Dư địa tiết kiệm 1 tỉ USD/năm: Doanh nghiệp vẫn “kẹt” vì các thông tư, nghị định
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - gây chú ý khi khẳng định: Dư địa tiết kiệm của Việt Nam có thể lên đến 1 tỉ USD mỗi năm nếu giảm thiểu các chi phí, thủ tục hành chính trong kinh doanh. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 19/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, TS Cung cho rằng khó khăn lớn nhất lại chính từ sự trì trệ, thờ ơ của các bộ, ngành, địa phương khiến doanh nghiệp (DN) phát sinh nhiều chi phí không đáng có.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: P.V
|
Cải cách đã có nhưng chưa triệt để
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng hiện tại rất khó định lượng để biết DN sẽ tiết kiệm bao nhiêu với những thay đổi theo hướng cải cách thủ tục của ngành hải quan và thuế. Cụ thể, cách đây hơn 10 năm để làm thủ tục thông quan, DN phải vác cả chồng hồ sơ chạy khắp nơi, nay chỉ còn lại tờ khai điện tử. “Cải cách như vậy, nhưng DN vẫn không hài lòng thì chúng tôi sẽ cố gắng thêm nữa” - lãnh đạo Bộ Tài chính nói. Ông Tuấn cho rằng trước năm 2014 (trước khi thực hiện hải quan một cửa - P.V), thời gian thông quan hàng hóa trung bình là 21 ngày. Theo yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ, thời gian thông quan hàng hóa phải giảm 7 - 8 ngày. Theo lãnh đạo ngành tài chính, mỗi năm có khoảng hơn 7 triệu lô hàng được thông quan. Với chi phí lưu kho tại cảng là 250USD/ngày/lô hàng, như vậy mỗi năm tiết kiệm cho các DN hàng tỉ USD.
Trong năm 2015, ngành thuế đã ban hành chương trình hành động với 8 nhóm giải pháp và 77 nhiệm vụ cụ thể về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý thuế và đảm bảo kỷ luật kỷ cương nội ngành. Đồng thời, thực hiện khai thuế qua mạng Internet rộng khắp các tỉnh thành với hơn 98% DN khai thuế qua mạng và 93% DN tham gia nộp thuế điện tử. Qua tính toán sơ bộ, với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm số giờ nộp thuế, theo Tổng cục Thuế, cộng đồng DN đã tiết kiệm được trên 7,000 tỉ đồng/năm.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Mặc dù các thông điệp Chính phủ đưa ra quyết liệt nhưng thực tế, đại diện các hiệp hội cho rằng vẫn còn các vướng mắc, thủ tục còn tồn đọng cản trở hoạt động kinh doanh. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - cho biết các DN dệt may Việt Nam đang khốn khổ vì các quy định kiểm tra xuất nhập khẩu. Hiện nay, thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm 70% thời gian thông quan hàng hóa. Thủ tục hải quan chỉ chiếm 30%. Các DN dệt may đã nhiều lần góp ý về việc sửa đổi Thông tư 32 của Bộ Công Thương. Theo kiến nghị của một DN may lớn ở Việt Nam, Thông tư 32 là minh chứng cho việc làm khó khăn cho DN và đội giá sản phẩm, mất thời gian của DN XNK. Việc Bộ Công Thương sửa Thông tư 32 thành Thông tư 37 lại còn khó khăn hơn cho các DN.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Nghị định 60 của Chính phủ quy định về cấp phép nhập khẩu máy in cũng khiến các DN dệt may có nhu cầu nhập máy in quần áo rơi vào cảnh “khốn khổ”. Theo quy định, chủ DN cần phải có chứng chỉ bằng cấp từ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc chứng nhận đã tham gia lớp bồi dưỡng quản lý in.
Để Nghị quyết 19 thực sự gỡ khó cho các DN và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, và đạt được tham vọng mà Chính phủ đề ra là môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN-4 vào năm 2017, ASEAN-3 vào năm 2020, theo chuẩn mực quốc tế, bản thân các bộ ngành vẫn cần nỗ lực hơn nữa. TS Nguyễn Đình Cung cho biết: “Với một tinh thần đổi mới, cam kết mới, lấy DN làm đối tượng phục vụ như Thủ tướng đã phát biểu nhiều lần trong các hội nghị, văn bản. Tôi hy vọng tinh thần đó sẽ được “thấm”, quán triệt khi thực hiện Nghị quyết 19. Tôi kỳ vọng sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong cải thiện chỉ số thông quan qua biên giới với sự dẫn dắt của Bộ Tài chính với sự phối hợp của 14 bộ và cơ quan liên quan”.
Lan Hương
Lao động
|