“Mất” thị trường bán lẻ: 70% là… ta tự hại mình
Chai dầu 5 lít bán tại một số siêu thị nội giá cao hơn 2.000 đồng so với siêu thị ngoại. Có những siêu thị được ưu ái địa điểm kinh doanh rất đẹp nhưng cũng bán dần đi… Doanh nghiệp nội để “mất” thị trường bán lẻ thì 70% là do chính ta tự hại mình, còn áp lực đến từ các doanh nghiệp Thái Lan, Úc hay Mỹ gì đó chỉ 30%.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, bước chuyển mình của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh hội nhập là quá chậm chạp.
|
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, người có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, đã bày tỏ quan điểm như vậy tại một cuộc tọa đàm về thị trường bán lẻ Việt Nam, diễn ra hôm 18/5 tại Hà Nội.
Mình phải tự trách
Mặc dù nhiều năm qua, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bước chuyển mình của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh hội nhập là quá chậm chạp.
Đặc biệt, theo ông Phú, khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ Việt do khách quan thì ít, mà do chủ quan lại là chủ yếu.
“Phải có chính sách kéo thấp giá xuống. Giá hàng hóa tại nhiều siêu thị nội hiện nay ở mức cao vô lý, do gánh quá nhiều chi phí trung gian, mỗi khâu chỉ cần tăng giá 15% là người tiêu dùng và doanh nghiệp lãnh đủ”, ông nói.
Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sau khi về tay tập đoàn Central Group đã tăng chiết khấu đối với doanh nghiệp cung cấp hàng thuỷ sản đông lạnh vào siêu thị lên đến 20-25%. Nhưng theo ông Phú, không chỉ Big C, mà bản thân các siêu thị nội cũng ép phí tạo mã, phí sinh nhật… dẫn đến chiết khấu cao chẳng kém.
Hay, tình trạng quy hoạch siêu thị ở Hà Nội cũng có nhiều điểm vô lý, khi chỉ trên 700 m mặt đường phố Thái Thịnh, đã có các siêu thị Hapro, Lotte nhưng sau đó “cắm” luôn Fivimart ở giữa, càng khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh.
Không ít các doanh nghiệp bán lẻ nội kêu ca khó tiếp cận mặt bằng, nhưng thực tế, có những doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ trong thời gian dài nhưng vẫn không vươn lên được. Hapro là một ví dụ, theo ông Phú. Mặc dù được bố trí “vị trí vàng”, nhưng doanh nghiệp này đã không tận dụng được và thậm chí phải cho thuê, bán một số mặt bằng đi.
Hoặc, hệ thống siêu thị Fivimart cũng nhận được nhiều ưu ái nhưng rồi lại “bán mình” cho doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là bán 30% cho Aeon (Nhật Bản).
“Trứng gà, cánh gà CP (Thái Lan) đã có mặt ở hầu hết siêu thị Hà Nội. Chính chúng ta tự hại chúng ta, phân phối yếu thì sản xuất chết. Ta tự hại ta tới 70%, còn sức ép của Thái Lan, Úc, Mỹ chỉ 30% thôi. Dư địa hỗ trợ không còn thì bây giờ phải cạnh tranh, nếu không đủ sức cạnh tranh sẽ phá sản, thua ngay trên sân nhà”, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thẳng thắn.
Tuân thủ luật chơi
Nhưng, cũng có những khó khăn nằm ngoài “tầm kiểm soát” của doanh nghiệp.
PGS. TS. Nguyễn Thừa Lộc (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp bán lẻ nội có nhiều khó khăn. Vì, ngay doanh nghiệp bán lẻ lớn như Saigon Coop chỉ có 1.000 tỉ đồng vốn tự có, chỉ đủ 15 - 20% nhu cầu kinh doanh, còn lại phải đi vay.
Trong khi lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức từ 7 - 11 %/năm, gấp 2 - 3 lần so với các mức lãi suất của các nước khác trong khu vực.
"Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác", ông Lộc nói.
Không ít chuyên gia đến từ các viện, trường đại học kinh tế cho rằng, đại bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong bản lẻ là siêu nhỏ. Do Nhà nước thời gian qua “mải mê” đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân trong nước nói chung và doanh nghiệp siêu nhỏ nói riêng, hầu như bị “bỏ rơi”, gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, theo ông Dương Duy Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trên thực tế, Chính phủ cũng rất quan tâm tới thị trường bán lẻ và doanh nghiệp bán lẻ, tuy nhiên, việc khuyến khích phải theo khuôn khổ chung. Vấn đề còn lại là ở chính các doanh nghiệp.
Ông Hưng dẫn chứng, với cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, 6 năm qua, tỷ lệ người Việt dùng hàng Việt tăng lên cao, điều đó cho thấy đã có sự thay đổi rất rõ ràng, có sự ủng hộ từ người tiêu dùng, có sự tạo điều kiện từ Trung ương, từ Chính phủ với những cơ chế chính sách chung.
Phó vụ trưởng lập luận, việc “anh” đưa hàng vào siêu thị của “tôi” phải chịu mức chiết khấu 20 - 30% tùy từng dòng hàng hóa khác nhau là câu chuyện của thị trường, tuân theo luật chơi rõ ràng. Vì không chỉ các doanh nghiệp FDI bán lẻ chiết khấu như vậy mà doanh nghiệp trong nước cũng thế. Tuy nhiên, đằng sau đó, các doanh nghiệp bao giờ cũng đặt tôn chỉ cao nhất của họ là làm sao phát triển được bền vững, có lợi nhuận.
“Đó là cuộc chơi. Không phải là vấn đề chiết khấu nhằm gạt ai ra, đưa ai vào. Thị trường có luật chơi của thị trường. Các doanh nghiệp FDI và trong nước phải tuân thủ theo luật chơi đó, thì mới sống được”, ông Hưng nói.
Hoàng Bảo
Vneconomy
|