ĐHĐCĐ VNH lần 2: Vẫn ở trong cảnh “đồng không mông quạnh”
Sau lần đầu bất thành, sáng ngày 16/06, CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (HOSE: VNH) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 lần thứ hai. Tuy nhiên, số cổ đông tham dự chỉ có 3 người trên tổng số 1,187 cổ đông được mời tham dự, trong đó đến 2 người là thành viên ban lãnh đạo Công ty.
* VNH - Vì đâu nên nỗi?
Những cuộc hẹn bất thành
Tại đại hội lần này, số cổ đông và người đại diện được ủy quyền tham dự là 3 cổ đông, đại diện cho 286,539 cp và chiếm 3.57% số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đó, ban lãnh đạo của VNH là 2 người gồm có: ông Nguyễn Văn Nhựt - Chủ tịch HĐQT, bà Kiều Thị Nguyễn Tuyết – Thành viên Ban kiểm soát.
Tương tự như các đại hội trước, cuộc họp ĐHĐCĐ trở thành buổi họp của các thành viên HĐQT và BKS của Công ty.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, ĐHĐCĐ thường niên của VNH luôn trong tình trạng “thiếu vắng” cổ đông. Lượng cổ đông tham dự chưa vượt quá con số 22% số cổ phần có quyền biểu quyết kể từ năm 2014 và các đại hội gần đây chỉ xấp xỉ 1 – 2% số cổ phần có quyền biểu quyết với khoảng 6 – 7 cổ đông tham dự trên tổng số gần 1,200 cổ đông được mời.
VNH dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 3 năm 2016 vào ngày 01/06/2016. Đại hội sẽ thông qua báo cáo năm 2015, phương án phân phối lợi nhuận 2015 và các chỉ tiêu kế hoạch SXKD 2016.
Mặc dù kết quả 2015 chỉ đạt 11 tỷ đồng doanh thu, tương ứng 19% kế hoạch năm và kinh doanh thua lỗ gần 7 tỷ đồng, VNH vẫn tự tin đặt kế hoạch doanh thu 2016 ở mức 60 tỷ đồng (theo tờ trình đại hội), lãi sau thuế 4.5 tỷ đồng và cổ tức 4%.
Doanh nghiệp trong tình trạng “chết lâm sàng”
Kết quả SXKD giai đoạn 2012 – 2015 (Đvt: Triệu đồng)
Giai đoạn 2012 – 2015, doanh thu thuần của VNH trượt dốc, nhiều quý không có doanh thu; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ trong 3 năm. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế đạt 6 tỷ đồng, tuy nhiên kết quả khả quan này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ khoản lãi thu được do chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản.
Được biết, từ tháng 11/2013, công ty đã hoàn tất chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và máy móc thiết bị tại địa chỉ C34/1 đường số 2G, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP.HCM cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và thu về 55. 6 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng vào ngày 31/12/2003, đồng thời thoái vốn khỏi Đồ hộp Phú Nhật.
Nhà máy không còn, hiện công ty chỉ duy trì hoạt động kinh doanh thương mại, trong đó chủ yếu là kinh doanh hàng nông sản và cá ngừ đóng hộp. Kế hoạch chuyển hướng đầu tư thông qua thỏa thuận với Công ty Internet Services – Nhật Bản để hợp tác sản xuất kinh doanh mặt hàng bột nêm tại khu công nghiệp Phú An Thạnh – Long An đã ký kết vào cuối năm 2013, tuy nhiên từ đó đến nay dự án này vẫn còn bỏ ngỏ. Nhân sự bị cắt giảm khá nhiều để giảm chi phí nhân công và hoạt động kinh doanh chỉ tồn tại “cầm chừng”. Hiện nhân sự của VNH chỉ còn dưới 10 người, tập trung ở các phòng kế toán, nhân sự, xuất nhập khẩu.
Những nguyên nhân thua lỗ như lãi vay ở mức cao, thiếu vốn sản xuất, thiếu nguyên liệu, khả năng cạnh tranh yếu hơn về giá nguyên liệu và khả năng cung cấp luôn được đề cập trong các báo cáo thường niên của Công ty. Kế hoạch đặt ra hàng năm luôn ở mức cao, nhưng từ năm 2009 đến nay, hầu hết mức thực hiện đều thua xa kế hoạch. Câu trả lời làm sao để gia tăng đơn hàng, gia tăng khả năng cạnh tranh, cải thiện hoạt động kinh doanh và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra vẫn còn là một dấu hỏi lớn dành cho VNH.
Báo cáo tài chính quý 1/2016 của VNH ghi nhận doanh thu thuần gần 11 tỷ đồng và kết quả tiếp tục lỗ 968 triệu đồng. Như vậy, Công ty đã trải qua quý thứ 9 liên tiếp thua lỗ kể từ quý 1/2014. Cổ phiếu VNH đã phải vào diện kiểm soát kể từ ngày 30/03/2016 do lỗ 2 năm liên tiếp. Tính đến 31/03/2016, VNH lỗ lũy kế lên đến 60 tỷ đồng. Được biết vốn đầu tư chủ sở hữu của Công ty hiện là hơn 80 tỷ đồng./.
|