Nhịp đập Thị trường 11/05: Bất ngờ tăng hơn 9 điểm
Không những chinh phục thành công ngưỡng 610, VN-Index đã nhanh chóng bứt phá vào thời điểm cuối phiên và ghi nhận mức tăng hơn 9 điểm. Đóng cửa, VN-Index đạt 614.06 điểm, HNX-Index nhích 0.21 điểm lên 80.41 điểm.
Sự tăng điểm đồng thuận của hàng loạt Large Cap vẫn là nhân tố chủ đạo cho đà tăng của chỉ số trong phiên hôm nay. Với sự dẫn dắt của VNM ở mức tăng 3,000 đồng, hàng loạt mã khác đều tăng mạnh như VIC tăng 1,500 đồng, GAS tăng 1,000 đồng, BVH tăng 2,000 đồng. Bên cạnh đó, khá nhiều mã leo dốc ấn tượng như CTD tăng 10,000 đồng, VCS tăng 4,600 đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, có 262 mã tăng điểm với 29 mã kịch trần và 161 mã giảm điểm với 22 mã giảm sàn. Thanh khoản toàn thị trường đạt 3,895 tỷ đồng tương ứng 203 triệu cp được chuyển nhượng thành công.
Hôm nay, khối ngoài bán ròng khá mạnh trên sàn HOSE với giá trị lên tới 198 tỷ đồng. Đây là phiên khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu tháng 5 đến nay. Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng với giá trị hơn 7 tỷ đồng trên sàn HNX.
13h45: Tăng trên diện rộng
Đến 13h45, VN-Index tiến 6.37 điểm lên 611.42 điểm trong khi HNX-Index chưa thoát khỏi sắc đỏ và vẫn nằm dưới ngưỡng tham chiếu.
Để có thể quay trở lại trên mốc 610 điểm, tất cả các mã Large Cap hiện giờ đều mang sắc xanh. Sức cộng hưởng từ đà tăng của VNM, MSN, BVH, VIC, BID và VCB đã bẩy chỉ số tăng mạnh. Ngoài ra, đà tăng đã lan tỏa ra khá nhiều mã cổ phiếu khác, như ITD, KSB, KMR, PGI…
Toàn thị trường hiện có 205 mã tăng điểm với 23 mã kịch trần và 170 mã giảm điểm. Thanh khoản tạm giao dịch quanh mốc 3,061 tỷ đồng với 155 triệu cp được chuyển nhượng thành công.
Trong giao dịch thỏa thuận, xuất hiện thêm một số giao dịch khác như 540,000 cp KSB được chuyển nhượng với giá trị gần 26 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 1.5 triệu cp NLG cũng được sang tay với giá trị gần 35 tỷ đồng.
Phiên sáng: VN-Index tăng 4 điểm, áp sát mốc 610
Đến thời điểm nghỉ giữa phiên, VN-Index đã tiến gần ngưỡng 610 và tạm dừng tại mốc 609.25 điểm. Ngược lại, HNX-Index lại áp sát tham chiếu ở mốc 80.16 điểm.
Hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số chính là sự bứt phá của BVH khi tăng 2,000 đồng/cp. VNM cũng góp phần không nhỏ với mức tăng 2,000 đồng/cp, VIC tăng 1,000 đồng và BID tăng 200 đồng/cp.
Bên cạnh đó, khá nhiều mã có vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng điểm khá tốt, như BHS tăng 500 đồng, BIC tăng 700 đồng, CSV tăng 900 đồng, EVE tăng 1,000 đồng, DRH tăng 1,100 đồng.
Trong sáng nay đã có 2,714 tỷ đồng tham gia vào giao dịch, trong đó hơn 1,500 tỷ đồng từ giao dịch thỏa thuận với TTF và HPG là các nhân tố chính.
Đến hết phiên sáng đã có 191 mã tăng điểm, số mã giảm điểm là 158 mã và 342 mã đứng giá hoặc không giao dịch.
10h30: TTF thỏa thuận hơn 870 tỷ đồng
Đến thời điểm này, gần 42 triệu cp TTF đã được sang tay trong giao dịch thỏa thuận tương ứng giá trị gần 873 tỷ đồng.
Như vậy cộng với khối lượng được sang tay ngày 9/5, đã có gần 73 triệu cp TTF đã được chuyển nhượng sang chủ mới. Rất có thể VIC sẽ hoàn thành việc gom cổ phiếu TTF trong phiên giao dịch hôm nay.
Bên cạnh đó, TSC hiện đang dẫn đầu toàn sàn về khối lượng khớp lệnh và kịch trần ở mức giá 7,700 đồng. Được biết FIT- công ty mẹ của TSC đã ban hành nghị quyết về việc mua vào từ 10 triệu đến 30 triệu cp TSC nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại TSC.
Đến thời điểm 10h33, VN-Index hiện đang quay lại mốc 606.78 điểm, nhích 1.73 điểm so với tham chiếu, HNX-Index lùi nhẹ 0.22 điểm còn 79.98 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tạm giao dịch quanh ngưỡng 2,299 tỷ đồng, trong đó chiếm trên 60% là giao dịch thỏa thuận
Mở cửa: Thanh khoản tăng vọt đầu phiên, sẽ chinh phục mốc 610 điểm?
Đến 9h40, VN-Index đã tiến 2.91 điểm lên 607.96 điểm, HNX-Index cũng tăng 0.13 điểm lên mức 80.33 điểm. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 30 phút giao dịch, thỏa thuận khủng của cổ phiếu TTF và HPG đã khuấy động thanh khoản thị trường.
Ngay từ đầu tiên, một số mã ngành thép đã có mức tăng điểm khá tốt, điển hình như HPG và TLH đều tăng 500 đồng.
Cổ phiếu SSI cũng là một cổ phiếu đáng chú ý sau thông tin ông Nguyễn Duy Hưng xuất hiện trong hồ sơ Panama. Ngay đầu phiên, cổ phiếu SSI đã nhanh chóng giảm điểm, hiện còn 20,500 đồng/cp và chủ yếu là cung ở mức giá thấp.
Mặc dù giá dầu trên thị trường quốc tế đang chuyển biến theo hướng đi lên tuy nhiên giá cổ phiếu dầu khí lại biến động theo nhiều chiều hướng khác nhau. Điển hình là cổ phiếu GAS giảm 500 đồng vào thời điểm đầu phiên tuy nhiên hiện tại đã tăng 500 đồng so với mở cửa. Cung cầu của cổ phiếu này cũng khá phân hóa khi cung toàn bộ ở vùng giá cao còn cầu chủ yếu ở vùng giá thấp.
Độ mở thị trường hiện khá rộng với 150 mã tăng điểm và 95 mã giảm điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng vọt ở mức 1,033 tỷ đồng, tương ứng với 47 triệu cp đã được giao dịch thành công tính đến 9h40.
Đáng chú ý, chiếm phần lớn giá trị giao dịch trong đầu phiên sáng chính hoạt động giao dịch thỏa thuận của TTF và HPG. Cụ thể, hơn 21 triệu cp TTF đã được giao dịch thỏa thuận với giá trị hơn 533 tỷ đồng. Trước đó, tại phiên 09/05, đã có hơn 30.6 triệu cp TTF giao dịch thỏa thuận, nhiều khả năng là giao dịch từ các cổ đông TTF cho VIC.
Ngoài ra, 10 triệu cp HPG cũng đã được chuyển nhượng với giá trị trên 317 tỷ đồng. Rất có khả năng việc bán 10 triệu cp HPG là giao dịch của Private Equity New Markets II K/S nhằm thay đổi cấu trúc danh mục đầu tư. Được biết quỹ đầu tư này thuộc quản lý của PENM Partners - một công ty tư nhân độc lập của Đan Mạch. Sau khi bán 10 triệu cp HPG, tổ chức tổ chức này còn nắm giữ hơn 11 triệu cp HPG (tỷ lệ 1.51%).
Theo đó, tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trên sàn HOSE đã lên tới 911 tỷ đồng, chiếm đến 67% thanh khoản toàn thị trường.
Trong khi đó, giao dịch thỏa thuận của TTF có thể là động thái tiếp tục gom cổ phiếu của VIC. Được biết, Tân Liên Phát – công ty con của VIC dự kiến sẽ nắm giữ 79 triệu cp của TTF. Ở phiên giao dịch ngày 09/05, gần 31 triệu cp TTF cũng đã được sang tay.
Trên thị trường tài chính quốc tế, các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Ba khi tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Canada cho tới Nigeria đã góp phần xoa dịu nỗi lo về tình trạng dư cung toàn cầu. Bên cạnh đó, vào ngày thứ Ba, Tổng Giám đốc của Saudi Ramco, một công ty dầu lớn do nhà nước sở hữu, cho biết ông kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1.2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Như vậy, nhu cầu dầu thô tăng mạnh cũng có thể giúp xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu./.
|