Có một dòng “lãi suất bèo” đang chảy
Hai tuần qua, tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh. Sau bốn tháng yên tĩnh, tỷ giá được chú ý hơn. Nhưng, có một dòng chảy khác cũng cần được chú ý hơn nữa.
Trong bối cảnh Chính phủ thể hiện sự quyết liệt khi liên tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay, thì thị trường vẫn uyển chuyển để có riêng dòng chảy của mình với “lãi suất bèo” - Ảnh: Quang Phúc.
|
Ba nguyên do là chưa đủ
Một số nhận định, phân tích về đợt tăng của tỷ giá USD/VND hiện nay tập trung ở các nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh, ngân hàng dư tiền đồng, lãi suất trên liên ngân hàng giảm rất sâu. Hiểu nôm na là tiền đồng xuống giá.
Thứ hai, chính sách cho vay ngoại tệ bắt đầu mở lại cho nhóm đối tượng lớn. Cũng hiểu nôm na đồng USD có thêm giá trị và lên giá.
Thứ ba, bên ngoài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tính tăng lãi suất, có thể trong tháng 6/2016, rồi đồng Nhân dân tệ vẫn ám ảnh qua các lần xuống giá gần đây.
Nhưng đó chưa hẳn là tất cả nguyên do. Cũng nói thêm, thông tin về tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh xuất hiện gần đây cũng cần xét lại: cả năm nay Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng khoảng 16-18%, qua 5 tháng mới chỉ hơn 5% thì khó nói là mạnh.
Trong khi đó, khi nhìn về một đợt biến động tỷ giá nào đó, các phán đoán đều có thể quá vĩ mô và quá bao trùm mà thiếu đi thực tế cần nhìn vào là trạng thái thực của hệ thống. Đó là diễn biến của trạng thái ngoại tệ các ngân hàng trước, trong và sau chuỗi biến động.
Hiện thông tin về trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại không được công bố, cập nhật. Nhưng, phản ứng thường thấy trước các biến động tỷ giá, các ngân hàng sẽ đóng bớt trạng thái để phòng ngừa rủi ro, cầu ngoại tệ tăng lên và càng kích thích tỷ giá tăng.
Tuy nhiên, từ 1/6, Ngân hàng Nhà nước mở lại tín dụng ngoại tệ. Các doanh nghiệp vay, theo cơ chế phải bán lại theo hình thức giao ngay lượng ngoại tệ đó (spot), tạo cung ngoại tệ tức thời. Đây cũng chính là yếu tố khiến tỷ giá trồi sụt tuần qua, mà không bốc mạnh nối tiếp như một hiệu ứng thiếu cung - lên giá thông thường.
Tín dụng ngoại tệ mở lại, tạo nguồn cung thương mại, mà thực chất là nguồn tạm ứng từ tương lai. Doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ, bán lại cho ngân hàng lấy tiền đồng để sử dụng trong nước; khi nguồn thu ngoại tệ của doanh nghiệp về, đem trả cho ngân hàng.
Âm thầm “lãi suất bèo”
Tín dụng ngoại tệ cũng liên quan đến một dòng chảy âm thầm thời gian qua. Có thể nói các ngân hàng đã uyển chuyển trong sử dụng vốn, tranh thủ các giới hạn trạng thái ngoại tệ cho phép, hoặc nói “lách” tín dụng ngoại tệ cũng không hẳn là sai.
Hai tuần sau khi cơ chế tín dụng ngoại tệ đóng lại theo Thông tư 24, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đưa ra chương trình cho vay VND theo lãi suất USD. Lãi vay ở đây chỉ 2,8%/năm.
Trong khi lãi suất cho vay thông thường VND đang phổ biến 6-8%/năm loại ngắn hạn, thì mức 2,8%/năm nói trên là quá bèo.
Vì sao có được lãi suất cho vay đó? Dĩ nhiên ngân hàng trong cuộc có thể đưa ra các câu trả lời, về vận dụng vốn… Nhưng, điều kiện của chương trình là doanh nghiệp vay phải cam kết bán lại ngoại tệ hoặc giới thiệu khách hàng bán ngoại tệ thành công cho ngân hàng.
Không lâu, ngay đầu tháng 5/2016, khi tín dụng ngoại tệ vẫn đang đóng với phần lớn đối tượng, thị trường lại đón nhận thông tin Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) cho vay VND lãi suất cũng “bèo”, chỉ từ 3,5%/năm. Và thông tin gợi mở vẫn là với doanh nghiệp có nguồn thu USD.
Dù cơ chế tín dụng ngoại tệ đóng lại, các ngân hàng vẫn có thể vận dụng tạm ứng trạng thái ngoại tệ của mình, chuyển đổi vốn để lấy VND cho vay lãi suất cực thấp như vậy; và nguồn ngoại tệ bù lại trạng thái có từ cam kết bán của doanh nghiệp vay.
Đến nay, khi cơ chế tín dụng ngoại tệ đã được mở lại từ 1/6, các mức “lãi suất bèo” có phần chính ngạch hơn mà thôi, song song và nằm rõ ở lãi vay USD.
Việc chuyển đổi ngoại tệ lấy VND cho doanh nghiệp vay với “lãi suất bèo” không mới. Nó chỉ mới khi cơ chế tín dụng ngoại tệ đóng lại, hoặc khi xuất hiện những mức lãi suất cho vay cực thấp như trên.
Hồi tháng 6/2012, khi lãi suất cho vay VND vẫn còn tới 15%/năm, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) đã từng tạo chú ý khi dành một gói cho vay lãi suất chỉ 7%/năm. Cơ chế tạo nguồn ở đây cũng là chuyển đổi từ ngoại tệ, sử dụng các giới trạng thái ngoại tệ, cùng biện pháp hạn chế rủi ro tỷ giá.
Nay, dòng chảy âm thầm trên là đáng chú ý. Nó gắn với những góc nhìn khác nhau.
Trước hết, tưởng như vô lý khi lãi suất huy động VND đang từ 5-7,5%/năm, lại có lãi suất cho vay VND chỉ trên dưới 3%/năm. Phải chăng là có cạnh tranh không lành mạnh để lôi kéo khách hàng tốt?
Nhưng, khi một ngân hàng tạo được mức lãi suất đó, thành viên khác cũng có thể tạo theo, dòng chảy âm thầm này mở rộng hơn. Theo đó, nó phản ánh sự cạnh tranh quyết liệt trong hệ thống, và doanh nghiệp tốt hưởng lợi.
Ở góc nhìn khác, trong bối cảnh Chính phủ thể hiện sự quyết liệt khi liên tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay, thì thị trường vẫn uyển chuyển để có riêng dòng chảy của mình với “lãi suất bèo” đó./.
vneconomy
|