[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ Vĩnh Hoàn: Tổng giám đốc Trương Thị Lệ Khanh rời ghế nóng sau 19 năm cương vị
Tổng giám đốc Trương Thị Lệ Khanh sẽ rời vị trí sếp Tổng sau 19 năm cương vị. Thay thế bà là một gương mặt còn khá trẻ - bà Nguyễn Ngô Vi Tâm sinh năm 1979. Sáng 23/05, ĐHĐCĐ thường niên 2016 của CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đã thông qua quyết định bổ nhiệm trên. Đồng thời, Công ty cũng vạch ra kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn 2016-2020.
11h10: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình
10h50: Đại hội tiến hành thảo luận
Tỷ lệ phần trăm phân bổ vùng nuôi của VHC hiện nay?
70% ở Đồng Tháp, còn lại ở Tiền Giang.
Tỷ lệ tự chủ nguyên liệu năm 2016?
Khoảng 50-60%
Nhà máy colagen đạt sản lượng bao nhiêu thì đạt điểm hòa vốn?
Khoảng chạy từ 40-50% công suất thiết kế. Để đạt doanh số năm nay 6 triệu USD thì nhà máy sẽ chạy khoảng 700 tấn thành phẩm trong năm nay và đạt mục tiêu hòa vốn vào cuối năm 2016.
Hiện tượng ngập mặn và El Nino có ảnh hưởng đến VHC không?
Vùng nuôi của VHC ở Đồng Tháp, thượng nguồn sông Tiền nên tỷ lệ ảnh hưởng của Công ty không đáng kể.
Rủi ro và cơ hội khi VHC mở room ngoại 100%?
VHC đang hết sức chủ động nên không có gì rủi ro. Còn cơ hội là thu hút đầu tư, rút ngắn chuỗi phân phối và tiếp cận thị trường.
* VHC sẽ mở room ngoại lên 100% từ ngày 21/02/2016
Trong năm qua, sản lượng tăng trưởng xuất khẩu là bao nhiêu? Tỷ trọng giữa xuất khẩu trực tiếp và qua trung gian như thế nào?
Thị trường Mỹ thì VHC có lợi thế về thuế; EU thì có lợi thế thương hiệu lớn, sản phẩm chất lượng cao.
Giá bán bình quân của VHC nhiều năm qua luôn cao hơn toàn ngành. Mục tiêu sắp tới của VHC là bán được giá cao. Những năm qua mức giá bán của VHC sẽ tăng giảm theo chi phí nhưng khoảng cách giá vẫn đang an toàn ở trên so với chi phí. Sắp tới, sản phẩm cá tra sẽ không còn phụ thuộc vào giá trị đầu vào nữa.
Ngày 26/11/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo sẽ chính thức triển khai quy định mới về Chương trình thanh tra cá da trơn (Farm Bill) từ tháng 3/2016, theo đó cho phép lộ trình chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất cá da trơn vào Mỹ. Từ đây đến ngày 01/09/2017, Việt Nam phải gửi tài liệu để chứng minh Việt Nam có một hệ thống kiểm tra ở nơi sản xuất và có tiêu chuẩn tương đồng với Mỹ cho Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm (FSIS). Nếu FSIS xác định rằng tài liệu phía Việt Nam tương đồng với chương trình của FSIS, FSIS sẽ tiến hành thanh tra thực địa hệ thống tiêu chuẩn tương đồng mà phía Việt Nam cung cấp. Trong thời gian chờ FSIS đánh giá, các công ty Việt Nam vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu cá tra vào Mỹ.
Xét về mặt kỹ thuật, tháng 4 vừa qua, VHC có tiếp đoàn USDA đầu tiên thăm nhà máy. Sau đó, đối tác nhận xét những gì họ thấy không nằm ngoài dự đoán, về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm. USDA đến và giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có được nguồn hàng đi vào thị trường Mỹ đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Hiện VHC đang làm việc với các bên tư vấn trong việc nộp hồ sơ về mặt tương đồng với phía Mỹ.
Việc thuế bán phá giá cũng là rào cản thương mại mà VHC đã vượt qua. Song song với mặt trận về kỹ thuật, VHC có nhiều nỗ lực thúc đẩy tự do thương mại.
Chuyển giao quyền lực
10h40: Theo thông tin từ báo cáo thường niên năm 2015, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tân Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn (từ 01/06/2016)
|
Bà sinh năm 1979, là cử nhân luật, thạc sỹ quản trị kinh doanh, bà đã công tác tại Vĩnh Hoàn được 13 năm. Tính đến cuối năm 2015, bà Tâm đang nắm giữ 108,349 cp VHC.
Trước bà Tâm, vị trí Tổng giám đốc do bà Trương Thị Lệ Khanh (sinh năm 1961) đảm nhận. Bà Khanh là người sáng lập Vĩnh Hoàn và giữ vị trí Tổng giám đốc đến nay là 19 năm.
10h20: Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trương Thị Lệ Khanh cho biết, trong đại hội này, HĐQT quyết định có những thay đổi về nhân sự, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm sẽ được giữ chức Tổng Giám đốc VHC kể từ ngày 01/06/2016.
9h50: Đại hội tiến hành bầu bổ sung thành viên BKS
Ông Nguyễn Ngọc Thành (hiện đang công tác tại Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C) thay thế ông Phạm Lâm Triều (Trưởng BKS) từ nhiệm.
9h15: Thành viên HĐQT Nguyễn Ngô Vi Tâm báo cáo hoạt động 2015, kế hoạch 2016 và tầm nhìn 2020
Mặt hàng chủ lực của VHC là cá tra, đến nay Công ty đã đạt được 18% thị phần toàn ngành. Quy mô sản xuất dựa trên tính chất khép kín.
Ban lãnh đạo Công ty đưa ra chiến lược phát triển đến năm 2020 với hướng đi làm sao để cải thiện biên lợi nhuận theo hướng tạo ra nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2016-2020, Công ty nhận thấy người tiêu dùng cần có cả 2 thứ là ăn ngon và bảo vệ môi trường, theo đó, VHC đặt ra 4 chiến lược:
- Thương hiệu cho Công ty, hướng đến xây dựng VHC là doanh nghiệp thủy sản bền vững
- Mở rộng mạng lưới bán hàng toàn cầu
- Đa dạng mặt hàng, sản phẩm kinh doanh
- Thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu
Song song đó, VHC sẽ thực hiện kiện toàn việc quản trị và kiểm soát nội bộ.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2016-2020 của VHC
|
Trong tiềm năng ngành thủy sản của thế giới, VHC đặt mục tiêu phát triển thương hiệu sản phẩm, giá trị gia tăng cho sản phẩm để cải thiện biên lợi nhuận.
Với việc mở rộng mạng lưới bán hàng, thị trường Mỹ sẽ phát triển thêm cá chẽm (loại thủy sản mang lại biên lợi nhuận cao nhất hiện nay cho VHC) và rô phi; thị trường EU sẽ dẫn đầu sản phẩm cao cấp. Ngoài ra, với thị trường Trung Quốc, văn phòng của VHC đã bán được hàng trực tiếp cho các nhà hàng tại đây. Trong quý 1/2016, doanh số đã tăng trưởng 150% so với cùng kỳ. Thị trường lớn khác là Nam Mỹ, chiến lược của Công ty là tìm cơ hội phân phối sản phẩm tại các siêu thị. Trong khi đó, thị trường Nhật, hiện Công ty đã phát triển tốt mặc dù sản lượng còn nhỏ so với thị trường khác, tuy nhiên sản phẩm cá tra tại đây được nhận thấy rất phù hợp cho người trẻ tại Nhật.
Chiến lược đa dạng sản phẩm, năm 2016 VHC đặt mục tiêu 6 triệu USD cho mảng colagen và gelatin, riêng quý 1 đã đạt hơn 300,000 USD. Điều này góp phần gia tăng biên lãi gộp cho Công ty bởi đây là những sản phẩm có biên lãi gộp cao. Công ty cũng bắt đầu nuôi trồng và phát triển thủy sản khác như cá chẽm, tilapia (rô phi), tôm.
Sắp tới, VHC cũng thực hiện M&A dựa trên lợi thế cốt lõi của mình là năng lực phát triển giá trị gia tăng sản phẩm, quy trình sản xuất khép kín... Hoạt động M&A sẽ theo hai hướng: mở rộng thị trường toàn cầu thông qua M&A với các công ty nước ngoài và M&A với các công ty trong nước để phát triển vùng nguyên liệu.
9h05: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của 119 cổ đông, đại diện cho 77.49% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của VHC sáng ngày 23/05 tại TP.HCM
|
TRƯỚC ĐẠI HỘI
Kế hoạch lãi ròng 350 tỷ, cổ tức tối đa 20%
Theo tài liệu đại hội được công bố trước đó, năm 2016 VHC dự kiến trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ từ 15-20%.
Bên cạnh đó, nếu lợi nhuận sau thuế 2016 (350 tỷ đồng) đạt từ 90% kế hoạch trở lên, VHC dự kiến sẽ thưởng cho ban điều hành 20 tỷ đồng. Đối với phần lợi nhuận vượt kế hoạch, tỷ lệ khen thưởng sẽ là 20% cho phần lợi nhuận vượt kế hoạch nhưng không quá 20 tỷ đồng. Tỷ lệ và đối tượng cụ thể được chia thưởng sẽ do ban giám đốc quyết định nhằm khuyến khích và thu hút nhân tài cho Công ty.
Ngoài ra, VHC cũng trình cổ đông về mức thù lao HĐQT và BKS trong năm 2015 là 3.9 tỷ đồng, kế hoạch 2016 là hơn 4.2 tỷ đồng.
Tuy không đề cập về kế hoạch doanh thu trong tài liệu trước khi diễn ra đại hội nhưng theo báo cáo thường niên (BCTN) 2015 thì năm 2016, VHC đặt kế hoạch doanh thu 7,689 tỷ đồng, tăng 18% so với kết quả 2015. Trong đó, doanh thu từ thủy sản và bột mỡ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn, trên 95% tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh thu từ colagen và gelatin sẽ tăng mạnh từ 26 lên 138 tỷ đồng. Ngược lại thì doanh thu từ gạo sẽ giảm hơn 65%, còn 12 tỷ đồng.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của VHC trong năm 2016
Nguồn: BCTN 2015 của VHC
Kế hoạch doanh thu các loại thủy sản mới
của VHC giai đoạn 2016-2018
Nguồn số liệu: BCTN 2015 của VHC
|
|
Ngoài sản phẩm cá tra thì hiện VHC còn sản xuất và bán cá chẽm, cá tilapia và tôm. Trong đó, cá chẽm được Công ty đánh giá là sản phẩm ổn định và nhiều tiềm năng mở rộng trong tương lai. Cá tilapia được coi là sự khởi đầu thuận lợi vì VHC có thị trường Mỹ, vấn đề gia tăng doanh thu từ sản phẩm này chỉ là thời gian để bán thêm hàng và xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận. Với tôm, ngoài hỗ trợ Cửu Long Seapro (CLP) trong xây dựng vùng nuôi thì VHC chỉ tận dụng kênh bán hàng hiện có để tạo thêm doanh thu cho Công ty mẹ. Chiến lược cho mảng tôm của VHC là làm sao giảm thiểu rủi ro do về nguồn nguyên liệu trong khi vẫn phát triển được doanh thu và thu lợi nhuận cho Công ty mẹ.
* VHC tiết lộ lý do bán bớt 36% vốn tại Thủy sản Cửu Long
Cũng theo báo cáo thường niên thì năm 2016, VHC dự kiến sẽ đầu tư 495 tỷ đồng để xây mở rộng và nâng cấp nhà máy chế biến thủy sản và xưởng bột mỡ cá; 20 tỷ đồng cho xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị các hạng mục còn lại của nhà máy Vĩnh Hoàn 5; 65 tỷ đồng xây dựng và mở rộng vùng nuôi.
Được biết quý 1 vừa qua, VHC đạt doanh thu hơn 1,600 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2015; lãi ròng đạt khoảng 101 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%.
Năm 2015, với kết quả lãi ròng đạt gần 323 tỷ đồng, VHC dành ra 20 tỷ để khen thưởng cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt, có năng lực. Đồng thời, trả cổ tức 2015 bằng tiền với tỷ lệ là 15% (đã tạm ứng 10% trong năm 2015, tương đương 92.4 tỷ đồng)./.
|