Cổ phiếu NOS sẽ không gục ngã?
Là doanh nghiệp nhận hậu quả nặng nề sau “cơn sốt” vận tải biển, NOS vẫn từng ngày phải gánh chi phí lãy vay khổng lồ do sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, kéo theo là những khoản lỗ khủng "ăn" vào vốn chủ sở hữu. Với tình hình tài chính hiện nay, chỉ cần một câu nói của các chủ nợ, NOS sẽ một bước phá sản, nhưng thực tế đã không xảy ra. Vậy yếu tố nào đã dẫn đến quyết định trên của các chủ nợ?
CTCP Vận tải Biển Bắc (UPCoM: NOS) tiền thân là Công ty Vận tải Thủy Bắc, thuộc Cục Đường sông Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực vận tải sông, sau đó đã chuyển hướng sang vận tải biển và mở rộng xuất nhập khẩu máy thủy và kinh doanh đã ngành nghề khác. Năm 1997, Công ty trở thành thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Đến năm 2006, Công ty chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần.
Trong giai đoạn năm 2007- 2008, giữa thời kỳ nóng của vận tải biển, như nhiều công ty vận tải biển khác, NOS đã “chớp thời cơ” đầu tư lớn nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Riêng trong năm 2007, NOS đã đầu tư nâng trọng tải đội tàu lên 80,000 tấn. Năm 2008, Công ty tiếp tục đầu tư 5 tàu lớn, trong đó có 1 tàu hơn 45 ngàn tấn và 1 tàu hơn 68 ngàn tấn thuộc hàng “khủng” trong đội tàu của Việt Nam thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện đóng mới trong nước, nâng tổng trọng tải đội tàu lên trên 230 ngàn tấn với mức đầu tư lên tới 160 triệu USD.
Cũng cần phải lưu ý rằng, vào cuối năm 2008, vốn điều lệ của NOS chỉ mới dừng ở con số gần 115 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 217 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả của NOS lên tới 3,263 tỷ đồng, gấp tới 15 lần vốn chủ sở hữu.
Vùng vẫy trong hố nợ, tiền của ngân hàng nguy cơ tan biến
Cuối năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, ngành vận tải biển chịu cú sốc lớn khi nhu cầu vận tải biển sụt giảm, giá cước liên tục lao dốc, làm “vỡ mộng” nhiều doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có NOS.
Kinh doanh tụt dốc trong khi vẫn phải gánh đống nợ và lãi vay khổng lồ đã dần dìm NOS vào vũng lầy. Tính đến hết quý 1/2016, NOS lỗ lũy kế 3,162 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới gần 2,904 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ phải trả lên đến hơn 5,383 tỷ đồng, trong đó nợ vay và thuê tài chính là 3,625 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của Công ty đạt 2,480 tỷ đồng, tài sản cố định ở mức 2,165 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền vỏn vẹn gần 11 tỷ đồng. Với tình hình hiện tại, không khó để thấy NOS giờ như “chuông treo chỉ mành”, đứng bên mép bờ vực phá sản.
Trong năm 2015 vừa qua, NOS có 8 tàu nhưng trong đó có nhiều tàu thường xuyên nhận được yêu cầu dừng hoạt động để bàn giao tài sản thế chấp từ các tổ chức tín dụng như tàu Ngọc Hà, Nosco Victory, Hồng Lĩnh, Nosco Glory. Trong đó, công ty đã bán tàu Ngọc Hà, ngừng hoạt động tàu Nosco Glory; còn tàu Nosco Victory đang tạm khai thác trong giai đoạn chờ xử lý tài sản.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa qua, vấn đề này đã được Ban lãnh đạo NOS một lần nữa xác nhận, Công ty đã đủ điều kiện làm thủ tục phá sản. Hiện tại, với mức định giá các tàu mà NOS đang sở hữu, dù có bán tất cả cũng không thể giải quyết hết các khoản nợ “ngập đầu”. Ông Trịnh Hữu Lương - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của NOS dẫn ra 2 trường hợp điển hình là tàu Nosco Glory có dư nợ 66 triệu USD nhưng định giá bán chưa tới 2 triệu USD; tàu Nosco Victory dư nợ tới 52 triệu USD trong khi định giá cũng chỉ trên 2 triệu USD. Như vậy trên thực tế, giá trị tài sản của NOS còn thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách hiện tại của Công ty.
Tổng nợ vượt xa tài sản hiện có, chưa kể giá trị thanh lý tài sản nếu có thấp hơn nhiều giá trị sổ sách, điều này đồng nghĩa với việc nếu NOS phá sản thì một loạt ngân hàng có khả năng sẽ phải đứng nhìn khoản tiền của mình “không cánh mà bay”.
Các chủ nợ trông chờ điều gì?
Hiện nay, NOS đang là con nợ của 7 ngân hàng và một số tổ chức với tổng giá trị vay vượt ngưỡng 3,625 tỷ đồng, trong đó khoản nợ đến hạn trả trong năm 2016 là 1,380 tỷ đồng. Ba chủ nợ lớn nhất của NOS là ngân hàng Agribank với gần 1,132 tỷ đồng, theo sau là SeABank 1,091 tỷ và Vietcombank 973.7 tỷ đồng.
Cơ cấu nợ của NOS (Đvt: tỷ đồng)
(Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2016)
|
Với số tiền vay khổng lồ trên, cùng phần tài sản được định giá ít ỏi còn lại, chưa kể đến những khoản nghĩa vụ đối với Nhà nước, chưa biết số tiền sau phá sản còn lại, có còn để đến được tay chủ nợ hay không, nhưng chắc chắn rằng một khi NOS ngã xuống sẽ kéo theo hàng ngàn tỷ đồng bốc hơi, đây là điều mà các ngân hàng không hề mong muốn và chính nó cũng là một phần lý do các chủ nợ không thể ngoảnh mặt nhìn NOS phá sản.
Theo lời Chủ tịch HĐQT Trịnh Hữu Lương tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, NOS đã được sự ủng hộ và sát cánh của một số ngân hàng, trong đó có Agribank, VDB, VietinBank… và đang làm việc để có thể cơ cấu nợ, bán khoản nợ, xóa nợ gốc, lãi vay. Bên cạnh đó, cùng với việc cơ cấu lại nợ vay, nếu như có thể bàn bạc để bán được đội tàu với giá trị thực, NOS sẽ có thể cải thiện tình trạng tài chính hiện tại, xóa dần được lỗ lũy kế và trở lại hoạt động bình thường.
Thêm một điểm sáng cho bức tranh hoạt động của NOS là Nhà máy Sửa chữa tàu biển Nosco – Vinalines đã hoàn thành xong giai đoạn 1 và đã đưa vào hoạt động trong tháng 5/2016. Đây là nhà máy có tổng mức đầu tư 5,000 tỷ đồng, do NOS hợp tác cùng đối tác Singapore hoàn thành. Trong đó, NOS đang nắm giữ 21.26% vốn tại CTCP Sửa chữa tàu biển Nosco – Vinalines, công ty sở hữu nhà máy trên, phía đối tác Singapore nắm giữ 40% vốn. Nhà máy được xây dựng tại xã Tiền Phong (TX Quảng Yên) trên phạm vi quy hoạch hơn 100ha ở khu vực bờ phải sông Chanh. Giai đoạn 1 của nhà máy gồm hệ thống cầu cảng trang bị cẩu tự hành, sàn nâng công suất lớn, hệ thống đường ray di chuyển linh hoạt giữa các bãi có thể sửa chữa được tàu trên 70,000 DWT./.
|