững cho cả 100 năm tiếp theo. Như tưới nước tiết kiệm, mô hình nông lâm kết hợp, sử dụng phân bón, hóa chất có trách nhiệm; kêu gọi vốn đầu tư cho bảo vệ rừng và kết hợp sản xuất cà phê” - ông Flavio Corsin gợi ý.
Ông Hwang Soon Sung (tham tán, Đại sứ quán Hàn Quốc tại VN):
Sẽ khuyến khích nhà đầu tư Hàn Quốc rót vốn vào Tây nguyên
Hàn Quốc nhập khoảng 100.000 tấn cà phê mỗi năm, trong đó khoảng 24.000 tấn cà phê VN, đứng đầu các nước xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc.
Đến nay chỉ mới có hai doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Đắk Lắk, một con số nhỏ bé so với con số 4.700 công ty Hàn Quốc đang đầu tư tại VN, do các địa phương khác có cảng biển, hàng không...
Tuy nhiên, bộ phận kinh tế của Đại sứ quán Hàn Quốc sẽ khuyến khích Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN xem xét đầu tư vào các tỉnh Tây nguyên bởi các tỉnh này có lợi thế đầu tư rất mạnh như cà phê, tiêu.
Có một tập đoàn lớn về nông nghiệp của Hàn Quốc đang đầu tư ở các khu vực của VN. Nếu tôi gặp tổng giám đốc của tập đoàn này tôi sẽ nói với ông ấy việc đầu tư vào Đắk Lắk, Đắk Nông. Hàn Quốc sẽ hỗ trợ VN thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tôi sẽ nỗ lực hết sức.
|
Đắk Lắk: kêu gọi đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu
Cũng trong khuôn khổ chương trình này, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chuyên đề xúc tiến đầu tư các dự án về môi trường, thủy lợi, giao thông, giáo dục, đặc biệt là các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tại buổi xúc tiến này, đại diện đoàn ngoại giao Nhật Bản quan tâm vấn đề hạn hán tại Đắk Lắk vừa qua và hỏi Chính phủ Nhật có thể giúp gì cho tỉnh trong việc này?
Ông Y Đhăm Ênuôl - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết hạn hán vừa qua đã làm mất trắng hàng ngàn hecta cây trồng, 230 con trâu bò bị chết, 35.000 hộ dân thiếu nước, thiệt hại khoảng 1.700 tỉ đồng, đồng thời bày tỏ mong muốn gọi vốn vào các dự án thủy lợi, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, đặc biệt ở hai huyện Ea Súp, Buôn Đôn “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã khô”...
Đại diện Nhật Bản nói sẽ chuyển những thông tin này đến Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
|
HÀ BÌNH - TRUNG TÂN
Tuổi trẻ
|