Siết vốn bất động sản là hợp lý nhưng cần lộ trình 1-2 năm
Đó là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM trong văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP.HCM liên quan đến việc sửa đổi Thông tư 36 về siết tín dụng đối với bất động sản.
Theo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, việc chỉnh sửa các quy định về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng như nâng hệ số rủi ro với các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 250% là nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro do tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhất là khi hiện nay nợ xấu bất động sản vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết của hệ thống ngân hàng và Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cần có lộ trình thực hiện (1-2 năm) tránh để xảy ra rủi ro chính sách và ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Trước đó trong công văn góp ý về dự thảo sửa đổi thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng việc giảm tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% và nâng hệ số rủi ro với các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 250% theo như dự thảo sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng và huy động từ người mua nhà.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn nhưng đến nay chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn.
Việc điều chỉnh này, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sẽ tác động mạnh đến các nhà đầu tư mua đi bán lại, các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản và có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang... Do đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị chưa sửa đổi thông tư 36 bởi thị trường chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng.
A.H
Tuổi trẻ
|