Thứ Ba, 24/05/2016 14:23

Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều thách thức lớn

Hoạt động xuất khẩu và chế tạo giảm, trong khi đồng yen mạnh và chi tiêu tiêu dùng giảm, dân số lão hóa khiến nền kinh tế Nhật Bản gặp nhiều thách thức lớn. Đây cũng là những bằng chứng mới cho thấy chính sách kinh tế Abenomics đang gặp trở ngại.

Container tại bến cảng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu giảm

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 23-5 công bố số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 4-2016 của Nhật Bản tiếp tục đà giảm của các tháng trước. Nguyên nhân là do đồng yen mạnh lên cũng như tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác chậm lại, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng Nhật Bản của các thị trường này.

Trong tháng 4-2016, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 5.890 tỉ yen (53,6 tỉ đô la Mỹ) – đánh dấu tháng thứ 7 giảm liên tiếp, một phần do xuất khẩu ô tô giảm do các nhà sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận động đất tại tỉnh Kumamoto (Nhật Bản).

Cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu giảm 23,3% so với năm ngoái, xuống còn 5.070 tỉ yen (46,1 tỉ đô la Mỹ) - tháng thứ 16 giảm liên tiếp do giá trị nhập khẩu dầu thô giảm đến 51,8% và nhập khẩu khí đốt hóa lỏng giảm 44,5%.

Do đó, mặc dù xuất khẩu giảm, Nhật Bản vẫn đạt thặng dư thương mại 823,47 tỉ yen (7,5 tỉ đô la Mỹ) - mức lớn nhất kể từ tháng 3-2010. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Nhật Bản thặng dư thương mại.

Tính theo từng thị trường, trong tháng 4-2016, xuất-nhập khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc lần lượt giảm 7,6% và 16,8%, xuống còn 1.040 tỉ yen (9,5 tỉ đô la Mỹ) và 1.330 tỉ yen (12,1 tỉ đô la Mỹ). Xuất-nhập khẩu sang Mỹ cũng lần lượt giảm 11,8% và 18,1%, xuống còn 1.200 tỉ yen (10,9 tỉ đô la Mỹ) và 585.69 tỉ yen (5,3 tỉ đô la Mỹ). Đây là tháng thứ 2 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang các thị trường này giảm.

Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), xuất khẩu của Nhật Bản tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 702,52 tỉ yen (6,4 tỉ đô la Mỹ); trong khi nhập khẩu giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 617,45 tỉ yen (5,6 tỉ đô la Mỹ).

Chuyên gia kinh tế Yuichiro Nagai tại công ty chứng khoán Barclays cho biết xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh cho thấy ảnh hưởng của trận động đất tại Kumamoto, cũng như sự sụt giảm nhu cầu các mặt hàng chủ chốt tại châu Á. Chuyên gia Nagai dự báo xuất khẩu của Nhật Bản sẽ không tăng mạnh trong tương lai, nhưng giá dầu thô rẻ sẽ giúp nước này duy trì thặng dư thương mại trong một thời gian nữa.

Đồng yen mạnh

Trong khi đó, kết quả khảo sát sơ bộ Markit/Nikkei cho thấy trong tháng 4-2016, hoạt động chế tạo của Nhật Bản trải qua tháng giảm thứ 3 liên tiếp và số đơn hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 41 tháng qua.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - bao gồm tăng chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và cải tổ cơ cấu - ban đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đồng yen tăng giá thời gian qua khiến ông Abe gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong quí 1-2016, nền kinh tế Nhật Bản tăng 0,4% so với quí 4-2015.

Một số nhà phân tích lo ngại nền kinh tế Nhật có thể suy giảm trở lại, sau khi tránh được suy thoái trong quí 1-2016.

Kinh tế trưởng Takeshi Minami của Viện nghiên cứu Norinchukin nhận định xuất khẩu ô tô sang Mỹ sụt giảm rất đáng quan ngại. Bên cạnh đó, nền kinh tế châu Á và toàn cầu vẫn yếu, trong khi đồng yen mạnh làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng đến đầu tư vốn và tiền lương, qua đó tác động đến chính sách Abenomics.

Người dân giảm chi tiêu

Theo Giám đốc công ty tư vấn Japan Macro Advisors, ông Takuji Okubo, chính sách kinh tế Abenomics 3 gọng kềm của ông Abe không mang lại kết quả. Ông Okubo nói: "Lĩnh vực mà ông Abe thất bại nhiều nhất là cải tổ cơ cấu. Những năm qua, ông Abe đã không thực hiện biện pháp cải cách nào có thể gọi là cải tổ cơ cấu. Ông Abe không hiểu được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề trong thị trường lao động hoặc vấn đề cải cách hưu bổng."

Ông Okubo cho biết chương trình hưu bổng trong khu vực công của Nhật Bản thiếu hụt ngân quỹ trầm trọng, khiến các gia đình trung lưu – có tài sản ở mức khá cao so với người dân tại các nước phát triển khác - không muốn chi tiêu nhiều. Cả những người trẻ có mức thu nhập tương đối thấp lẫn những người về hưu có nhiều tiền tiết kiệm, ai nấy cũng đều ngần ngại, không muốn chi tiêu.

Số liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy năm ngoái, tiền tiết kiệm trung bình của các gia đình Nhật Bản lên đến mức kỷ lục 18 triệu yen, tương đương 164.000 đô la Mỹ.

Ông Martin Schuls, kinh tế gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo, cho rằng cơ cấu kinh tế Nhật Bản cần thay đổi. "Thị trường Nhật Bản nói chung đang co cụm, làm cho kinh tế Nhật Bản khó lòng tăng trưởng trở lại. Tình hình này đòi hỏi sự thay đổi lớn về cơ cấu và chuyện này phải mất nhiều thời gian. Việc mở cửa nền kinh tế, thay đổi cơ cấu của khu vực nông nghiệp và giúp các công ty Nhật Bản đầu tư vào Đông Nam Á sẽ mang lại những thành quả lớn nhưng phải mất 10-15 năm”.

Một chủ tiệm tạp hoá tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), ông Manabu Goto, nhận xét: "Chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe không làm cho người dân chi tiêu vì họ cảm thấy bất an về tương lai. Vì vậy, chính phủ cần phải tìm cách khác".

Vấn đề chi tiêu của người tiêu dùng ở mức thấp tại Nhật Bản và các nước khác đã được các bộ trưởng tài chính G7 mang ra thảo luận trong cuộc họp tại Sendai (Nhật Bản) ngày 20-5 và 21-5. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói: “Không có nhu cầu và đó là một trong những vấn đề lớn nhất trên toàn thế giới”.

* Những khó khăn của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới còn có dân số lão hóa. Các nhà phân tích cho rằng những nước khác thuộc thế giới phát triển đã tiếp nhận di dân với quy mô lớn để ứng phó với tình trạng dân số lão hóa. Tuy nhiên,  giải pháp này không được dân chúng và chính phủ Nhật Bản chấp nhận.

Phúc Minh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thụy Sỹ sắp bỏ phiếu về tặng 2,500 USD/tháng cho người dân (24/05/2016)

>   Vàng sụt liền 4 phiên trước cảnh báo của Fed (24/05/2016)

>   Dầu xuống đáy 1 tuần trước tình trạng dư cung kéo dài trên toàn cầu (24/05/2016)

>   Kịch bản "Brexit" có thể đẩy kinh tế Anh vào suy thoái lâu dài (23/05/2016)

>   Cuộc đối đầu Mỹ-Nhật về tỷ giá (23/05/2016)

>   Brazil: Tương lai bất định (23/05/2016)

>   Doanh nghiệp Mỹ đang nắm 1,7 nghìn tỷ USD tiền mặt (22/05/2016)

>   IMF đã thông qua gói cứu trợ 2,9 tỷ USD dành cho Tunisia (21/05/2016)

>   Vụ Hồ sơ Panama: Guatemala lập cơ quan đặc biệt chống rửa tiền (21/05/2016)

>   Vàng trượt dốc 2 tuần liên tiếp (21/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật