TS Nguyễn Đình Cung: Ở đâu cũng có biểu hiện tận thu
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nhiều doanh nghiệp phá sản vì chi phí ngày càng tăng lên, trong khi lợi nhuận ngày càng mỏng.
Thời gian gần đây, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tại Việt Nam ngày càng nhiều. Riêng quý I/2016, đã có hơn 22.000 doanh nghiệp đóng cửa. Số doanh nghiệp thành lập mới chr hơn số doanh nghiệp đóng cửa vài ngàn và xu hướng số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa lại có xu hướng tăng lên.
Báo Dân trí dẫn lời TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định đây là dấu hiệu rất bất thường và đáng buồn. Ai nói bình thường là tự an ủi nhau, là vô trách nhiệm.
"Nhiều người nói các doanh nghiệp phá sản đa phần nhỏ, bé hoạt động không tuân thủ theo quy luật thị trường "ăn xổi, ở thì" nhưng số đó rất ít. Số doanh nghiệp chết vì chi phí của họ ngày càng tăng lên như lãi suất, thuế, phí và các khoản ngoài phí, trong khi đó lợi nhuận của họ ngày càng mỏng, ngày càng bị đối thủ nước ngoài chiếm hết", vị chuyên gia chỉ rõ.
Nhiều doanh nghiệp kêu trời vì các loại phí không chính thức
|
Viện trưởng CIEM thẳng thắn nói rằng, ở đâu ông cũng thấy đang có biểu hiện tận thu.
"Có những khoản trước đây người ta cho rằng không phải thu, nhưng bây giờ thu. Có những khoản trước đây là chi phí hợp lý, hợp lệ, giờ bảo không phải. Có những khoản đang cần thu ngân sách thì bảo ông nộp tạm cho tôi, năm sau tôi khấu trừ. Tôi đang lo thuế môn bài tăng lên, thuế môi trường trong xăng dầu cũng vậy.
Tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi luôn thấy chỉ thu và thu: từ chi phí vận tải, mọi trận địa đối với doanh nghiệp chỉ thấy tăng tăng và tăng, không thấy chỗ nào giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp...
(...) Tôi nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ tại sao doan nghiệp giải thể nhiều đến thế là do một thời gian sức lực của doanh nghiệp tư nhân trong nước bị xói mòn, hao tổn đi rất lớn, do bất ổn kinh tế vĩ mô. Đến khi mình khắc phục lại, sức khỏe, năng lực tài chính của doanh nghiệp tư nhân mới lớn lên lại vướng vào hàng rào thuế, phí. Đáng lẽ thời kỳ này phải là thời kỳ nuôi dưỡng, nâng đỡ và tạo ra một tinh thần khởi sự, khởi nghiệp thì không nhìn thấy những động lực như vậy", TS Nguyễn Thành Cung phân tích.
Những trăn trở về gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ trong một buổi hội thảo do CIEM tổ chức vào cuối tháng 10 năm ngoái. Khi ấy, bà lo lắng, ngân sách hiện nay đã không còn tiền để đầu tư và đây là điều nguy hiểm. Ngân sách khó khăn đến mức "tận diệt" doanh nghiệp chứ không phải là tận thu nữa, nhiều doanh nghiệp không còn sức để làm ăn.
Còn trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 vừa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Mỹ (US-Aid) công bố hôm 31/3 vừa qua đã đưa ra con số, 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là “phổ biến”, và nhiều đơn vị mất hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức.
“Số điểm của chi phí không chính thức tiếp tục giảm, tức là các doanh nghiệp đang phải mất tiền bôi trơn nhiều lên. Đây là vấn đề lớn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI nói.
“Sự gia tăng chi phí không chính thức là điểm mà doanh nghiệp e ngại nhất trong xu hướng tiêu cực, bên cạnh sự bất bình đẳng giữa các công ty Nhà nước – tư nhân cũng như sự thiên vị mà cơ quan công quyền dành cho các doanh nghiệp lớn”, báo cáo nhận định.
Minh Thái (Tổng hợp)
Đất Việt
|