“Mục tiêu 6,7% GDP năm nay có thể không đạt”
Có nhiều yếu tố bất lợi khiến cho mục tiêu GDP 6,7% của năm nay khó đạt...
Hầu hết các ngành kinh tế quan trọng đều đang có dấu hiệu giảm tốc.
|
Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải có giải pháp để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo trước Chính phủ tại phiên họp thường kỳ sáng 4/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng của nền kinh tế “có thể không đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2016”.
Theo cơ quan này, việc GDP năm nay khó đạt được 6,7% bởi các lý do sau:
Năm 2015, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi khá rõ nét, với GDP tăng nhanh sau từng quý và quý 4 tăng tới 7,01%. Nhưng sang quý 1/2016, GDP chỉ tăng 5,46%, thấp hơn 1,55 điểm % so với tốc độ tăng của quý 4/2015. Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp chế biến, được dự báo là ngành phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tình hình thiên tai (rét hại, băng giá ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng quý 1/2016 âm (-) 1,23%; riêng nông nghiệp (chiếm trên 70% giá trị tăng thêm khu vực 1) giảm tới 2,69%.
Giá trị sản xuất quý 1/2016 giảm với 2,5%, trong đó: ngành trồng trọt mà chủ yếu là lương thực giảm tới 6% so với quý 1/2015. Sản lượng lúa cả nước (vụ Đông Xuân) ước bị giảm khoảng 700 nghìn tấn; năng suất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm 5,6% (4 tạ/ha) so với Vụ Đông Xuân năm trước.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 26/4, diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, thủy sản bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn là 429,2 nghìn ha; ước tổng thiệt hại khoảng 8.116 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung vừa qua đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản và hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch biển.
Về sản xuất công nghiệp: chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm 1,7% so với tháng trước và 4 tháng đầu năm chỉ tăng 7,3%, thấp hơn 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, do công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (-) 1,7% và sự giảm sút của tốc độ tăng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt 9,6%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong thời gian tới, nếu giá dầu thô tiếp tục phục hồi, kéo theo sự tăng giá các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ còn khó khăn hơn; tốc độ tăng trưởng công nghiệp có thể còn bị giảm thấp hơn so với những tháng đầu năm.
Về xuất nhập khẩu: kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 4/2016 đều giảm so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6%, thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm đề ra là 10%; trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nước ta là giá xuất khẩu giảm (dầu thô, cà phê, cao su,…) và khả năng cạnh tranh yếu kém.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015, cũng là mức thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo, việc cân đối và huy động vốn đầu tư công trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cao sẽ giảm sút; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; đời sống người dân ở các vùng bị thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn, vùng biển bị ô nhiễm gây cá chết hàng loạt,... gặp rất nhiều khó khăn; nhiều diện tích trồng lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp bị thiệt hại, mất trắng…
Nông dân, ngư dân không còn vốn để sản xuất, trong khi các khoản vay của ngân hàng đã đến hạn, nhưng không có khả năng trả nợ; đòi hỏi phải có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng “nhìn chung ổn định nhưng chưa vững chắc”. Nhiều yếu tố bao gồm các yếu tố "chi phí đẩy" và "cầu kéo", thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn,... có thể tác động đẩy chỉ số giá lên cao trong thời gian tới…cũng là những rào cản khiến GDP năm nay khó đạt 6,7%.
Bảo Quyên
vneconomy
|