Đã có đại lộ, 'cỗ xe' kinh tế Việt Nam chuẩn bị thế nào?
Các hiệp định thương mại tự do mở ra một con đường, thậm chí là một đại lộ rất thênh thang cho Việt Nam, nhưng vấn đề là "cỗ xe" kinh tế Việt Nam chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này bảo đảm an toàn và tới đích.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Phan Trang
|
Đây là nhận định được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra tại hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương tổ chức sáng 15/6.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là các bước đi khẳng định cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Trên cơ sở đó, Việt Nam thúc đẩy việc đàm phán và ký kết các FTA trong thời gian vừa qua, bao gồm cả những FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA).
“Cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu, đòi hỏi Việt Nam chuẩn bị với tâm thế vững chắc mới có thể hội nhập thành công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ Việt Nam cũng không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, thuộc thành phần kinh tế nào… mà các doanh nghiệp phải tự đi lên bằng đôi chân của mình.
“Chính phủ Việt Nam đang làm hết sức mình để ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể với những vấn đề trọng tâm như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu thu chi ngân sách, bảo đảm bền vững an toàn nợ công, tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… Đây sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập thành công.
Mặt khác, Chính phủ Việt Nam muốn lắng nghe phân tích, dự báo của các chuyên gia quốc tế, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để liên tục cập nhật, hoàn thiện các vấn đề có tính chiến lược, từ đó có những quyết sách cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm và trong dài hạn.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, tại phiên họp đầu tiên sau kiện toàn vào tháng 5/2016, Chính phủ đã thảo luận và quyết định việc sớm trình Hiệp định TPP để Quốc hội phê chuẩn. Song song với đó, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành Chương trình hành động để thực hiện hiệu quả các hiệp định.
Phó Chủ tịch khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB, bà Victoria Kwakwa, cũng cho rằng, bên cạnh những lợi ích mà các FTA mang lại thì Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những thách thức đáng kể và “nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ”.
“Tâm điểm của TPP và EVFTA về các chính sách thương mại được xem là của “thế kỷ 21” đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện. Trong đó bao gồm các cam kết phía sau đường biên. Muốn làm được cần tập trung nhiều công sức đánh giá, sửa đổi, điều chỉnh văn bản luật, thủ tục quản lý Nhà nước và khung thể chế xuyên suốt nhiều ngành kinh tế.
WB cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực khai thác tối đa các FTA thế hệ mới. Đặc biệt là về việc nâng tầm hiểu biết của các bên liên quan về những thách thức, cơ hội và rủi ro mà Việt Nam đang đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế theo chiều sâu”, bà Victoria Kwakwa nói.
Phan Trang
Chính Phủ
|