Thứ Năm, 12/05/2016 07:38

Hạ lãi suất không dễ

Ngoài giải pháp kỹ thuật là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, như phân tích của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trên TBKTSG tuần rồi (5-5-2016), còn có cách nào khác để các ngân hàng hạ được lãi suất. TBKTSG tiếp tục ghi nhận ý kiến của giới ngân hàng.

Không giảm tín dụng, đừng nói hạ lãi suất

“Muốn hạ lãi suất phải điều tiết được vốn trong các ngân hàng. Tín dụng tăng thế này, cơ cấu vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị lạm dụng, ngân hàng đang trong tình thế thu hồi vốn vay chưa xong đã phải huy động gấp cho kịp thì khác gì bóc ngắn cắn dài. Tín dụng phải giảm thì mới nói được chuyện giảm lãi suất”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

Nói vậy nhưng vị này cũng cho rằng tín dụng khó mà giảm bởi nếu giảm thì bày ra đống nợ xấu (trên thực tế, khi lãi suất càng tăng lên thì tín dụng (bao gồm nợ xấu đã được đảo) càng phình to). Vậy thì đầu tiên, để hạ lãi suất và để ngành ngân hàng tốt hơn, phải can đảm nhìn vào sự thật nợ xấu và tìm cách giải quyết triệt để.

Sự thật là công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa đến nơi đến chốn mà mới chỉ được hé mở thôi, nếu người điều hành không có bản lĩnh thì nó sẽ bị che lại. Bởi vì những ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, mất hết vốn chưa được cho phá sản. Phá sản một doanh nghiệp, ngân hàng sẽ khiến nhiều người mất tiền nhưng cũng giúp nhiều doanh nghiệp và ngân hàng biết rằng làm ăn chậm mà chắc, dân biết chọn chỗ tốt gửi tiền không tham lãi suất cao nữa.

Bế tắc khai thông nguồn vốn tín dụng

Việc thứ hai trước khi nói đến việc giảm lãi suất, theo ý kiến của nhiều người trong ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần khai thông được nguồn vốn tín dụng, bởi lẽ tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi của cả hệ thống, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, đều đã đến hoặc vượt ngưỡng cho phép theo quy định.

“Vấn đề là các ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết nguồn tiền gửi, tái cấp vốn cũng không giúp các ngân hàng cho vay thêm được, nói gì đến cắt giảm lãi suất”, lãnh đạo một ngân hàng nói.

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến hết tháng 2-2016, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi của cả hệ thống đã lên đến 87,71%. Trong đó, riêng khối ngân hàng gốc quốc doanh là 97,35%, vượt xa so với quy định hiện hành là 90%. Đây là một lý do quan trọng của cuộc đua lãi suất. Nhiều ngân hàng đã vượt tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) cho phép sau cuộc đua tăng trưởng tín dụng năm 2015 nên phải huy động để đưa tỷ lệ này về quy chuẩn.

Như vậy, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho rằng, việc bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng qua kênh tái cấp vốn hầu như không thể tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng. Tương tự là các giải pháp nới lỏng khác của NHNN qua thị trường mở hay thậm chí giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nói cách khác, các nguồn vốn được giải phóng, dù có lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng cũng không thể sử dụng để cấp tín dụng ra ngoài.

Nên nhớ rằng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt gần 18% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của tổng tài sản của hệ thống là 12,35%. Điều này có nghĩa là trong năm 2015, một bộ phận đáng kể tài sản ngoài tín dụng của các ngân hàng thương mại đã chuyển sang tài trợ tín dụng dẫn đến tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi vượt ngưỡng quy định.

Một số đại diện ngân hàng thừa nhận rằng bước sang năm 2016, nguồn tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại chỉ còn trông chờ vào nguồn tiền gửi, bao gồm tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và nguồn phát hành giấy tờ có giá (kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu).

Các ngân hàng hiểu rằng về lý thuyết, nếu bán bớt được nợ xấu cho các nhà đầu tư ngoài khu vực ngân hàng thì họ có thể giải phóng nguồn vốn giải ngân mới, song giải pháp này hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nên chính bản thân ngân hàng không đặt nhiều hy vọng. Đó là lý do dù hệ thống không thiếu thanh khoản, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần qua hạ rất mạnh, song hầu như tất cả ngân hàng đều đã tham gia vào cuộc đua lãi suất huy động vừa qua.

Vay nước ngoài, khe cửa hẹp

Thực tế các ngân hàng thương mại không phải không nỗ lực tìm các khe cửa dù hẹp để giảm sức ép lên lãi suất tiền đồng trong nước mặc dù họ thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế. Các ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã vay nước ngoài với lãi suất cao hơn trong nước mặc dù họ không thiếu thanh khoản và có ngân hàng có hàng tỉ đô la Mỹ gửi ở nước ngoài. “Các khoản vay nước ngoài có tính chất như các khoản tiết kiệm trong nước và NHNN quy định các khoản vay nước ngoài của các tổ chức tín dụng được trừ khỏi tổng dư nợ khi tính tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi và đó là lý do các ngân hàng khi dùng hết nguồn tiết kiệm trong nước cho đầu tư rồi thì phải vay mượn nguồn tiết kiệm của các nước khác”, một lãnh đạo ngân hàng khác giải thích.

Tuy nhiên ông thừa nhận, vay nước ngoài cũng có những hạn chế nhất định, đặc biệt, khi các đối tượng được vay ngoại tệ bị NHNN khống chế. Và nếu chuyển đổi sang tiền đồng để cho vay lại, các ngân hàng thương mại sẽ chịu rủi ro tỷ giá và cũng chỉ thực hiện được ở một mức độ theo quy định về trạng thái ngoại hối.

Đối với đề xuất giảm huy động trái phiếu chính phủ, những người làm ngân hàng cho rằng đây là ý kiến xác đáng. Bộ Tài chính đang là khách hàng lớn nhất, đang đi vay các ngân hàng với khối lượng lớn, trả lãi suất cao và an toàn, thì doanh nghiệp bị hiệu ứng chèn lấn là hiển nhiên. Nhưng ngừng hay giảm huy động trái phiếu với Bộ Tài chính gần như là điều không thể. Họ sẽ hỏi không bán trái phiếu chính phủ bằng nội tệ cho ngân hàng thì lấy đâu ra tiền cho Nhà nước chi tiêu trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay. Phát hành trái phiếu quốc tế, tiết kiệm chi thường xuyên để giảm bội chi là cách tốt nhất để giải quyết tình thế này nhưng hiện còn chưa rõ lựa chọn của nhà quản lý.

Trái với thông tin báo chí trong những ngày qua bày tỏ lạc quan về các giải pháp Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về doanh nghiệp được Chính phủ thảo luận trong phiên họp đầu tháng 5 vừa qua, các giải pháp về tín dụng vẫn còn đang được bỏ ngỏ.

Hồng Phúc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sẽ không trực tiếp siết tín dụng bất động sản? (11/05/2016)

>   Thống đốc: Mong muốn NĐT nước ngoài tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (11/05/2016)

>   SBT phát hành 1,000 tỷ trái phiếu cho TPBank và VIB (11/05/2016)

>   Y án sơ thẩm vụ chiếm đoạt gần 1.000 tỉ của Agribank CN6 (11/05/2016)

>   Nhiều việc đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (11/05/2016)

>   Vàng SJC và tỷ giá trung tâm cùng tăng (11/05/2016)

>   Lãi suất ‘cắt cổ’ sẽ giảm nhờ công ty tài chính? (10/05/2016)

>   Phúc thẩm vụ Agribank CN 6 bị thiệt hại 966 tỉ đồng (10/05/2016)

>   Lãi suất cậy nhờ kỹ thuật (09/05/2016)

>   SCB: Chi phí lãi tăng mạnh, thu nhập lãi thuần giảm 84% cùng kỳ (09/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật