Tư nhân đầu tư, quản lý chợ hóa chất
Nhà nước sẽ không tham gia mà kêu gọi tư nhân đầu tư và tổ chức kinh doanh, quản lý trung tâm hóa chất, hương liệu theo tiêu chí do chính nhà đầu tư đưa ra. Cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra.
Hóa chất được bán tràn lan các khu vực quanh chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Duyên Phan
|
Ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã chỉ đạo như vậy trong cuộc họp sáng 23-5 về việc xây dựng trung tâm kinh doanh hương liệu và hóa chất, xử lý tình trạng buôn bán hóa chất độc hại tại khu vực chợ Kim Biên (Q.5).
Mua axit phải trình chứng minh nhân dân?
Theo thông tin được công bố, TP.HCM hiện có khoảng 400 hộ kinh doanh các mặt hàng hóa chất, phụ gia thực phẩm. Trong đó, trong chợ Kim Biên có 16 hộ, sử dụng 19 trong tổng số 534 quầy sạp để kinh doanh các mặt hàng này.
Phía bên ngoài chợ, tập trung trên các con đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, Gò Công, Kim Biên... có tới 93 cơ sở kinh doanh hóa chất khác đang hoạt động.
Ông Tuyến cho rằng quan điểm của TP là đảm bảo kinh doanh đúng pháp luật cho mọi người dân TP, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. “Sử dụng hóa chất là nhu cầu có thật trong xã hội.
Nhiều nước trên thế giới thậm chí rất chú trọng việc phát triển thị trường này, vấn đề là phải quản lý nghiêm, minh bạch. Do đó, TP sẽ có các biện pháp để hạn chế tối đa, ngăn ngừa việc mua bán, sử dụng hóa chất sai mục đích” - ông Tuyến khẳng định.
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP, cho rằng đang có một lỗ hổng trong quản lý. Bởi các hộ kinh doanh hóa chất khu vực chợ Kim Biên chủ yếu bán các mặt hàng hóa chất công nghiệp, trong khi nhiều người mua để sản xuất, chế biến rồi bán lại cho người tiêu dùng.
Như vậy, việc sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại cho xã hội chủ yếu là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, trong khi các cơ sở kinh doanh công nghiệp lớn thường có các mối giao hàng trực tiếp từ nhà sản xuất hóa chất.
Do đó, theo ông Hòa, phải có quy định rõ ràng, dù bán với số lượng bao nhiêu cũng buộc phải theo quy cách đóng gói hàng hóa chất kinh doanh dạng nhỏ lẻ như quy cách bao bì, đóng gói, số lượng, dán tem...
Đặc biệt, ông Tuyến cho rằng với một số mặt hàng đặc thù như axit chẳng hạn, có thể sẽ nghiên cứu quy định người mua phải xuất trình chứng minh nhân dân, nếu người bán không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Giao cho tư nhân đầu tư, quản lý
Theo ông Tuyến, việc xây dựng đề án này trước đây được giao cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) làm, nhưng nếu để SATRA xây dựng rồi thành lập một ban quản lý thì thực chất cơ quan nhà nước vừa quản lý vừa kiểm tra, tình hình sẽ không có gì thay đổi mà chỉ tạo ra một chợ Kim Biên khác.
Do đó, phải giao cho tư nhân làm. “Họ dựa vào nhu cầu xã hội, tự khắc có cách để quản lý việc mua bán, sử dụng. Cách này mới đảm bảo lâu dài” - ông Tuyến nói.
Thông tin tại buổi làm việc cho biết đến nay quận Bình Tân đã xác định có ba khu đất rộng từ 7-10ha cho dự án này.
Khẳng định “TP sẽ tiếp sức cho các nhà đầu tư”, ông Tuyến cho rằng kêu gọi đầu tư theo những tiêu chí mà TP xây dựng, nhưng phải giao cho nhà đầu tư quyền vận hành trung tâm theo những tiêu chí phù hợp do chính nhà đầu tư đưa ra.
“Với chuyên môn sẵn có và căn cứ vào nhu cầu xã hội, nhà đầu tư sẽ có phương án quản lý đầu vào, đầu ra, điều kiện tiêu chuẩn để các hộ được vào kinh doanh tại trung tâm...” - ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, các thương hiệu hóa chất, hương liệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đang rất cần có nơi kinh doanh mặt hàng này. Do đó, trung tâm này không chỉ có quy mô cho mấy trăm hộ kinh doanh ở TP.HCM mà phải mang tầm vóc quốc tế.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP, cũng cho biết số lượng hóa chất nhập khẩu qua cửa khẩu TP.HCM nhiều nhất cả nước. “Kinh doanh, sử dụng hóa chất là nhu cầu có thật nên phải được quy hoạch và quản lý cho tốt” - ông Minh nói.
Tuy nhiên, trong khi chờ xây dựng trung tâm này, ông Tuyến yêu cầu Công an TP phải xử lý nghiêm việc sử dụng hóa chất không đúng mục đích, gây thiệt hại cho xã hội, thậm chí khởi tố hình sự để răn đe. “Chủ trương là không hình sự hóa nhưng với loại vi phạm này phải mạnh tay, xã hội cũng rất hoan nghênh” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Nhiều hóa chất được nhập lậu từ Trung Quốc
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong quý 1-2016, cơ quan này đã kiểm tra 19 vụ, phát hiện bảy vụ kinh doanh gần 5,4 tấn hóa chất nhập lậu, phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc, một vụ buôn bán 200kg hóa chất quá hạn sử dụng, tất cả đều là hóa chất công nghiệp.
Đặc biệt, năm vụ vi phạm quy định về nhãn không đủ nội dung bắt buộc hoặc hàng nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt với 127 tấn. Cơ quan này đã xử phạt 187 triệu đồng, tịch thu hóa chất nhập lậu và tiêu hủy hóa chất quá hạn sử dụng.
|
Mai Hoa
Tuổi trẻ
|