Nhiều đơn hàng dệt may chuyển sang Myanmar, Lào
Trong quý 1-2016, nhiều đơn hàng dệt may đã dịch chuyển từ Việt Nam sang Myanmar, Lào, khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước phải đóng cửa.
Theo phản ánh của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại hội nghị "Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế" diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua, trong năm 2015 toàn ngành dệt may đã xuất khẩu được 27,4 tỉ đô la Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu dệt may mang về trên 8 tỉ đô la Mỹ, tăng 6% so với cùng kỳ.
Mặc dù xuất khẩu tăng, ông Giang cũng không khỏi lo lắng bởi ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất của doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Ông Giang nêu sau quý 1-2016 này, hàng loạt khách hàng dệt may Việt Nam đã chuyển đơn hàng đi Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, nếu muốn tận dụng ưu đãi thuế quan xuất hàng sang các thị trường lớn nói trên thì doanh nghiệp Việt Nam phải đợi đến năm 2018.
Ông Giang cũng phản ánh nhiều doanh nghiệp dệt may rất mệt mỏi với mật độ kiểm tra dày đặc của các cơ quan chức năng, một quý có khi đến 3 - 4 đoàn kiểm tra; hôm nay hải quan đến kiểm tra, mai đến ngành thuế, mốt đến lao động thương binh xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy … làm doanh nghiệp bị ức chế.
Vị chủ tịch ngành dệt may Việt Nam để nghị Chính phủ, Bộ Công Thương điều chỉnh lại Quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2020 bởi quy hoạch này đã “lỗi thời” nhiều so với thực tiễn. Chẳng hạn quy hoạch nêu toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020 nhưng năm 2015 đã xuất được gần 27,5 tỉ đô la Mỹ.
Đồng thời, quy hoạch ngành dệt may cần gắn với quy hoạch các khu công nghiệp tập trung để thuận lợi hơn trong việc quản lý, xử lý nước thải bởi câu chuyện xử lý nước thải đang làm đau đầu rất nhiều doanh nghiệp dệt may thời gian qua để đảm bảo môi trường, phát triển bền vững ngành dệt may. Quy định hiện nay buộc doanh nghiệp may (vốn không thải nhiều nước thải như dệt, nhuộm) cũng phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh thì rất tốn kém, không cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Giang kiến nghị quy định kiểm tra hàm lượng chất formadehyde trong vải nhập khẩu cần được nới lỏng, đừng siết quá chặt. Thông tư 37/2015 do Bộ Công Thương ban hành thắt chặt doanh nghiệp quá mức độ bởi một loại vải mẫu chuyển từ nước ngoài về chỉ có 3 - 5 mét thôi cũng phải kiểm formaldehyde gây tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
“Nếu không xem xét, điều chỉnh lại các quy định siết chặt này thì ngành dệt may Việt Nam sẽ càng rất khó khăn”, ông Giang nêu kiến nghị với Bộ Công Thương tại hội nghị cuối tuần qua.
Theo giải đáp của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, bộ này đã cho tiến hành xây dựng lại quy hoạch ngành dệt may trong năm 2017 để phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn hội nhập sắp tới. Ông Tuấn Anh cho biết Thông tư 37 của Bộ Công Thương ban hành nhằm ngăn chặn vải, sợi có phẩm chất kém, có hóa chất độc hại nhập vào Việt Nam tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đe dọa đến sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may. Thông tư 37 đã có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp trước khi ban hành. Theo đó, thông tư 37 có ba điểm mới là đối tượng lấy mẫu kiểm tra được thu gọn hơn thông tư 32 trước đó, giảm tần suất kiểm tra, cho phép doanh nghiệp hưởng ưu đãi nhiều hơn trong kiểm tra.
“Tuy nhiên, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến góp ý của Hiệp hội Dệt may Việt Nam để điều chỉnh lại Thông tư 37 sao cho phù hợp với điều kiện phát triển mới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết tại hội nghị cuối tuần qua.
Trao đổi với TBKTSG Online mới đây, một chuyên gia ngành dệt may nhận định mục tiêu nhắm đến kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ đô la Mỹ của toàn ngành trong năm 2016 này là có thể đạt được. Song, khi nói về sự phát triển lâu dài của ngành dệt may, nếu doanh nghiệp dệt may - đặc biệt là doanh nghiệp nội - không sớm thay đổi phương thức kinh doanh thì sắp tới dù hội nhập sâu đến mấy, doanh nghiệp nội vẫn mãi kiếp “làm thuê”, lợi thế hội nhập sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2015 đạt khoảng 27 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng ngành may chiếm 80%. Dù doanh nghiệp FDI chỉ chiếm số lượng 30% tổng số doanh nghiệp may cả nước nhưng nắm đến 70% doanh thu toàn ngành, còn doanh nghiệp nội dù số lượng chiếm đến 70% nhưng doanh thu chỉ có 30%. Có đến 85% doanh nghiệp dệt may nội làm gia công và giá gia công doanh nghiệp nhận về chỉ chiếm 25% giá thành sản phẩm dệt may.
Từ những con số phân tích trên, vị chuyên gia ngành dệt may đúc kết lại: khi nói đến kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may hàng chục tỉ đô la Mỹ nghe rất lớn, rất hoành tráng, nhưng thực tế thu nhập doanh nghiệp nội thực bỏ túi được là rất nhỏ. Nếu doanh nghiệp nội không thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh thì vẫn mãi kiếp làm thuê.
Văn Nam
tbktsg
|