Thứ Ba, 19/04/2016 22:00

Sắp chấm dứt sự nhập nhèm các loại sữa

Đa số người dân Việt đang nhầm sữa tiệt trùng là sữa tươi, trong khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại. Thực tế nêu trên đòi hỏi Bộ Y tế xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2010/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Người tiêu dùng đang lạc giữa ma trận các loại tên gọi khác nhau của sữa. Ảnh: Hà Quên

Hiện nay, việc phân loại sữa dạng lỏng được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010, với 7 loại là: Sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi. 

Bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại (hoàn nguyên). Do khái niệm sữa tiệt trùng không thể hiện việc sử dụng sữa bột để chế biến nên người tiêu dùng nhầm sữa tiệt trùng là sữa tươi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện tại thị trường Việt Nam, sữa hoàn nguyên vẫn ghi nhãn là sữa tiệt trùng theo đúng quy chuẩn năm 2010 khiến người tiêu dùng tưởng đó là sữa tươi trong khi bản chất, tác dụng, giá trị dinh dưỡng, giá cả của từng loại sữa khác nhau hoàn toàn.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, bản thân ông cũng bị lẫn lộn không biết đâu là sữa hoàn nguyên, sữa tiệt trùng, đâu là sữa tươi, nói gì tới người tiêu dùng. Do vậy cần thiết phải phân loại rạch ròi tên gọi các loại sữa đúng bản chất, không để người tiêu dùng hiểu sai về bản chất, công dụng của hàng hóa.

Còn ông Trần Hùng- Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), với các khái niệm sữa nhập nhèm trong suốt thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam đã bị lừa dối khi phải bỏ tiền ra mua những sản phẩm sữa thực chất là từ sữa bột pha lại.

“Đó chính là hành vi gian lận thương mại, trong thời gian sắp tới, Ban Chỉ đạo 389 sẽ chính thức có ý kiến và giám sát việc thực hiện các quy định này”, ông Hùng nói.

Còn trong văn bản kiến nghị Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, đại diện Tập đoàn sữa TH kiến nghị, chúng ta không thể nhập nhèm mãi khái niệm sữa được nữa, mà phải gọi đúng tên. Chẳng hạn sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất gì thì phải ghi rõ, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên.

Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, trong năm 2015 ngành sữa tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng kỷ lục đạt 23%, từ tổng doanh thu 75.000 tỷ đồng năm 2014 lên 92.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD) vào năm 2015. Trong số này, sữa bột chiếm 45% tổng doanh thu, sữa nước chiếm 30%, còn lại là các sản phẩm khác.

Theo các chuyên gia y tế với thị trường tiêu thụ lớn như hiện nay, sữa là thị trường khá “béo bở” để thu hút các DN. Người tiêu dùng Việt hiện cũng chi trả số tiền khá lớn trong tiêu dùng liên quan tới sữa.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2010/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Theo đó, tới đây sẽ có 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.

Điều đáng chú ý nhất là khái niệm sữa tiệt trùng trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được chia rõ thành 3 tên gọi sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.

Theo Dự thảo sữa tiệt trùng trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được chia rõ thành 3 tên gọi sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.

Sữa hoàn nguyên: chế biến bằng cách bổ sung nước với một lượng cần thiết vào sữa tươi nguyên liệu được tách nước dạng khô hoặc dạng cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô phù hợp của sữa

Sữa pha lại: Chế biến bằng cách trộn chất béo sữa và chất khô của sữa không béo, có bổ sung hoặc không bổ sung nước để thu được thành phần phù hợp của sữa.

Sản phẩm có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không được bổ sung bất kỳ thành phần nào của sữa và đã qua xử lý nhiệt.

Sữa hỗn hợp: Có thành phần chính là sữa được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm sữa hoặc các thành phần sữa có thể bổ sung các thành phần khác và đã qua xử lý nhiệt.

D. Ngân

hải quan

Các tin tức khác

>   "Siêu dự án" thép 10 tỉ đô la Mỹ sẽ chạy thử trong tháng 6 (19/04/2016)

>   Đầu tư bệnh viện tư nhân đang "nóng" trở lại (19/04/2016)

>   Doanh nghiệp Nhật muốn “nhảy” vào thị trường xăng dầu Việt Nam (19/04/2016)

>   Có thể đề nghị thoái vốn Nhà nước tại K+ (19/04/2016)

>   Dự án 4 tỷ USD Nam Hội An bắt đầu xây dựng từ tháng 4/2016 (19/04/2016)

>   Gần 23.000 doanh nghiệp dừng hoạt động: Bình thường hay bất thường? (19/04/2016)

>   Truy tố 122 bị can vụ gian lận tiền hoàn thuế VAT (19/04/2016)

>   Ôtô Thái Lan ùn ùn nhập vào Việt Nam (19/04/2016)

>   Để dệt may – da giày thoát “kiếp gia công” (19/04/2016)

>   Ôtô Thái Lan ùn ùn nhập vào Việt Nam (18/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật