Chủ Nhật, 29/05/2016 10:02

Lạm phát có nguy cơ quay trở lại trong năm 2016?

Lạm phát hiện vẫn đang ở mức thấp, nhưng xu hướng tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng liên tục những tháng qua đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát trở lại và đòi hỏi một sự thận trong trong điều hành.


Giá lương thực, thực phẩm sau một thời gian dài rớt đáy cũng đã đang lên. – Ảnh: Quốc Tuấn

Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12 năm 2015. Chỉ số lạm phát hiện tại chưa hẳn là đã cao, nhưng nếu so với tháng 5 năm ngoái thì chỉ số lạm phát lúc đó chỉ là 0,2% và cả năm 2015 cũng ở mức rất thấp là 0,63%.

Xu hướng đi lên

Thực tế, kể từ đầu năm tới nay, chỉ số giá tiêu dùng đã liên tục giữ xu hướng tăng cao qua hàng tháng. Lạm phát tăng lên được cho là có thể kích thích kinh tế phát triển, nhưng đứng trước xu hướng tăng nhanh liên tục trong những tháng vừa qua, và diễn biến khó lường của thị trường hàng hóa thế giới, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nguy cơ lạm phát tăng cao trong năm nay là có thật.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây cũng đã lên tiếng cảnh báo không thể chủ quan với lạm phát. “Bình quân giá dầu năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái nhưng vì chiều hướng đang lên nên chu kỳ điều chỉnh giá tăng sẽ nhiều hơn, dịch vụ công, điện, chi phí BOT, chi phí đẩy rất lớn. Người dân nhìn thấy lạm phát là lo lắm” – Phó Thủ tướng nói.

Dựa trên xu hướng tăng lạm phát những tháng vừa qua, ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo rằng, khả năng lạm phát tăng trở lại trong năm nay là rất lớn, vào khoảng 4% – 5%.

Dự báo của ông Thành tuy cao hơn mức lạm phát của năm ngoái rất nhiều, nhưng trong báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra dự báo rằng lạm phát đang có “dấu hiệu tăng” lên và có khả năng vượt qua mục tiêu 5% mà Chính phủ và Quốc hội đề ra. Nếu như lạm phát vượt quá 5% thì rõ ràng đây sẽ là một bất ổn cho nền kinh tế.

“Nhiều yếu tố giá cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới” – báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Yếu tố đầu vào

Một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến lạm phát là giá dầu trên thế giới. Kể từ năm 2014, giá dầu thô đã tụt từ mức trên 100 USD một thùng xuống mức 30 USD một thùng cuối năm 2015 và 28 USD một thùng vào tháng 1/2016. Giá dầu thấp là một nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát năm 2015 của Việt Nam ở mức rất thấp. Tuy nhiên, từ tháng 2 trở lại đây, giá dầu thô đã tăng liên tục hơn 60% và tiến sát tới mốc 50 USD một thùng vào thời điểm hiện tại. Nhiều dự báo của các tổ chức trên thế giới cho rằng giá dầu có thể tăng lên trên 50 USD một thùng trong thời gian tới.

”Giá dầu thô tăng sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu. Đặc biệt, đối với nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, thì việc giá dầu thô tăng trở lại sẽ tác động đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra” – báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư viết.

Một nguyên nhân nữa là những biến động bất thường về thời tiết khí hậu như rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn, gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, gây thiếu hụt về nguồn cung gạo xuất khẩu và nhu cầu thị trường trong nước.

Thực tế, những yếu tố tác động đến lạm phát như giá dầu thô và thiên tai đều được coi là những yếu tố khách quan khó có thể tránh được. Tuy nhiên, có một nguyên nhân nữa khiến lạm phát tăng cao mà nhiều chuyên gia kinh tế cùng đồng tình, đó là thâm hụt ngân sách đang ở mức cao do mức chi ngân sách vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cùng với đó là tăng trưởng tín dụng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2015 bội chi tăng lên 6,1% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 là 4,5%. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế năm 2015 tăng tới 18%, gấp gần 3 lần tốc độ tăng GDP và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2016.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, cân đối thu chi ngân sách là điều đáng lo nhất, và điều này sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát trong năm nay. Vì khi thâm hụt ngân sách, thông thường có ba cách để bù đắp là vay trong nước, vay nước ngoài và việc thường không được nói ra là in tiền. Thực tế việc vay nước ngoài đã có dấu hiệu khó nên các nguồn vay trong nước qua trái phiếu sẽ được tận dụng, đẩy lãi suất lên cao và thời hạn vay ngắn đi.

Còn nhớ sau khi thành công kiềm chế lạm phát vào năm 2009 và 2010, chính sách tiền tệ được nới lỏng đẩy mức tăng trưởng tín dụng lên cao, và ngay lập tức lạm phát năm 2011 đã quay trở lại ở mức 18,12%. Đó vẫn còn là bài học kinh nghiệm với lạm phát thời điểm này và đòi hỏi Chính phủ phải có một chính sách thận trọng nhằm ngăn chặn sự trở lại của lạm phát.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn: Doanh nghiệp lo lãi vay tăng

Lãi suất cho vay chỉ mới được một số ngân hàng lớn hô hào điều chỉnh giảm thời gian gần đây, tuy nhiên, mức giảm không nhiều, cao nhất chỉ khoảng 50 điểm phần trăm (0,5%), và lãi suất có nguy cơ sẽ khó điều chỉnh giảm sâu hơn, thì những tín hiệu tăng lãi suất đã được “bật đèn”. Cụ thể đó là yếu tố tăng lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 6 năm qua, vừa được Tổng Cục thống kê công bố cuối tháng 5.

Ngoài những yếu tố khách quan và nội tại của kinh tế, chính sách trong nước, thiên tai… cần lưu ý còn nhiều yếu tố khách quan ngoài Việt Nam cũng trực tiếp tác động đến chính sách tiền tệ và tài khoá của Việt Nam. Trong đó, đáng lưu ý nhất là động thái điều chỉnh đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 5 năm, vừa diễn ra của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Với quan hệ mậu dịch thương mại và kim ngạch nhập khẩu tỷ trọng lớn của Việt Nam từ Trung Quốc, mỗi động thái điều chỉnh đồng Nhân dân tệ đều sẽ tác động đến chính sách tỷ giá của nước ta. Cùng với đó, khả năng Fed tăng lãi suất đang được Mỹ để ngỏ và có thể sẽ diễn ra ngay trong quý III. Mặc dù, NHNN Việt Nam hiện đã có chinh sách điều hành tỷ giá khá ổn định và có tính đón đầu thích ứng với các biến động của những đồng tiền mạnh và phổ biến trên toàn cầu, nhưng với những tác động liên tục và với biên độ lớn từ các đợt điều chỉnh của FED hoặc PBOC , tỷ giá của Việt Nam khó giữ biên độ hẹp. Tỷ giá nếu biến động tất yếu sẽ gây tác động kép lên lạm phát. Lãi suất theo đó cũng khó giữ bằng… ý chí. Lo ngại lãi suất vay sẽ tăng của doanh nghiệp không phải không có cơ sở.

PGS- TS Trần Hoàng Ngân, Uỷ viên UB Kinh tế của Quốc hội khoá XIII:Tránh gây lạm phát tâm lý

Phải khẳng định chắc chắn lạm phát năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015. Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất giá dầu thế giới đã tăng mạnh trở lại. Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm sau một thời gian dài rớt đáy cũng đã đang lên. Đối với Việt Nam, đây là hai mặt hàng giữ trọng số lớn trong rổ hàng hoá để tính CPI.

Chính vì vậy để tránh “bóng ma” lạm phát quay trở lại, thứ nhất, Chính phủ cần kiên trì với giải pháp tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm pháp, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng mức hợp lý; Thứ hai, trong điều hành, Chính phủ phải đảm bảo tính đồng bộ – cần lưu ý điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục… tránh điều chỉnh dồn dập, gây lạm phát tâm lý và làm cho lạm phát tăng cao. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh; tạo nguồn vốn thấp để DN tiếp cận và đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hướng tới phát triển bền vững. Riêng giá lương thực và giá xăng dầu hiện đã điều hành theo cơ chế thị trường. Còn các mặt hàng đã kiểm soát được thì không nên điều chỉnh.

Tôi cho rằng dù lạm phát có tăng nhưng vẫn sẽ trong mức lạm phát mục tiêu 5% mà Chính phủ đề ra./.

dđdn

Các tin tức khác

>   Bỏ bộ chủ quản: Nước đã đến chân, không bàn lùi nữa (27/05/2016)

>   Phát biểu của Thủ tướng tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam – Nhật Bản (27/05/2016)

>   Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đắc cử với số phiếu cao nhất  (27/05/2016)

>   Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 (25/05/2016)

>   Toàn văn tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ (25/05/2016)

>   Dẫn Nam quốc sơn hà, ông Obama yêu cầu tôn trọng chủ quyền (24/05/2016)

>   “Một Việt Nam rất mới trong mắt tôi” (24/05/2016)

>   CPI tăng 8 tháng liên tiếp (24/05/2016)

>   Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Obama (23/05/2016)

>   Việt - Mỹ “không nên duy trì lệnh cấm nào nữa” (23/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật