Thứ Năm, 30/06/2016 16:43

ĐHĐCĐ PVcomBank: Nguyên Chủ tịch Westernbank thôi nhiệm

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 được tổ chức sáng ngày 30/06 của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank, HĐQT đã trình và được thông qua đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2018 của ông Lê Minh Tuấn. Được biết, ông Tuấn nguyên là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Phương Tây – Westernbank, đơn vị đã sáp nhập với Tổng Công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam – PVFC để hình thành PVcomBank hiện tại.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của PVcomBank được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 30/06.

Tính đến tháng 9/2015, HĐQT của PVcomBank bao gồm 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập. Ngày 15/10/2015, thành viên HĐQT Vũ Huy An (nguyên là Phó Chủ tịch PVFC) đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, cổ đông lớn sở hữu 52% vốn của PVcomBank, ra quyết định chuyển công việc. Đến ngày 13/06/2016, HĐQT PVcomBank đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT PVcomBank của ông Lê Minh Tuấn.

Trước khi bắt đầu ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, HĐQT cho biết đã nhận đơn kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn của PVcomBank về việc đưa nội dung miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2018 căn cứ theo đơn xin từ nhiệm của ông Lê Minh Tuấn vào chương trình Đại hội. Theo quy chế Đại hội và Luật Doanh nghiệp, ý kiến của nhóm cổ đông này có hiệu lực.

Được biết, ông Lê Minh Tuấn, nguyên là Chủ tịch HĐQT của Westernbank đã được bầu vào HĐQT của PVcomBank tại Đại hội hợp nhất PVFC và Westernbank tổ chức đầu tháng 9/2013. Tính đến giữa năm 2015, ông sở hữu 14.9 triệu cp PVcomBank, tương đương tỷ lệ 1.66%.

Cùng với việc miễn nhiệm ông Tuấn, do không có cổ đông/nhóm cổ đông lớn nào đề cử, ứng cử nên HĐQT đã họp và thống nhất đề cử ông Nguyễn Hoàng Linh (hiện là TGĐ PVcomBank) vào HĐQT.

Sau bầu cử, nhân sự HĐQT PVcomBank nhiệm kỳ 2013 – 2018 bao gồm 6 thành viên sau:

  • Ông Nguyễn Đình Lâm (nguyên là Chủ tịch PVFC)
  • Ông Trịnh Hữu Hiền (nguyên là Thành viên HĐQT Westernbank)
  • Ông Đoàn Minh Mẫn (nguyên là Phó TGĐ PVFC)
  • Ông Võ Trọng Thủy (nguyên là Thành viên HĐQT độc lập Westernbank)
  • Ông Nguyễn Khuyến Nguồn (nguyên là Thành viên HĐQT PVFC)
  • Ông Nguyễn Hoàng Linh (TGĐ PVcomBank)

Cùng với HĐQT, nhân sự BKS cũng có biến động đáng kể. Đầu năm 2016, hai thành viên BKS là ông Nguyễn Hải An và bà Đào Thị Kim Hải đã có quyết định điều chuyển công tác và thôi giữ chức đại diện của PVN tại PVcomBank. Tại ĐHĐCD thường niên năm 2016 lần này, HĐQT PVcomBank đã đề cử 2 nhân sự bầu bổ sung BKS là ông Đào Văn Chung và bà Phạm Thu Thủy và đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Không chia cổ tức trong quá trình tái cơ cấu, NHNN “tiếp quản” phần vốn của PVN

Theo báo cáo của HĐQT về kết quả đạt được năm 2015, Ngân hàng tiếp tục xây dựng Đề án tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016 – 2020 đã được NHNN phê duyệt. Trong đó, NHNN sẽ tiếp nhận đại diện sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu.

Tính đến cuối năm 2015, số dư huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 69,055 tỷ đồng; trong đó huy động từ cá nhân đạt 31,536 tỷ đồng, tăng 7,000 tỷ đồng so với 31/12/2014. Tỷ lệ an toàn vốn ở mức 11.6%. Số dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 40,163 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 1.9%.

Trong năm 2015, PVcomBank đã thu hồi, chuyển nhượng 6,329 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu niêm yết 292 tỷ đồng, trái phiếu 4,010 tỷ đồng, repo và quyền bán 2,020 tỷ đồng. Ngân hàng cũng thực hiện đầu tư 2,400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, chủ yếu ở kỳ hạn 2-4 năm.

Về kết quả kinh doanh chính, PVcomBank đạt doanh thu 6,094 tỷ đồng cho năm 2015, vượt 5% kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên lãi trước thuế chỉ đạt 50.5 tỷ đồng, tương đương 36% kế hoạch.

Đối với hàng loạt câu hỏi của cổ đông về các khoản ủy thác đầu tư gần 700 tỷ đồng, khoản tiền gửi và lãi dự thu gần 1,000 tỷ đồng tại 1 tổ chức tín dụng và khoản đầu tư vào công ty con Mỹ Khê Việt Nam, đại diện HĐQT cho biết, trên cơ sở Đề án tái cấu trúc, các khoản ủy thác đầu tư đã được chấp thuận sử dụng nguồn quỹ trích lập từ lợi nhuận sau thuế để xử lý. Đối với một số khoản đầu tư của PVFC và Westernbank trước sáp nhập, PVcombank sẽ đưa vào lộ trình để xử lý từng phần qua các năm.

Riêng đối với khoản cổ tức tạm ứng thừa hơn 100 tỷ đồng cho cổ đông Westernbank trước khi sáp nhập, theo quyết định của Bộ Tài chính, cổ đông sẽ phải hoàn trả cho ngân hàng. Tuy nhiên do PVcomBank chưa thực hiện chia cổ tức nên chưa có điều kiện khấu trừ phần cổ tức này đối với cổ đông từ Westernbank, dự kiến sẽ thu hồi dần phần cổ tức này trong thời gian tới.

Vấn đề chia cổ tức được nhiều cổ đông thắc mắc, ông Lâm cũng cho biết, trong phê duyệt Đề án của Chính phủ và NHNN có một ý như sau: “Toàn bộ nguồn lực của Ngân hàng trong giai đoạn tới để dành cho xử lý tồn tại, khó khăn cũ, để trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo Ngân hàng hoạt động an toàn. Đặc biệt không được chia lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào”. Ông Lâm cũng cho biết, quyền lợi của các cổ đông của Ngân hàng bị suy giảm, nhưng thực tế việc này giúp đảm bảo giá trị cổ phiếu PVcomBank mà các cổ đông đang nắm giữ, chứ không làm suy giảm đi quyền lợi của các cổ đông.

Nhiều cổ đông tỏ ra sốt ruột khi đề cập đến kế hoạch niêm yết trở lại đối với PVcomBank sau khi hủy niêm yết để thực hiện sáp nhập trước đó. Lãnh đạo ngân hàng cho hay, theo luật quy định thì tổ chức sáp nhập sẽ được xem xét niêm yết trở lại sau 2 năm, phụ thuộc các chỉ số hoạt động tài chính, tổ chức mới được phép nộp hồ sơ niêm yết trở lại. Tuy nhiên, theo đề án tái cơ cấu, việc quyết định niêm yết trở lại của PVcomBank trong quá trình tái cơ cấu sẽ được thực hiện khi Ngân hàng đảm bảo các chỉ số tài chính ổn định.

Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2016, PVcomBank đặt mục tiêu thu về 5,500 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 10% so với thực hiện năm 2015 và 65 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. HĐQT PVcomBank trong năm 2016 sẽ tiếp tục trình NHNN chấp thuận cho PSI trở thành công ty con của Ngân hàng, được biết PVcomBank đã nâng sở hữu tại CTCK Dầu Khí - PSI lên 51%. Đồng thời, tiếp tục làm việc với NHNN và các cơ quan quản lý có liên quan để thực hiện sáp nhập CTCP Mỹ Khê Việt Nam vào Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PAMC)./.

Các tin tức khác

>   Cơ hội lái Toyota Camry 2.5G về nhà cùng NamABank (30/06/2016)

>   Giá vàng và tỷ giá trung tâm cùng giảm (30/06/2016)

>   Gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn vay mua nhà ở xã hội (30/06/2016)

>   Xử lý nợ xấu - VAMC được trao thêm quyền (29/06/2016)

>   TPHCM: Tín dụng tăng trưởng 5.9% (29/06/2016)

>   Quy định mới về ngân hàng hợp tác xã (29/06/2016)

>   Giá vàng tăng hơn 200,000 đồng/lượng, tỷ giá trung tâm giảm (29/06/2016)

>   Năm tới, người đi vay dễ chịu rủi ro về lãi suất (29/06/2016)

>   Đến 20/06, huy động vốn tăng 8.2% và tín dụng tăng trưởng 6.2% (28/06/2016)

>   Rủi ro tín dụng tập trung (28/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật