Phản ứng về thuế đường 0% của HAGL
Đến năm 2018, thuế nhập khẩu đường từ ASEAN vào Việt Nam còn 5%, áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn nhiều
* Hoàng Anh Gia Lai có thể được nhập khẩu đường với thuế 0%
Tổng cục Hải quan đang tham vấn Bộ Công Thương phương án để sớm cho phép số đường của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) sản xuất tại Lào nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất 0%.
Ưu đãi trước khi có thông tư hướng dẫn!?
HAGL được Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan cho nhập đường sản xuất ở tỉnh Attapeu - Lào về Việt Nam. Theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký tháng 3-2015, hàng nhập về Việt Nam theo các dự án đầu tư tại các tỉnh biên giới của Lào được hưởng chính sách ưu đãi, thuế suất nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tư hướng dẫn hiệp định này nên cơ quan hải quan tỉnh Kon Tum gặp vướng mắc khi xác định thuế suất nhập khẩu mặt hàng này cho HAGL bởi theo Thông tư 04/2014 của Bộ Công Thương, HAGL không được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường từ Lào nên phải chịu thuế suất 85%. Tập đoàn này kiến nghị lên Bộ Tài chính, sau đó bộ này đang đề xuất phương án cho phép tính luôn thuế nhập khẩu 0% với số đường của HAGL trong thời gian chờ thông tư hướng dẫn.
Việc xem xét áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% với đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào khiến các doang nghiệp đường trong nước lo ngại Ảnh: TẤN THẠNH
|
Tiếp nhận thông tin này, các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước cho rằng Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào đã được ký kết, DN đương nhiên được hưởng ưu đãi theo cam kết. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng đã quá ưu ái khi cho HAGL được hưởng ưu đãi thuế suất 0% trước khi có thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, các DN cũng thắc mắc nếu HAGL nhập khẩu đường về Việt Nam thuế suất 0% thì biểu thuế GTGT nhập khẩu có tính hay không và thuế lợi tức DN sẽ tính thế nào? Nếu cho HAGL hưởng thuế GTGT 0% có đồng nghĩa với việc nhà nước cũng cho DN ngành mía đường trong nước được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% theo quy tắc bình đẳng trong thương mại không?
“Chúng tôi rất hy vọng trường hợp HAGL được hưởng GTGT 10% thì các DN trong nước cũng được hưởng y như vậy. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn biết Bộ Tài chính và HAGL thực hiện thế nào trước lời hứa là sẽ đưa đường vào Việt Nam với giá rẻ so với nội địa bao nhiêu phần trăm để người dân biết” - tổng giám đốc một nhà máy đường nói.
Năm 2015, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) từng phản ứng gay gắt việc Bộ Công Thương cho phép HAGL nhập 50,000 tấn đường từ Lào về Việt Nam với thuế suất 2.5% vì cho rằng giá thành đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào chỉ bằng 1/4 giá trong nước, vì vậy ưu đãi này sẽ gây khó cho ngành sản xuất mía đường trong nước.
Đường nội vẫn loay hoay hạ giá thành
Một chuyên gia ngành mía đường cho biết đường sản xuất từ Lào có nhiều ưu thế hơn, đem về Việt Nam với thuế suất 0%, cạnh tranh trực tiếp với đường sản xuất tại Việt Nam. Đến năm 2018, thuế nhập khẩu đường từ ASEAN vào Việt Nam còn 5%, áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn nhiều vì sản lượng của HAGL tối đa khoảng 70-80 ngàn tấn/năm, sản lượng đường của ASEAN cũng lên tới hàng chục triệu tấn/năm. Đây là thách thức sống còn đối với ngành mía đường, mỗi DN phải tìm hướng khác để cạnh tranh.
Cũng theo các chuyên gia, sức cạnh tranh của ngành mía đường yếu không phải ở nhà máy đường mà ở khâu nguyên liệu mía. Còn về công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, các nhà máy đường Việt Nam không thua các nhà máy trong khu vực nhưng về giá thành thì chênh lệch lớn.
Nguyên nhân là do diện tích canh tác quá nhỏ, manh mún, nông dân không tha thiết ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất... dẫn đến sản lượng, chất lượng mía thấp, chi phí sản xuất cao. Cụ thể, trong cơ cấu giá thành của 1 kg đường, nhà máy chỉ có thể tham gia tối đa 25%, còn lại 75% tùy thuộc vào giá nguyên liệu mía. Giá nguyên liệu mía thì phụ thuộc vào lợi thế thiên nhiên vừa phụ thuộc vào quy mô sản xuất, kỹ thuật công nghệ, cây giống… Chi phí vận chuyển mía về nhà máy ở Việt Nam hiện cao nhất khu vực.
Giá mía ở Thái Lan bán khoảng 524.000 đồng/tấn, còn tại Việt Nam DN đang mua xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn. Chênh lệch giá đầu vào quá lớn, nhà máy không cách gì giảm giá thành sản xuất xuống thấp được.
Thực trạng trên buộc các DN phải nỗ lực tìm hướng đi để tồn tại, cạnh tranh. Theo đó, tập trung đầu tư vào khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của DN; đặc biệt quan trọng là phải liên kết với nông dân tạo thành những vùng nguyên liệu lớn.
Song song đó, linh hoạt chuyển từ sản xuất nguyên liệu sang sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất những sản phẩm hướng tới sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Đầu tư nhiều hơn cho giá trị gia tăng cho sản phẩm; khép kín chuỗi giá trị cây mía cũng như ngành đường để mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Cần chính sách cạnh tranh quốc gia
Một thành viên ban chấp hành VSSA cho hay trong chuỗi cạnh tranh về giá trị thì có cạnh tranh cấp quốc gia, cấp nhà nước, cấp chính sách. Nhà nước phải làm sao để chính sách có tính cạnh tranh với các quốc gia trong khối; nếu chính sách chúng ta có tính cạnh tranh thấp thì DN không thể đội đá vá trời. Phải có chính sách cho sản xuất phát triển, muốn sản xuất phát triển thì DN phải bán được hàng
|
Tử Trực
Người lao động
|