Thứ Tư, 13/04/2016 07:59

31 doanh nghiệp và mặt hàng Việt Nam bị “cảnh báo nhập khẩu”

Theo Bộ Công Thương, từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) chính thức có hiệu lực cuối năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng liên tục với tốc độ cao từ 452 triệu USD (1995) lên 37,9 tỉ USD (2015). Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam (VN) là đối tượng của 31 “cảnh báo nhập khẩu” tại Mỹ; đồng thời, các DN đang vấp phải các yêu cầu khắt khe với thủy sản, thực phẩm, dược phẩm ngay từ khâu gieo trồng, nuôi con giống để đáp ứng “tiêu chuẩn Mỹ”.

Theo quy định, FDA chỉ lựa chọn kiểm tra chất lượng 2% số chuyến hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

“Nhọc nhằn” tìm đường sang Mỹ

Tại hội thảo “Cơ hội xuất khẩu (XK) sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm tuy được đánh giá là những mặt hàng XK chính của VN sang Hoa Kỳ nhưng hiện vẫn đang có mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các DN VN chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường này.

Theo ông David Lennarz - hướng dẫn viên chuyên trách của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA), hiện có 31 DN và mặt hàng của VN XK sang Hoa Kỳ đang nằm trong danh sách “cảnh báo nhập khẩu”, có thể bị lưu giữ mà không cần qua kiểm tra thực tế. Một trong các lỗi thường mắc phải là quy cách ghi nhãn thực phẩm và nguyên liệu chưa tuân thủ theo đúng quy định của FDA, quy cách ghi nhãn hàng không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận…

Chưa kể, FDA yêu cầu tất cả các DN khi XK hàng thực phẩm và đồ uống, dược phẩm cho người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký người đại diện tại Hoa Kỳ. Theo quy định, cứ 2 năm một lần, các DN XK vào thị trường này sẽ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Hoa Kỳ với FDA để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới…

Bên cạnh đó, ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong VN thừa nhận, việc có quá nhiều công đoạn kiểm tra làm phát sinh chi phí khi XK. Đơn cử như để XK 1 container mật ong sang Mỹ hay Châu Âu phải mất 4 - 5 lần kiểm tra chất lượng tại phòng thí nghiệm của DN, phòng thí nghiệm trong nước, kiểm tra lô hàng trước khi XK, khách hàng kiểm tra, FDA và người mua lại của nhà nhập khẩu cũng kiểm tra...

“Nếu lần đầu tiên chúng tôi XK mật ong sang Mỹ chỉ có 4 - 5 chỉ tiêu thì nay con số này đã lên tới 24 - 25. Mỗi lần kiểm tra như vậy mất khoảng 30 triệu đồng, tương đương 19 tấn mật ong” - ông Tâm cho hay.

Đảm bảo tiêu chuẩn Mỹ từ khâu sản xuất

Đưa ra khuyến nghị đối với các DN bị liệt vào danh sách “cảnh báo nhập khẩu”, ông David Lennarz cho rằng, việc đầu tiên là nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ phải trình các chứng cứ sản phẩm không vi phạm với FDA để chuyến hàng được thông quan. Trong thời hạn “cảnh báo nhập khẩu” còn hiệu lực, quy trình này sẽ được lặp đi lặp lại và tối thiểu phải chứng minh có 15 - 20 chuyến hàng tiếp theo không vi phạm.

Mặt khác, các DN VN cần hết sức chú ý ghi rõ trên nhãn hàng đầy đủ thông tin về khẩu phần, danh sách nguyên liệu, những chất béo chuyển vị và chất gây dị ứng có trong sản phẩm, thông tin nhà sản xuất cũng như quốc gia xuất xứ của sản phẩm…

“Muốn tăng cường XK vào thị trường Hoa Kỳ, DN VN phải thông báo cho cơ quan FDA trước khi chuyển hàng đến Hoa Kỳ thay vì sau khi đến mới thực hiện thủ tục; đồng thời phải khai báo cho tất cả các chuyến hàng bằng đường biển, hàng không, chuyển phát nhanh hay đường bộ. DN phải phát triển hệ thống ATTP và hệ thống này đảm bảo sản phẩm được sản xuất an toàn, chất lượng. Đặc biệt, cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ DN trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan” - ông David Lennarz nhấn mạnh.

Khánh Linh

lao động

Các tin tức khác

>   “Không có bản quyền Ngoại hạng Anh, K+ sẽ lỗ nặng hơn” (12/04/2016)

>   Alibaba chi 1 tỷ USD mua cổ phần chi phối của Lazada (12/04/2016)

>   Viettel đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ lập mạng di động tại Myanmar (12/04/2016)

>   Đầu năm xuất khẩu cá Tra sang Brazil tăng 761,5% (12/04/2016)

>   Nhà xuất khẩu thiệt kép (12/04/2016)

>   Gỡ bế tắc cho cảng Vân Phong (12/04/2016)

>   Chuyện khuất tất ở Vinafood 2 (12/04/2016)

>   DN cần làm gì khi bị cảnh báo nhập khẩu vào Hoa Kỳ (11/04/2016)

>   Cấm nhập khẩu máy móc trên 10 năm tuổi: Nên hay không? (11/04/2016)

>   Khởi động ‘Năm Du lịch quốc gia 2016’ (10/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật