TP.HCM: Mạnh tay rà soát "đất vàng"
Do chậm triển khai dự án, nhiều khu "đất vàng" ở TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi.
* Dấu hỏi về thương vụ giữa 2 đại gia đất Gia Lai
* ‘Cá mập’ tỉnh lẻ nuốt chửng ‘ đất vàng ’ Thủ đô
* Thêm 500 triệu USD đầu tư vào khu đất vàng quận 1
* Năm 2016, TPHCM sẽ thu hồi hơn 100 ha đất dự án
* Xin 12.000m2 mặt bằng 7 thủy đài: Bán đấu giá đất vàng ?
* Vinalines xin lùi thời hạn di dời siêu lô đất vàng Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội
"Đất vàng" làm bãi giữ xe
Từ năm 2007, UBND TP.HCM đã quy hoạch 20 ô đất (khoảng 50ha) thuộc những vị trí "vàng" tại khu trung tâm thành phố để kêu gọi nhà đầu tư (NĐT) có tiềm lực. Tuy nhiên, trong tất cả những khu đất vàng đã có chủ trên, chỉ duy nhất có 4 NĐT đã triển khai dự án hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác. Còn lại những khu đất lớn khác, nằm ở những vị trí khá đắc địa trong hơn 10 năm qua vẫn chưa khởi động. Đa số các khu đất này được chủ đầu tư (CĐT) cho thuê lại để làm bãi giữ xe nhằm "chờ thời cơ” tốt để phát triển dự án.
Đơn cử, sở hữu vị trí đắc địa, khu đất tại số 117 - 119 ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) lại là một bãi giữ xe máy, ô tô. Được biết, khu đất này có diện tích khoảng 2.724m2, được phê duyệt xây dựng dự án BIDV Tower do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm CĐT. Theo đó, nếu xây dựng tòa nhà này sẽ cao tới 40 tầng, nhưng dự án này hiện đã nằm bất động hơn 8 năm.
Tương tự, khu đất tọa lạc mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, ngay cạnh tòa Diamond Plaza sang trọng bậc nhất khu trung tâm thành phố cũng đang là một bãi giữ xe lớn. Được biết, khu đất này là dự án Lavenue Crown do liên danh giữa Công ty CP Kinh Đô, Công ty TNHH Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM và Mayflower Investment góp vốn đầu tư. Mặc dù bên ngoài đã được quây tôn, với những hình ảnh hiển thị rất hoành tráng của dự án nhưng bên trong vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy dự án triển khai.
Từ năm 2007, UBND thành phố đã phê duyệt cho Công ty CP Sài Gòn Kim Cương đầu tư dự án tòa tháp SIC Tower tại khu đất nằm 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực. Tòa tháp SIC Tower nếu được xây dựng sẽ cao 52 tầng và có tổng vốn đầu tư trên 137 triệu USD. Thế nhưng, hiện tại khu đất này cũng đang sử dụng để làm bãi giữ xe
Ngoài ra, một dự án nằm trên khu "đất vàng" ngay giao lộ Lê Hồng Phong - 3/2 với kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế, do Tập đoàn Berjaya triển khai cũng chưa mấy tiến triển so với những cam kết hoành tráng ban đầu và hiện một phần của dự án cũng dành để giữ xe.
Mạnh tay rà soát, thu hồi
Có nhiều nguyên nhân được NĐT lý giải cho sự chậm trễ triển khai dự án ở các khu "đất vàng". Trong đó, thủ tục chậm, vướng giải phóng mặt bằng, thời gian qua thị trường ảm đạm, việc triển khai dự án không đúng lúc, sản phẩm không bán được sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bài toán kinh doanh của NĐT...
Tuy nhiên, những doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu, trúng thầu các dự án "đất vàng" thường là liên doanh hoặc doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm qua nhiều cuộc khủng hoảng của thị trường. Vì thế, rất khó thuyết phục khi các doanh nghiệp đưa ra lý do là không đoán được những biến động của thị trường, vì chiến lược và tầm nhìn mang tính chất dài hạn nên chậm triển khai?
Do đó, để tránh lãng phí nguồn lực và cơ hội của những NĐT khác, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo rà soát và xử lý các dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai thực hiện trên địa bàn khu trung tâm, thành phố. UBND TP giao Sở Xây dựng có thông báo bằng văn bản gửi CĐT của dự án phải khẩn trương triển khai thực hiện lại dự án theo đúng nội dung Giấy phép xây dựng đã cấp trong thời hạn 6 tháng (kể từ ngày ban hành thông báo này) để sớm đưa công trình vào sử dụng, đảm bảo mỹ quan đô thị khu trung tâm thành phố.
Quá thời hạn nêu trên mà CĐT vẫn chưa triển khai thực hiện lại dự án, Sở Xây dựng sẽ căn cứ Luật Xây dựng năm 2014, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng có liên quan để xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định pháp luật.
Theo đó, thành phố sẽ chia các dự án chậm triển khai thành nhiều nhóm (nhóm dự án có giấy phép hết hạn, nhóm dự án đã triển khai một phần nhỏ nhưng nay làm bãi giữ xe, quán ăn (sẽ thông báo cho CĐT triển khai theo giấy phép) và các dự án bỏ hoang) để có hướng xử lý thích hợp.
Đối với dự án đã tháo dỡ hiện trạng cũ và hiện đang cho thuê kinh doanh các loại hình ăn uống, giữ xe... sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 1 và quận 3 rà soát, thu hồi các giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp, không cấp mới hoặc gia hạn giấy phép đăng ký kinh doanh tại địa điểm nêu trên.
Đặc biệt, trong cuộc họp báo mới đây, Thành phố và các sở ngành cũng chia sẻ quan điểm sẽ không cấp phép đầu tư mới cho CĐT các dự án nói trên khi chưa hoàn thành dự án.
Khánh Đinh
dnsg
|