Thứ Hai, 02/05/2016 21:48

Vì sao cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa hiệu quả?

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19/2014 và Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện rõ rệt.

Dây chuyền sản xuất bao bì, nhãn hiệu, phụ liệu trang trí của nhà máy Avery Dennison RBIS tại Long An. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN))

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn các điểm nghẽn cần được giải tỏa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh ngang bằng Tốp ASEAN-4 như Chính phủ đã đề ra.

Nhằm trao đổi kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Ông có thể đánh giá khái quát những kết quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Xét về tổng thể, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt được mức ASEAN 6 vào cuối năm 2015.

Thậm chí, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam còn bị tụt hạng so với các nước trong khu vực như xuất nhập khẩu thông quan qua biên giới, giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chúng ta lại vượt như khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội...

Nói chung, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh chưa như mong muốn nhưng Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều giải pháp cải cách nhất, có cải thiện nhiều nhất trong số các nước ASEAN.

- Sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, đáng chú ý vẫn còn nhiều văn bản được các bộ ngành liên quan ban hành không đúng thẩm quyền, nhiều “giấy phép con” vẫn tiếp tục ra đời. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng trên?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam hiện nay vẫn còn tình trạng “8 không” như không minh bạch, không hiệu quả, không rõ ràng, không cụ thể, không tiên liệu được…

Những cái “không” như thế làm thị trường méo mó, cạnh tranh không bình đẳng và tạo thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo nhiều rủi ro, thui chột sáng tạo cho doanh nghiệp. Đây là lực cản lớn cho môi trường kinh doanh nói chung và các hoạt động doanh nghiệp nói riêng.

Đến nay, có một số Bộ tích cực và có ý thức trong việc cải cách môi trường kinh doanh trong đó có việc bãi bỏ các quy định ko cần thiết, hợp lý hóa và bổ sung sửa đổi những thủ tục không hợp lý. Tuy nhiên, đa số các Bộ đã làm nhưng chưa thực chất.

Một số Bộ đã và đang ban hành một số thông tư trong đó có các quy định kinh doanh. Đây rõ ràng là các quy định không đúng thẩm quyền và cần ngăn chặn nếu không sẽ làm môi trường kinh doanh của chúng ta kém đi.

- Từ thực trạng trên, có thể nhận thấy, một trong những vướng mắc nhất khi triển khai thực hiện Nghị quyết 19 đó là sự chưa quyết liệt vào cuộc của nhiều Bộ, ngành và địa phương. Theo ông cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Tôi luôn luôn nghĩ tại sao các nước cải cách môi trường kinh doanh rất hiệu quả mà Việt Nam thực hiện chậm như vậy. Điều này chủ yếu do sự phối hợp chưa tốt giữa các bộ ngành. Theo tôi có hai cách để Việt Nam giải quyết tình trạng trên.

Thứ nhất, Việt Nam cần nâng cao trách nhiệm kỷ luật hành chính. Người đứng đầu Chính phủ và đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương có vai trò hết sức quan trọng.

Thực tế hai năm triển khai Nghị quyết 19, tôi thấy Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, sát sao và môi trường kinh doanh đã có chuyển biến rõ rệt.

Trong hai năm qua, Thủ tướng đến bộ ngành nào thì bộ ngành đó có sự cải cách rõ nét như Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy theo tôi, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương cần quyết tâm thực hiện và sát sao với cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông báo chí, các tổ chức tư vấn độc lập… cần thường xuyên theo dõi giám sát và có đánh giá thực tế.

Nếu các đơn vị đó làm tốt thì khuyến khích, còn Bộ ngành nào chưa đạt được thì cần nhắc nhở, góp ý và phê phán có tính chất xây dựng. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp cần đòi hỏi các Bộ ngành thay đổi chứ không thụ động ngồi chờ các cơ quan nhà nước thay đổi.

- Theo Báo cáo điều tra chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức trong năm 2015 là 66%, cao hơn các năm trước. Trong khi đó, 65% doanh nghiệp vẫn cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn phổ biến. Ông thấy thế nào về thực tại này?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Kết quả điều tra đó rất đáng lưu ý. Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh kém đi và thậm chí phát triển khó khăn là do chịu gánh nặng chi phí rất nhiều cả chính thức và phi chính thức. Trong khi gánh nặng chi phí chính thức như thuế, lãi suất … mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu còn cao hơn so với các nước khác thì doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam còn chịu thêm loại chi phí không chính thức bất thành văn. Loại chi phí này rất lớn và đè nặng lên vai của doanh nghiệp.

Từ đó khiến doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia hội nhập trong điều kiện gánh trên vai “tảng đá chi phí lớn” làm “oằn lưng” và khó có thể vươn lên trong môi trường cạnh tranh. Quan trọng hơn động lực kinh doanh của doanh nghiệp còn bị sụt giảm và làm giảm hiệu quả cả các hoạt động kinh doanh chính thức khác.

Doanh nghiệp sẽ thiên về kinh doanh phi chứng thức nhiều hơn là chính thức và dẫn tới méo mó thị trường; đồng thời khiến các doanh nghiệp khó tham gia thị trường nhiều hơn nhất là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cho nên đây là hiện tượng đáng báo động và chúng ta cần phải triệt để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

- Thưa ông, kết quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh chủ yếu từ Nghị quyết 19/2014 còn thực hiện theo Nghị quyết 19/2015 chưa có sự chuyển biến rõ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Nhận định đó hoàn toàn chính xác vì những chỉ số 2014 dễ thực hiện hơn, chỉ số 2015 thực hiện hai mảng quan trọng là cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh và cải cách toàn diện quản lý chuyên ngành về xuất nhập khẩu. Hai lĩnh vực này Việt Nam chưa đạt được kết quả có thể đo lường được. Thậm chí khâu quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu chúng ta còn bị thụt lùi hơn.

- Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị với Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết 19 năm 2016. Với tư cách là người tham gia xây dựng Dự thảo Nghị quyết này, ông có thể cho biết những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo này?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Hai năm vừa rồi chúng ta đều có Nghị quyết 19, năm nay cũng sẽ có một nghị quyết như vậy. Nghị quyết năm nay sẽ có mục tiêu dài hơn khi đặt ra các chỉ tiêu cho năm 2017 và tầm nhìn định hướng đến 2020.

Nghị quyết năm nay sẽ mở rộng hơn các chỉ số và cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế thế giới, theo đó, Nghị quyết năm nay sẽ mở rộng thêm một số chỉ tiêu nhấn mạnh vào thị trường hàng hóa và thị trường tài chính giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Nghị quyết 2016 tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung Nghị quyết 2014 và 2015 đã làm nhưng chưa đạt được nhiều như điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu, đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh thêm một số chỉ số nhất là hai chỉ số của ngành tư pháp là giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại và phá sản doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông./.

QUỐC HUY

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Chính phủ 3 năm liền “thúc” cải thiện môi trường kinh doanh (01/05/2016)

>   PMI tháng 4 đạt 52.3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh (01/05/2016)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7.9% (29/04/2016)

>   Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,9% trong hai năm tới (28/04/2016)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Hà Nội tiếp tục tăng (25/04/2016)

>   Mức nợ công/GDP Việt Nam cao hàng đầu ASEAN (24/04/2016)

>   Xăng dầu - thép, hai tác nhân chính “thúc” CPI tháng 4 (24/04/2016)

>   Thủ tướng: Tập trung hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ ngay các rào cản phát triển (21/04/2016)

>   'Hòm nợ công' nhắc nợ 29 triệu/người: Đặt trước bàn lãnh đạo (20/04/2016)

>   Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng (19/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật