Thứ Ba, 17/05/2016 11:07

Cổ phiếu mía đường: Nắng mưa là chuyện của trời, mía ngon mía ngọt gặt mùa bội thu

Trong 3 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp niêm yết mía đường Việt Nam chứng kiến vụ kinh doanh đầy khởi sắc, cùng với đó giá cổ phiếu mía đường cũng thăng hoa. Tuy nhiên, vẫn khó mỉm cười được với thành quả này bởi ngành đường vẫn ngổn ngang những khó khăn phải vượt qua.

Trong kỳ này, giá đường thế giới cũng đạt một kỷ lục ấn tượng. Cuối tháng 2/2016, các hợp đồng đường tương lai trên sàn Intercontinental Exchange đã ghi nhận phiên tăng giá mạnh nhất trong gần 23 năm qua trước nỗi lo thiếu đường do thời tiết khắc nghiệt.

Thắng lớn nhờ sáp nhập và tăng giá bán

Cụ thể, trong niên độ tài chính từ ngày 01/01 đến 31/03/2016, cả 5 doanh nghiệp niêm yết mía đường ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Trong đó, tổng doanh thu đạt gần 3,380 tỷ đồng, tăng trưởng trên 80% so với cùng kỳ 2015; lãi gộp đạt gần 470 tỷ đồng, tăng 89%.

Doanh thu thuần và lãi gộp của các DNNY mía đường

5 doanh nghiệp đều tăng trưởng doanh thu, trong đó có đến 3/5 doanh nghiệp đạt doanh thu gấp đôi. Kết quả này xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân chính là việc tăng sản lượng, giá bán các sản phẩm so với cùng kỳ và việc sáp nhập trong ngành.

* BHS: Họp ĐHĐCĐ bất thường về tiến độ sáp nhập NHS

* SBT nhận sáp nhập SEC theo tỷ lệ hoán đổi 1:1.05, cổ đông được gì?

Nếu tính đến doanh thu NHSSEC trong 3 tháng đầu năm 2015 để so sánh thì kết quả 2016 toàn ngành vẫn đạt mức tăng hơn 30% về doanh thu; lãi gộp tăng 40%; lãi ròng tăng hơn 220% (NHS đã bị lỗ nặng 45 tỷ đồng vào cùng kỳ 2015).

Cụ thể, Mía đường Thành Thành Công (SBT) đạt doanh thu trên 1,240 tỷ đồng, gấp 2.2 lần cùng kỳ 2015 nhờ vào việc nhận sáp nhập Mía đường Gia Lai (SEC) vào tháng 10/2015. Tương tự, ông lớn Đường Biên Hòa (BHS) đạt doanh thu 1,175 tỷ đồng, tăng 55% nhờ sáp nhập với Đường Ninh Hòa (NHS).

Trong khi đó, Mía đường Lam Sơn (LSS), Mía đường Kom Tum (KTS), Mía đường Sơn La (SLS) tăng trưởng doanh thu lần lượt 104%, 103% và 29% nhờ vào tăng sản lượng, giá bán và giảm giá thành. Giá thành sản xuất đường bình quân 3 tháng đầu năm 2016 của SLS giảm hơn 2%, trong khi giá bán đường tăng 23% và mật rỉ tăng 7% so với cùng kỳ 2015. Giá bán đường và mật của KTS cùng tăng 15%.

Giá bán được cải thiện đã giúp cho biên lãi gộp của các doanh nghiệp đều đạt từ 10-20%.

Qua đó, ghi nhận lãi ròng của các doanh nghiệp đạt 210 tỷ đồng, gấp 2.2 lần cùng kỳ. Biên lãi ròng ngành được cải thiện từ 5% lên 6%. Trong đó, 3 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lãi ròng cao nhất là LSS từ gần 900 triệu lên khoảng 24 tỷ, KTS từ 7 lên 27.6 tỷ, SLS từ 12 lên 47.7 tỷ đồng.

Biên lãi gộp của các DNNY mía đường

Lãi ròng từ ngày 01/01 – 31/03 của DNNY mía đường

Tổng tài sản tính đến 31/03/2016 của DNNY mía đường

 

Ngoài kết quả kinh doanh đầy khởi sắc thì quy mô tài sản của các DNNY mía đường cũng tăng đáng kể. Tính đến cuối tháng 3/2016, tổng tài sản của 5 doanh nghiệp là gần 15,920 tỷ đồng, tăng 85%. Song song đó, các khoản mục như tiền và tương đương tiền, phải thu ngắn hạn, tồn kho, nợ phải trả cũng tăng lên trên 70%. Như đề cập ở phần trên, việc sáp nhập đã tăng quy mô tài sản cũng như nguồn vốn.

Xét riêng về tồn kho, chỉ tiêu này lên gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng, gần 3,850 tỷ đồng. Tăng nhiều nhất là KTS với khoảng 5 lần; trong khi đó, quy mô tồn kho nhiều nhất thuộc về SBT với 1,658 tỷ đồng, kế đến là BHS 1,330 tỷ đồng nhờ vào sáp nhập.

Tồn kho tính đến 31/03/2016 của DNNY mía đường

 

Theo báo cáo triển vọng các ngành của VCBS vào tháng 1/2016, sản lượng đường thế giới vụ 2015-2016 dự báo sẽ thiếu hụt trên 3.5 triệu tấn sau 5 năm thặng dư. Nguyên nhân do hiện tượng El Nino có thể làm giảm lượng đường sản xuất từ các nước xuất khẩu chính ở châu Á. Mặt khác, nhu cầu thế giới vẫn tăng đều đặn 2%/năm do ngành công nghiệp thực phẩm châu Á phát triển mạnh. Trong khi đó, tại Việt Nam, đường nhập khẩu trong hạn ngạch WTO và từ Lào vẫn sẽ tăng trong 2016, do đó, cung-cầu trong nước dự báo sẽ giữ ở mức cân bằng.

Ngoài ra, VCBS cũng đề cập việc gia nhập Hiệp định TPP sẽ khiến giá đường cạnh tranh gay gắt trong 3 năm tới. Vì vậy, doanh nghiệp mía đường Việt Nam cần ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất. SBT đã sang Campuchia thuê đất trồng khoảng 3,000 ha đường cho niên vụ 2015-2016.  Bên cạnh đó, nhà máy của SLS sẽ mở rộng công suất thêm 17%.

Chưa thể vội mừng

Kết quả kinh doanh cho thấy chi phí tài chính trong 3 tháng đầu năm 2016 của DNNY mía đường đã tăng hơn 70% cùng kỳ. Điều này phản ánh nợ vay (chiếm khoảng 80% nợ phải trả) của các doanh nghiệp đang trong xu hướng tăng. So với đầu năm, tổng nợ vay đã tăng 140%, lên hơn 7,400 tỷ đồng. Không tính đến việc sáp nhập của BHS và NHS, thì bản thân SBT cũng đã tăng nợ vay từ khoảng 1,180 lên hơn 3,900 tỷ đồng; LSS là 930 tỷ, tăng 27%; KTS cũng đã bắt đầu đi vay nợ với 13 tỷ đồng.

Nợ vay tính đến 31/03/2016 của các DNNY mía đường

Đầu tháng 4 vừa qua, lo ngại nguồn cung từ Brazil đã khiến giá đường thô tại New York giảm 3.6%, mức thấp nhất trong 3 tuần trước đó. Ngoài TPP như đề cập ở trên, ngành mía đường Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nạn buôn lậu đường, chi phí sản xuất cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới, bài toán liên kết giữa người nông dân với nhà máy đường cùng diễn biến phức tạp của thời tiết,…

Vẫn còn chưa quên sự việc cháy nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh vào tháng 4 vừa qua… Trong khi đó, ban lãnh đạo KTS đánh giá 2016 sẽ là năm hết sức khó khăn khi vùng nguyên liệu tỉnh Kom Tum đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, sự cạnh tranh với các loài cây trồng khác và tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của cư dân…

Có thể thấy, nhiều khó khăn vẫn còn trước mắt đối với ngành mía đường nhưng ngành này cũng đã tạo được những thành quả nhất định. Hiện tại Tập đoàn Thành Thành Công, đơn vị sở hữu 8 nhà máy mía đường và chiếm khoảng 30% thị phần tại Việt Nam, vẫn đang trong vai trò “đầu tàu” tìm kiếm chỗ đứng cho mía đường Việt Nam . Trong một sự kiện vào những ngày đầu tháng 5/2016 của đơn vị thành viên SBT, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn cho biết, ngành mía đường Việt Nam sẽ chính thức có tiếng nói trong khu vực kể từ năm 2018.

Trước mắt có thể thấy, trong những tháng đầu năm 2016, cổ phiếu ngành mía đường đã có sự chuyển biến mạnh về giá. Thống kê 3 tháng gần đây (từ 12/02 đến 13/05) cho thấy cả 5 mà cp đều tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là KTS với hơn 220% chỉ trong 3 tháng, BHS không nổi cộm về giá nhưng thanh khoản mạnh trở lại khi đạt khối lượng bình quân hơn 3 triệu đơn vị/phiên.

Diễn biến cp mía đường trong 3 tháng gần đây

 

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ Mía đường Sơn La: Cổ tức 2015 tỷ lệ 87%, cổ tức 2016 mục tiêu 60% (17/05/2016)

>   DCD: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (17/05/2016)

>   DTN: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (17/05/2016)

>   HSG: Thông báo thành lập các chi nhánh mới tại Ngã Năm - Sóc Trăng, Giao Thủy - Nam Định và Tân Lạc - Hòa Bình (17/05/2016)

>   HSG: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh tại Dĩ An - Bình Dương (17/05/2016)

>   JVC: Hợp nhất quý 4 lỗ hơn 100 tỷ đồng (17/05/2016)

>   ĐHĐCĐ VNH lần 2: Vẫn ở trong cảnh “đồng không mông quạnh” (17/05/2016)

>   Ngân hàng Nhà nước chấp thuận 'cứu' bầu Đức (17/05/2016)

>   DHC: BCTC Quý 01.2015 (17/05/2016)

>   KDH: BCTC Quý 02.2015 (16/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật