VINAPHARM có gì "hot"?
Ngày 22/06 tới đây, Tổng Công ty Dược Việt Nam (VINAPHARM) sẽ đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 42 triệu cp, tương đương 17% vốn. Cùng với đó, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPIG) của Chủ tịch VietABank sẽ là nhà đầu tư chiến lược nắm 17% vốn, còn lại 65% vốn Nhà nước nắm giữ.
Cơ cấu cổ đông sau IPO của VINAPHARM
Theo bản công bố thông tin của VINAPHARM thì Tổng Công ty được thành lập từ năm 1971 trên cơ sở sáp nhập 3 cục trực thuộc Bộ Y tế là Cục phân phối dược phẩm, Cục dược liệu, Cục sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, với chủ trương của Chính phủ, VINAPHARM hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tổng Công ty có chức năng, nhiệm vụ đầu tư tài chính, trực tiếp sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm Nhà nước giao như phát triển công nghiệp dược, hệ thống phân phối thuốc, xuất nhập khẩu, quan hệ quốc tế…
Trong danh sách tài sản chủ yếu được công bố thì Tổng Công ty hiện có tổng diện tích đất đang thuê sử dụng là 9,869 m2 đất. Trong đó gồm:
- 3,280 m2 đất tại số 95 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội hiện là 1 tòa nhà 5 tầng mà trong đó VINAPHARM đang sử dụng tầng 1 và diện tích xung quanh là trung tâm kinh doanh.
- 2,670 m2 đất tại 60B Nguyễn Huy Tường, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, VINAPHARM góp vốn thương quyền và tài sản trên đất để hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex xây dựng công trình tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư.
- 1,864 m2 (lô 1) và hơn 128 m2 (lô 2) đất cùng tại 12 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội hiện đang được sử dụng làm Trụ sở, văn phòng làm việc của VINAPHARM
- 1,236 m2 tại 178 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, TP.HCM đang là văn phòng cũ, nát, xây dựng trước từ năm 1975 đã xuống cấp. Tổng Công ty dự kiến sẽ đầu tư cải tại, xây dựng văn phòng làm việc mới.
- 692 m2 đất tại 126A Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM đang là trụ sở văn phòng đại diện của VINAPHARM tại TP.HCM, văn phòng này xây từ năm 1975 và đang xuống cấp, cần sửa chữa mới sử dụng được lâu dài.
VINAPHARM cho biết hiện tại Tổng công ty không có đất đai thuộc diện tranh chấp, quy hoạch.
Ngoài ra, VINAPHARM còn có hơn 974 tỷ đồng theo giá trị sổ sách đầu tư tại 11 đơn vị liên kết. Đồng thời, nắm giữ cổ phần dài hạn tại 8 đơn vị khác.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh 3 năm qua của VINAPHARM có doanh thu được đóng góp trên 90% từ bán hàng hóa.
Doanh thu hợp nhất VINAPHARM giai đoạn 2013-2015 (Đvt: Tỷ đồng)
Kết quả kinh doanh hợp nhất VINAPHARM giai đoạn 2013-2015
Biên lợi nhuận của VINAPHARM giai đoạn 2013-2015
Theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp được công bố thì tại thời điểm 31/12/2013, giá trị thực tế của của VINAPHARM là 2,436 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn Nhà nước là 2,371 tỷ đồng.
Đầu tư 9 dự án có tổng vốn 3,000 tỷ trong 10 năm đầu sau IPO
Với kế hoạch sau cổ phần hóa, trong 5 năm tới (2016-2020), VINAPHARM lên kế hoạch phát triển vùng dược liệu với quy mô hơn 30,000 ha và 1 nhà máy chiết xuất dược liệu tiêu chuẩn GMP.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty và các đơn vị thành viên hiện đang thiếu một hệ thống phân phối dược đạt tiêu chuẩn chất lượng và có khả năng tương tác hoạt động giữa các đơn vị. Vì vậy dự án xây dựng hệ thống kho bãi và logistics là hết sức cần thiết cho sự phát triển của Tổng công ty và các các đơn vị thành viên. Theo đó, VINAPHARM lên kế hoạch đầu tư cho 9 dự án từ 2016-2026 với tổng số vốn 3,000 tỷ đồng.
Kế hoạch đầu tư sau cổ phần hóa của VINAPHARM
Từ 2016-2020, VINAPHARM phấn đấu doanh thu tăng trưởng với mức hơn 70%/năm. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế là thụt lùi và cổ tức ở mức từ 2-4%, vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 2,370 tỷ đồng. Điều này do phần lớn trong giai đoạn này là hoạt động đầu tư các dự án, từ năm 2021 trở đi, khi dự án đi vào hoạt động ổn định, lãi và doanh thu sẽ tăng trưởng.
|