Quy hoạch để huy động nguồn lực hay vì đô thị cạnh tranh?
Để có thể đưa TP.HCM trở thành đô thị được xếp hạng cao toàn cầu về khả năng cạnh tranh và môi trường sống, cần có các công cụ để biết vị trí của TP đang ở đâu, đồng thời tạo động cơ khuyến khích cũng như sức ép để đội ngũ cán bộ công chức cố gắng hết mình.
Dự án đường sắt đô thị đoạn đi qua khu công nghệ cao đang được xây dựng - Ảnh: T.Thắng
|
Với ý nghĩa này, việc đặt ra mục tiêu thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) tại Đại hội X của Đảng bộ TP là hết sức quan trọng.
Bài viết xin đặt việc thực hiện chỉ tiêu này trong bức tranh tổng thể nhằm đạt được mục tiêu chính nêu trên với các vấn đề cụ thể dưới đây:
Xây dựng thước đo đến cấp quận
Cần xây dựng các chỉ số nêu trên hoặc các chỉ số tương tự đến cấp quận và các sở ngành. Cụ thể, nên triển khai các chỉ số khả dĩ trong PAPI, PCI và PAR-Index đến các sở ngành cùng với việc xây dựng bộ chỉ số cảm nhận về chất lượng sống của người dân đến cấp quận.
Hiện đã có rất nhiều thành phố trên thế giới thường xuyên đánh giá cảm nhận về chất lượng sống của người dân và coi đó là một chỉ tiêu điều hành quan trọng.
Do đặc điểm của mỗi ngành hay địa phương là khác nhau nên việc xếp hạng lần đầu sẽ rất khác nhau. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quan trọng mà mức độ tiến triển của năm/kỳ sau so với năm/kỳ trước sẽ là căn cứ. Kết quả xếp hạng và đánh giá nêu trên sẽ là những thước đo để từng địa phương hay sở ngành biết mình đang ở đâu và mức độ cải thiện theo thời gian.
Có như vậy mới có thể khắc phục những trục trặc làm cho các chỉ số cụ thể, nhất là chỉ số PAPI của TP.HCM, đang rất thấp.
Đối với các chỉ tiêu của các quận, chỉ nên tập trung vào nguồn thu ngân sách và việc làm cho người dân. Đây là hai mục tiêu của bất kỳ địa phương nào và rất khó “làm giả” hay thổi phồng. Cần loại bỏ những chỉ tiêu dễ bóp méo, chạy theo thành tích mà không có ý nghĩa thực chất.
Muốn vậy, cần xây dựng cách thức để nắm cụ thể về việc làm của người dân ở mỗi địa phương theo định kỳ.
Điều kiện công nghệ hiện nay hoàn toàn cho phép điều này. Nước Mỹ với hơn 300 triệu dân có thể làm được điều này hằng tháng và rất nhiều địa phương trên thế giới cũng đang làm vậy.
Xếp hạng cạnh tranh, môi trường sống các thành phố trong khu vực (thang điểm 100) - Nguồn: Huỳnh Thế Du và đồng nghiệp (2015) - Đồ họa: N.Khanh
|
Quy hoạch phải là công cụ để phát triển
Cơ chế đánh giá và bổ nhiệm cán bộ nên tập trung vào các tiêu chí hiệu quả trong công việc chứ không phải tiêu chí không sai như hiện nay. Cần có chính sách rõ ràng đối với cán bộ nói chung, đặc biệt là những vị trí “nước sôi lửa bỏng”.
Sau một nhiệm kỳ 5 năm, việc thăng tiến sẽ được dựa trên những kết quả cụ thể.
Để giảm thiểu những tác động không mong đợi hay xáo trộn bộ máy, trước hết có thể thử nghiệm ở các ban quản lý các dự án trọng điểm như Thủ Thiêm, Đường sắt đô thị hay Khu công nghệ cao chẳng hạn.
TP.HCM cần triển khai quy hoạch tích hợp với tiến trình hoạch định và phân bổ ngân sách nhằm đảm bảo quy hoạch là công cụ để phát triển TP một cách trật tự thay vì đơn thuần chỉ là công cụ huy động nguồn lực như hiện nay.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035 mới đây của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng: “Trong công tác quy hoạch, các mục tiêu hiếm khi gắn với quy trình lập ngân sách và tính tới các yếu tố bên ngoài, mà chỉ thường bao gồm mô tả về một loạt các điều kiện lý tưởng mà một đô thị sẽ đạt được sau thời gian thực hiện quy hoạch nếu không có một sai sót gì.
Quá trình này dẫn tới tình trạng mất cân đối cung cầu vì phần lớn kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch có thể không được hình thành trong quá trình triển khai.
Trên thực tế, các bản quy hoạch dường như chỉ đóng vai trò là công cụ huy động nguồn lực thay vì là công cụ để phát triển các đô thị một cách có trật tự, tạo ra các cộng đồng đáng sống và đô thị có sức cạnh tranh”. Đây là vấn đề cần khắc phục ngay.
Biết cách sử dụng các xếp hạng
Huy động nguồn lực hay cần phân tích các xếp hạng các thành phố trên thế giới, trong đó có TP.HCM, về năng lực cạnh tranh và môi trường sống của các tổ chức độc lập nhằm có những chính sách cải thiện để từng bước nâng vị trí của TP.HCM trong các xếp hạng này.
Tổng hợp của tác giả và các đồng nghiệp cho thấy vị trí của TP.HCM đang thấp nhất trong nhóm 13 thành phố trong khu vực được so sánh.
Các xếp hạng này được phân tích cụ thể trong 19 nhóm chỉ tiêu với bốn trụ cột gồm: nền tảng kinh tế và các kết nối cứng, các kết nối mềm, môi trường kinh doanh và thể chế chính sách.
Các chỉ tiêu này cho biết vị trí và mức độ cải thiện hay tụt hạng của thành phố thông qua những chính sách và hành động cụ thể.
Tuy các xếp hạng này luôn tồn tại những vấn đề bất cập và bất hợp lý, nhưng chúng là những xếp hạng khách quan nhất sẵn có để có thể biết được thành phố đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới.
Do vậy, nên sử dụng các xếp hạng này một cách thông minh, sáng tạo và có thể đặt ra mục tiêu TP.HCM sẽ có vị trí trung bình về khả năng cạnh tranh và môi trường sống của các thành phố trong khu vực vào năm 2025.
|
Huỳnh Thế Du
Tuổi Trẻ
|