Thứ Ba, 14/06/2016 13:29

Còn cơ hội giảm lãi suất?

Kể từ nửa cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, đã có một loạt các ngân hàng giảm lãi suất huy động, với mức giảm nhẹ từ 0.1-0.2% trải đều ở các kỳ hạn. Việc các ngân hàng thừa vốn và dồi dào thanh khoản trong tháng 5 là yếu tố giúp các ngân hàng tự tin giảm chi phí vốn đầu vào là điều đã được phân tích quá nhiều. Liệu lãi suất huy động còn có thể điều chỉnh giảm thêm ở các ngân hàng chưa giảm đợt vừa qua hoặc ngay cả các ngân hàng đã điều chỉnh giảm, hay ít nhất cũng sẽ ổn định ở mức hiện nay?

* Sau Thông tư 06, đã có nhà băng giảm lãi suất huy động dài hạn

* Ngân hàng OCB giảm lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn

* Trái chiều điều chỉnh lãi suất huy động tại các nhà băng

* Thanh khoản hệ thống ngân hàng tháng 5/2016 khá dồi dào

Thông tư 06 như dỡ gông khỏi cổ

Ngày 27/5/2016 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến hết năm 2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 01/01/2017 và từ 01/01/2018 sẽ xuống mức 40%. Như vậy áp lực từ việc phải tăng vốn huy động để đáp ứng tỷ lệ này theo như dự thảo ban đầu là 40% đã được dỡ bỏ hoàn toàn.

Thậm chí các ngân hàng trước đây đã tăng mạnh lãi suất để thu hút vốn nay có thể xem xét giảm lãi suất trở lại để tiết giảm chi phí vốn. Theo cập nhật của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống đến tháng 4 là 31.22%, mức khá an toàn so với quy định 60% hiện tại, giúp các ngân hàng càng có thêm cơ sở để giảm lãi suất huy động. 

Ngoài ra, Thông tư 06 cũng quy định tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại Nhà nước từ 15% lên 25%. Trong 5 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành 67% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cho cả năm, do đó áp lực phát hành trong những tháng còn lại của năm sẽ không quá lớn. Điều này sẽ giúp lãi suất trên thị trường trái phiếu tiếp tục ổn định ở mức thấp hoặc thậm chí giảm thêm, làm tiền đề kéo lãi suất huy động và cho vay trên thị trường dân cư xuống thấp hơn.

Tăng trưởng tín dụng khó đạt như kỳ vọng

Một yếu tố gây áp lực lên lãi suất huy động thời gian qua được nói đến nhiều là do các ngân hàng muốn đẩy mạnh huy động vốn để đón đầu tăng trưởng mạnh tín dụng trong năm 2016 khi NHNN đặt kế hoạch tăng trưởng 18-20%. Tuy nhiên thực tế đến 20/5/2016 tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 4.52%, còn cách khá xa so với kế hoạch đặt ra và dự báo khó có thể đạt như kỳ vọng.

Với tình hình các doanh nghiệp vừa mới hồi phục sau một thời kỳ khủng hoảng buộc phải tái cấu trúc thì nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời điểm hiện nay của các doanh nghiệp là rất thấp, do đó nhu cầu vốn cũng không cao. Ngoài ra, với mặt bằng lãi suất hiện tại cũng còn khá cao so với mức chịu đựng của các doanh nghiệp.

Đứng về phía các ngân hàng, sau một thời kỳ tăng trưởng tín dụng dễ dãi dẫn đến hậu quả nợ xấu dâng cao, giờ đây các ngân hàng đã thắt chặt điều kiện vay vốn, nâng cao công tác quản trị rủi ro hơn. Việc tập trung xử lý các khoản nợ xấu còn tồn đọng cũng sẽ làm hạn chế công tác phát triển tín dụng của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước trong năm nay cũng định hướng hạn chế dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn là những lĩnh vực “ngốn” vốn rất cao. Do đó, mức tăng trưởng tín dụng năm 2016 dự báo khó có thể đạt ở mức cao như năm 2015. Ngoài ra, theo Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, NHNN cũng yêu cầu các TCTD “ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay”.

Tỷ giá, lạm phát ổn định sẽ hỗ trợ duy trì mặt bằng lãi suất thấp

Yếu tố đáng lo ngại gần đây là Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất đồng USD trong năm nay dẫn đến hệ quả VNĐ có thể mất giá mạnh so với USD, từ đó gây áp lực lên lãi suất tiền gửi VNĐ. Tuy nhiên, việc NHNN áp dụng tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 với mức tăng dần linh hoạt thì khó có thể có sự phá giá mạnh đột ngột, trong khi trần lãi suất USD vẫn duy trì 0% cũng sẽ khiến VNĐ đủ sức hấp dẫn với mức lãi suất hiện nay.

Những khách hàng nếu rút VNĐ mua USD cũng chỉ lướt sóng mang tính thời điểm mỗi khi tỷ giá chịu áp lực cao, còn sau đó nếu tỷ giá đã thật sự tăng đạt kỳ vọng hoặc NHNN có biện pháp dập tắt kỳ vọng thì những người này cũng sẽ chuyển lại VNĐ và gửi ngân hàng để hưởng lãi, thay vì nắm giữ USD không sinh lãi mà chỉ trông chờ vào khả năng phá giá tiền đồng.

Lạm phát cũng là một yếu tố được nhắc đến gần đây có thể ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất hiện tại, theo đó nhiều dự báo cho rằng lạm phát năm 2016 sẽ có thể dâng lên trở lại. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo với tình hình hiện nay không tăng giá điện, không tăng lệ phí, phí; việc điều chỉnh giá dịch vụ các lĩnh vực giáo dục, y tế phải có lộ trình, không tăng đồng loạt. Phí BOT, phí giao thông không tăng, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi giữ ổn định từ nay đến cuối năm.

Do đó, kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiềm chế ở mức phù hợp theo đúng định hướng tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu lạm phát năm 2016 dâng lên mức cao 5% thì với lãi suất huy động trung dài hạn tại các ngân hàng phổ biến từ 7–7.5%, các khách hàng vẫn đang được hưởng mức lãi suất thực dương 2–2.5%.

Một yếu tố gây áp lực lên lãi suất huy động thời gian qua được nói đến nhiều là do các ngân hàng muốn đẩy mạnh huy động vốn để đón đầu tăng trưởng mạnh tín dụng trong năm 2016 khi NHNN đặt kế hoạch tăng trưởng 18-20%. Tuy nhiên thực tế đến 20/5/2016 tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 4.52%, còn cách khá xa so với kế hoạch đặt ra và dự báo khó có thể đạt như kỳ vọng./.

Các tin tức khác

>   Giá vàng vẫn trên ngưỡng 34 triệu đồng/lượng, tỷ giá trung tâm giảm 8 đồng (14/06/2016)

>   Tại sao NHNN không tăng trần lãi suất tiền gửi USD? (14/06/2016)

>   Hạn chế ngân hàng “cơi nới” giao dịch rút tiền ATM (14/06/2016)

>   BIDV: “U đầu” do… đi đầu (13/06/2016)

>   Khó có đột biến với tín dụng bất động sản (13/06/2016)

>   Giá vàng đầu tuần vượt 34 triệu đồng/lượng, tỷ giá trung tâm tăng 11 đồng (13/06/2016)

>   Tăng quyền của Kho bạc Nhà nước trong giao dịch với ngân hàng (13/06/2016)

>   Nới room chi phối - liều thuốc mạnh cho tái cơ cấu ngân hàng (13/06/2016)

>   Cổ phiếu NOS sẽ không gục ngã? (13/06/2016)

>   Đến lượt BIDV lên tiếng về việc Bộ Tài chính đề nghị trả cổ tức 2015 tiền mặt (11/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật