Giá thực phẩm toàn cầu leo thang, ai lợi - ai thiệt?
Giá thực phẩm toàn cầu cao hơn và biến động mạnh hơn có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ bốc hơi lần lượt 161 tỷ USD và 49 tỷ USD, Liên hiệp quốc (UN) cảnh báo hôm thứ Tư, CNBC cho biết.
Hai nền kinh tế mới nổi có quy mô khổng lồ này sẽ bị tác động nặng nề nhất nếu giá thực phẩm tăng gấp đôi, UN cho biết trong báo cáo thực hiện chung với Mạng lưới Vết chân Toàn cầu (GFN), một tổ chức nghiên cứu về thay đổi khí hậu.
Mục đích của các nhà nghiên cứu này là đánh giá các rủi ro về mặt kinh tế đối với thế giới nếu giá thực phẩm ngày càng tăng cao và biến động mạnh hơn. Báo cáo không nêu rõ khung thời gian về tác động ước tính đến tăng trưởng.
UN dự báo cung và cầu thực phẩm sẽ ngày càng trở nên mất cân bằng. Đồng thời tổ chức này cũng cho rằng, mặc dù giá thực phẩm cao hơn sẽ thúc đẩy một số nền kinh tế nhưng tác động chung là khá tiêu cực.
Nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là Mỹ, nhưng chỉ thêm 3.3 tỷ USD, thấp hơn 50 lần so với mức độ tác động đến Trung Quốc.
Các nước có GDP được hưởng lợi nhiều nhất
- Mỹ : 3.3 tỷ USD
- Paraguay : 1.8 tỷ USD
- Australia : 1.5 tỷ USD
- Uruguay : 1.5 tỷ USD
- Brazil : 1.2 tỷ USD
Các nước có GDP bị tác động nặng nề nhất
- Trung Quốc : 161 tỷ USD
- Ấn Độ : 49 tỷ USD
- Nigeria : 41 tỷ USD
- Indonesia : 22 tỷ USD
- Nhật Bản : 19 tỷ USD
Có thể thấy, các quốc gia với xếp hạng tín nhiệm thấp hơn thường bị rủi ro nhiều hơn khi giá thực phẩm tăng vọt. Các nước bị tác động mạnh nhất xét về tỷ lệ % đều là các quốc gia Nam Phi, chẳng hạn như Benin, Nigeria, Bờ biển Ngà, Senegal và Ghana.
Trong khi đó, Egypt, Morocco và Philippines sẽ bị tác động mạnh nhất xét về tổng mức độ ảnh hưởng đến GDP, tài khoản vãng lai và lạm phát./.
|