Thứ Tư, 20/04/2016 14:07

'Hòm nợ công' nhắc nợ 29 triệu/người: Đặt trước bàn lãnh đạo

Hòm nợ công nên đặt ngay trên bàn chính lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành từ trung tương tới địa phương...

Liên quan tới đề xuất lập “hòm nợ công” để nhắc nhở món nợ 29 triệu mỗi người dân Việt Nam đang mang, qua đó đánh thức tính tự giác tiết kiệm của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức..., PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, hòm nợ công nên đặt ngay trên bàn chính lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành từ trung tương tới địa phương chứ không chỉ nhắm vào từng cán bộ, công chức.

Ảnh minh họa

“Hòm nợ công phải đặt ngay trước bàn lãnh đạo các cơ quan bộ ngành cho tới lãnh đạo địa phương. Hòm nợ công mục đích là để nhắc nhở khi đặt bút ký đầu tư một dự án hay đưa ra một quyết định nào cũng phải nhìn vào bối cảnh nguy khó của ngân sách quốc gia mà quyết định. Tất cả phải hiểu rằng, một quyết định sai sẽ là nguyên nhân đẩy nợ công tăng lên”, vị chuyên gia giải thích.

Ông lý giải, tiết kiệm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng không phải hô hào, kêu gọi theo kiểu mỗi ngày, mỗi người bớt một đồng tiêu, hay cắt một ngày lương để bỏ vào hòm tiết kiệm, đó chỉ là hình thức, làm cho vui. Tiết kiệm ở đây phải hiểu là tiết kiệm từ chủ trương, chính sách, từ chính những dự án, công trình cho tới ngay trong chính bộ máy, nhân sự.

Vấn đề khó nhất của Việt Nam, theo vị chuyên gia là do chính sách, chủ trương, do cơ chế điều hành quản lý còn hời hợt, theo kiểu “mềm nắn rắn buông”, nhiều lúc, nhiều nơi còn đang bị lợi ích nhóm chi phối.

Vì thế, vị PGS cho rằng, cần phải khoán chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị hành chính sự nghiệp. Thông qua kế hoạch chi tiêu là bao nhiêu, tổng ngân sách giảm cụ thể bao nhiều? Giảm chi ở những lĩnh vực nào, chi trả lương cắt giảm bao nhiêu? Hội thảo, hội nghị cắt giảm thế nào? Đầu tư hạ tầng ra sao…? Tất cả phải công khai dựa trên những báo cáo cụ thể để dư luận giám sát.

“Tôi không mấy vui mừng khi nghe thông tin Bộ Tài chính năm vừa qua tiết kiệm được 24.000-25.000 tỷ. Đó chỉ là con số rất nhỏ so với một dự án hàng trăm nghìn tỉ khác. Cắt giảm chỗ này lại phình chỗ kia, tiết kiệm cái nhỏ nhưng lại đánh dự án lớn… đó không thể gọi là tiết kiệm”, ông nói.

Ông cảnh báo, nếu tính toán đầy đủ mỗi người dân Việt Nam không phải đang phải 29 triệu nợ công, con số này nếu tính đầy đủ nó phải tăng gấp đôi (tức là 58 triệu/mỗi người). Dẫn bài học từ Hy Lạp, ông cho biết Việt Nam không nên chỉ hô hào nữa mà cần phải biến chủ trương thành hành động cụ thể. Theo ông, nếu không kịp thời có hành động thì nợ công sẽ tiếp tục tăng nhanh, đe dọa toàn nền tài chính quốc gia, dẫn đến nguy cơ như Hy Lạp.

Vị chuyên gia cho biết, nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Từ khi các định chế tài chính kinh tế, các nước giàu nới lỏng điều kiện cho vay, Việt Nam mới gia tăng vay. Nợ nước ngoài tăng nhanh, gấp hàng chục lần những năm trước đó.

Vay nước ngoài nhiều, Việt Nam lại mở rộng vay thêm trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn vay một phần dùng để đầu tư, xây dựng nhưng bên cạnh đầu tư, xây dựng thì chi phí cho chi tiêu thường xuyên cũng tăng quá nhanh.

Theo ông Nam, trong những năm qua, Việt Nam nhiều lần hô hào cắt giảm chi tiêu, tinh giảm bộ máy nhưng kết quả hầu như đều đi ngược lại, càng hô hào tinh giảm bộ máy thì bộ máy hành chính càng phình to, chi tiêu thường xuyên không ngừng tăng mạnh.

"Một bộ quy định chỉ có 3-4 thứ trưởng nhưng hiện nay có bộ lên tới 6-7 thứ trưởng vẫn không xử lý được, không tinh giảm được ai'' - vị chuyên gia nêu ví dụ.

Ông Nam cho rằng, điều nguy hiểm hơn là chủ trương tăng quyền lực cho chính quyền địa phương hay còn gọi là cơ chế phân cấp, phân quyền của địa phương hiện đang gây nhiều bất cập. Về lý thuyết, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính tự chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển là chủ trương đúng. Tuy nhiên, cơ chế quản lý, giám sát còn yếu kém dẫn tới nhiều kẽ hở, bộ máy chính quyền địa phương cũng nhờ đó mà phình thêm, chi tiêu nhiều hơn, thu không đủ chi.

Ngoài ra, chủ trương hành chính hóa bộ máy cấp xã, phường tức là đưa cán bộ xã, phường vào biên chế và nhà nước trả lương dẫn tới hàng mấy chục vạn biên chế phát sinh. Ở các nước trên thế giới, chính quyền thôn xã thuộc cơ chế tự quản nhưng ở Việt Nam, chính phủ lại trả lương. Vì thế, vừa rồi mới có câu chuyện một xã có tới mấy chục biên chế, thậm chí có phường còn lên tới 500 cán bộ phường ăn lương biên chế. Ngay cả cán bộ tổ dân phố bây giờ cũng được nhận trợ cấp của nhà nước.

đất việt

Các tin tức khác

>   Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng (19/04/2016)

>   Rà soát việc thực hiện Chiến lược tài chính đến 2020 (19/04/2016)

>   Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng (18/04/2016)

>   30 năm đổi mới, “Việt Nam vẫn sợ cạnh tranh” (15/04/2016)

>   Bí thư Đinh La Thăng: Không chấp nhận tụt hậu như một định mệnh (14/04/2016)

>   Thời kỳ sưu cao thuế nặng sẽ còn dài (14/04/2016)

>   CPI tháng 4 có thể tăng nhẹ (12/04/2016)

>   Bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (12/04/2016)

>   Bầu lại Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng... vào tháng 7 (11/04/2016)

>   Ông Nguyễn Văn Bình làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (11/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật