BoE đối đầu với lạm phát
Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã công bố quyết định điều hành lãi suất và thông báo nội dung cuộc họp của Ủy ban CSTT và báo cáo lạm phát quý. Theo đó, BoE vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp là –0,5% trong khi lạm phát tính theo năm vẫn thấp hơn mức mục tiêu là 2%.
* BoE: Anh đối mặt với nguy cơ bất ổn tài chính nếu rời EU
Tuy nhiên, thị trường cho rằng BoE có thể sẽ phải thay đổi chính sách của mình trong năm nay trước xu hướng gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng và các khoản vay tín dụng. Chỉ số CPI theo năm đến tháng 3/2016 đã tăng 0,5% và xu hướng này đã hình thành từ tháng 10/2015.
Ông Mark Carney, Thống đốc NHTW Anh
|
Lãi suất điều hành của BoE đã được kỳ vọng điều chỉnh tăng từ cuối năm 2015, nhưng sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế và tương lai của thỏa thuận Brexit đã cản trở điều này trên thực tế.
Trong thời gian trước, thị trường dự đoán rằng BoE sẽ tăng lãi suất vào khoảng tháng 2/2017, nhưng với những diễn biến của kinh tế vĩ mô gần đây thì dự đoán đó đã thay đổi, nếu nước Anh chưa rời khỏi EU thì tuyên bố tăng lãi suất điều hành có thể được hiện vào tháng 11/2016.
Dự báo được đưa ra dựa vào tình trạng các điều kiện tín dụng đang được nới lỏng, đặc biệt là các khoản tín dụng thế chấp và lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng.
Hiện tại, các tiêu chuẩn tín dụng dễ dàng hơn đã khuyến khích người dân vay vốn ngân hàng, thậm chí là vay ở mức lớn. Tại hội thảo đầu tư bất động sản được tổ chức tại London vào đầu năm nay, ông Jon Cunliffe, Phó thống đốc ổn định tài chính Anh đã cảnh báo, nước Anh vẫn đang rất khó khăn trong việc khôi phục lại mức độ tăng trưởng tín dụng.
Nhiều ngân hàng ở Anh và liên minh hiệp hội xây dựng nhà đã công bố các giải pháp để công chúng có thể tiếp cận với các khoản vay thế chấp. Ví dụ Barclays sẽ cung cấp 100% khoản vay thế chấp mà không cần khoản tiền đặt cọc, trong khi đó Halifax, Scottish Widows and Nationwide đã nới lỏng một số điều kiện trong việc để phê duyệt tài sản thế chấp. Việc tăng trưởng tín dụng ngày càng mạnh hơn sẽ là một nỗi lo đối với BoE.
Theo báo cáo của BoE, tín dụng tiêu dùng đã tăng rất mạnh trong quý I/2016, trong đó đáng chú ý là các khoản vay mua ô tô và vay thế chấp. Thực tế này đòi hỏi BoE sẽ phải để mắt chặt chẽ hơn bởi vì rủi ro từ những khoản vay này đã góp phần hình thành những thua lỗ của hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận Brexit có thể đẩy nước Anh vào suy thoái trong ngắn hạn, khi đó việc đầu tư giảm mạnh, dòng vốn ra khỏi nền kinh tế gia tăng sẽ để lại những vết thương khó lành cho nền kinh tế Anh.
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế Quốc gia, tăng trưởng kinh tế cũng đã suy giảm khi GDP qua 3 tháng tính đến tháng 4 đã giảm 0, 1% so với 3 tháng trước và xu hướng này có thể vẫn chưa chắc chắn cho tới cuộc trưng cầu ý dân vào đầu tháng 6/2016.
Đồng thời, trong báo cáo lạm phát theo quý của BoE cũng cảnh báo rằng tăng trưởng sẽ chậm lại trong quý II và dự báo tăng trưởng cho 3 năm tới cũng được cắt giảm, lạm phát sẽ đạt ở mức 0,9% nếu nước Anh ở lại EU.
Ngoài ra, BoE đã chính thức cảnh báo rằng việc rời khỏi EU có thể làm tổn thương nền kinh tế, là nguyên nhân dẫn đến cả tăng trưởng và đồng bảng Anh đều suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp suy giảm, thậm chí theo ông Marc Carney, Thống đốc BoE thì rủi ro của việc rời khỏi EU có thể sẽ là một cuộc suy thoái.
Theo giới phân tích thì nước Anh hiện đang đối diện với một cảnh báo hết sức thẳng thắn và rõ ràng từ Ủy ban CSTT cũng như từ Thống đốc NHTW về những rủi ro khi rời khỏi EU, hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc cân bằng giữa một bên là việc ổn định lạm phát với một bên là ổn định sản lượng đầu ra và tỷ lệ thất nghiệp.
Nếu lạm phát tăng cao hoặc là tăng trưởng kinh tế thấp sẽ làm cho thu nhập của các hộ gia đình trong nền kinh tế giảm xuống do số lượng việc làm cũng như các kế sinh nhai suy giảm. Điều đó sẽ làm nước Anh rơi vào thế lose – lose (hai bên cùng bất lợi).
Như vậy, hiện tại BoE đang phải đối mặt với áp lực trong việc điều hành lãi suất: BoE sẽ sớm tăng lãi suất để kiểm soát xu hướng tăng của giá cả hàng hóa tiêu dùng hay tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho tình hình tăng trưởng kinh tế còn yếu ớt và các quyết định rời khỏi EU còn chưa rõ ràng.
Cho dù thực tế có diễn ra như thế nào thì báo cáo lạm phát quý của BoE vẫn lưu ý rằng, ngay cả khi việc bỏ phiếu rời khỏi EU chiếm ưu thế thì Ủy ban CSTT của NHTW Anh cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc lựa chọn thời điểm tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát hoặc kiềm chế lạm phát ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thái Hồng
tbnh
|