Siêu dự án thép Dung Quất: Cảnh giác với chủ đầu tư
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, chủ đầu tư dự án thép Quảng Liên (Guang Lian) tiền hậu bất nhất nên không thể tin.
Mất niềm tin
Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư dự án thép tỷ đô Quảng Liên ở KKT Dung Quất đang muốn quay trở lại đầu tư dự án thép mà chính họ đã tuyên bố không có khả năng tài chính để tiếp tục theo đuổi hồi tháng 7/2015. Thông tin trên báo chí cho hay, Ban quản lý KKT Dung Quất và nhà đầu tư Quảng Liên đã có cuộc làm việc liên quan đến nội dung này. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các sở, ngành chức năng trong tỉnh kiên quyết thu hồi dự án thép Quảng Liên.
Đánh giá về động thái của chủ đầu tư dự án thép Quảng Liên, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, bản thân ông đã mất niềm tin với chủ đầu tư dự án này và khả năng tài chính của nhà đầu tư này là không có.
Đất dự án thép Quảng Liên bị biến thành bãi đất chăn thả bò trong thời gian chậm trễ triển khai. Ảnh: VnExpress
|
"Ngay trên đất Đài Loan (Trung Quốc), người ta cũng không cho E-United là doanh nghiệp có uy tín vì doanh nghiệp này rất nhỏ và chỉ có một công trình rất nhỏ ở Thái Lan. Xét ở phương diện xây dựng khu liên hợp thép, cái đầu tiên trong danh mục đầu tư của tập đoàn, E-Unitel không có chút kinh nghiệm nào. Và vì đầu tư nhỏ nên tập đoàn này không có vốn.
Tôi rất nghi ngờ vốn của tập đoàn E-United vì sau 3-4 năm, họ mới dựng được chưa đến 100 cổng để giữ khoảng 500ha đất trong cả một giai đoạn rất dài, người dân bị đuổi đi rồi lại quay lại canh tác rồi lại bị đuổi đi..., niềm tin với đối tác này đã bị mất hết.
E-United từng nói sẽ tìm cách liên doanh với một doanh nghiệp khác ở Trung Quốc nhưng khi tôi đi họp, đã gặp doanh nghiệp phía Trung Quốc và và họ nói rằng họ thiếu gì tiền mà phải đi liên doanh với E-United. Tập đoàn Đài Loan lại mời cả tập đoàn sản xuất thép JFE nổi tiếng của Nhật Bản vào liên doanh nhưng sau đó JFE cũng thông báo không tham gia đầu tư vào dự án. Phía Quảng Ngãi đã mất tin tưởng vào tập đoàn Đài Loan, ép mãi cuối cùng tập đoàn này mới bật ra được, giờ họ quay trở lại thì phải rất cảnh giác với khả năng tài chính của họ.
Đã có lần E-United đối phó với chuyện phía Việt Nam nghi ngờ, gây sức ép với tập đoàn này về mặt tài chính bằng cách nói họ đi ký vay tiền của ngân hàng Trung Quốc, sau đó còn định mua cả vé máy bay mời đại diện phía Việt Nam sang chứng kiến việc ký kết giữa tập đoàn với ngân hàng Trung Quốc để lấy niềm tin của Việt Nam về khả năng tài chính của họ đã có sự bảo đảm của ngân hàng. Nhưng đến phút chót, họ lại hủy việc này.
Rõ ràng, E-United tiền hậu bất nhất từ đầu đến cuối nên không được tin đối tác này", ông Phạm Chí Cường thẳng thắn.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng lưu ý, nếu tập đoàn E-United tuyên bố họ có đủ vốn để đầu tư dự án thép Quảng Liên thì phải xem kỹ càng vốn đó là cái gì, vay của ngân hàng nào, chữ ký của ngân hàng về thỏa thuận cho vay phải rõ ràng, sản phẩm của họ là cái gì, nếu trùng với 5 sản phẩm chúng ta đã có thì tốt nhất là nên bỏ dự án, đừng gây phiền hà mất thời gian cho chính mình.
"Có thể Quảng Ngãi đã trót thu hồi 500 ha đất của người dân và đã phải đền bù rất tốn kém, giờ chính quyền bị sức ép bởi suốt bao nhiêu năm để dự án treo, người dân nghi ngờ uy tín của lãnh đạo nên họ mới dập dình. Còn theo tôi, tốt nhất là không cần phải nói chuyện với tập đoàn Đài Loan làm gì nữa bởi họ đã làm mất niềm tin quá nhiều, cuối cùng chỉ người dân chịu thiệt", ông Cường nói.
Thà đau một lần...
Nói thêm về lý do không nên kéo dài siêu dự án thép ở KKT Dung Quất, ông Phạm Chí Cường cho biết, toàn thế giới đang khủng hoảng thừa về thép, Việt Nam đã làm một khu liên hợp thép rất lớn là Formosa Hà Tĩnh nên không nên đầu tư về thép nữa, sẽ chỉ khó khăn thêm mà thôi.
Đất Việt
|