Vì sao các ngân hàng châu Âu vẫn còn “ngại” làm ăn với Iran?
Một số công ty lớn đã bắt đầu ký thỏa thuận với Tehran kể từ khi Mỹ và các quốc gia châu Âu khác dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, giới ngân hàng vẫn còn rất... hồi hộp vì những gì họ đã “nếm trải” trước đây.
HSBC, Standard Chartered và BNP Paribas đều đã từng gặp rắc rối trước đây và phải nộp hàng tỷ USD tiền phạt vì đã làm ăn với Iran trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn còn hiệu lực.
Vì thế, mặc dù có thể nhận thấy nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn ở quốc gia 80 triệu dân này nhưng họ vẫn đang tỏ ra rất thận trọng vì một số lệnh trừng phạt vẫn còn tồn tại, trong đó có lệnh cấm tiến hành giao dịch với Iran bằng đồng USD. Hiện các ngân hàng Mỹ cũng vẫn bị cấm giao dịch với Iran.
Việc dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt hồi tháng 1 vừa qua là một phần của thỏa thuận nhằm ngăn không cho Iran sở hữu hay xây dựng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các quan chức Iran lo ngại rằng hiện quốc gia này không được hưởng những lợi ích của thỏa thuận trên vì nhiều cơ hội kinh doanh vẫn còn ở ngoài tầm với.
Điều này có thể làm giảm đi hiệu quả của thỏa thuận hạt nhân trên và đang khiến cho Chính phủ Mỹ lo lắng.
Hôm thứ Năm vừa qua (12/05), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với các nhà quản lý cấp cao đến từ 8 ngân hàng lớn ở Luân Đôn nhằm trấn an họ rằng giờ đây đã an toàn để bắt đầu làm ăn lại với Iran.
“Miễn là các ngân hàng làm ăn bình thường và biết rõ mình đang giao dịch với ai thì sẽ không bị rắc rối gì ở đây,” Ngoại trưởng Kerry nói với các phóng viên.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang hối thúc các ngân hàng châu Âu làm ăn với Iran
|
Dẫu vậy, những phát biểu của ông Kerry vẫn chưa thuyết phục được Standard Chartered. Trong một email gửi cho CNNMoney, ngân hàng này cho biết họ sẽ không chấp nhận bất kì khách hàng Iran mới nào và sẽ không thực hiện giao dịch với bất kì ai bên trong quốc gia này.
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức cũng đang tránh xa Iran.
“Deutsche Bank nhìn chung sẽ tiếp tục hạn chế những hoạt động kinh doanh liên quan đến Iran”, ngân hàng này cho biết.
Các ngân hàng khác có mặt tại buổi gặp gỡ như Barclays, Societe Generale và Santander thì từ chối đưa ra lời bình luận.
Ông Kerry cho rằng ngoài những lệnh trừng phạt còn hiệu lực ra, nhiều yếu tố khác cũng có thể khiến các ngân hàng chùn chân.
“Có những thế lực khác ở đây. Iran cần hiện đại hóa hệ thống ngân hàng của mình. Iran cần hiện đại hóa cách thức mà mình kinh doanh,” ông nói.
Cuối cùng, việc Tổng thống Obama sẽ kết thúc nhiệm kì vào cuối năm nay cũng có thể là điều khiến một số công ty không tiến xa hơn vì họ lo ngại rằng người kế nhiệm (mà biết đâu lại là... Donald Trump!) có thể sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp dụng các lệnh trừng phạt./.
|