Phát triển nóng cây cao su, người dân thua thiệt
Cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, “sợ” nhất là bão và rét. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 16oC cây sẽ chết. Điều khá lạ là tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, người ta quy hoạch ồ ạt để cuối cùng chính người nông dân bị thua thiệt.
Vỡ quy hoạch, dân khổ
Theo Quyết định 750/ QĐ-CP của Chính phủ, quy hoạch cây cao su đến năm 2015 tầm nhìn 2020 cả nước ổn định 800.000 ha cây cao su. Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích của loại cây công nghiệp này đã vượt chỉ tiêu 150.000 ha. Số diện tích vượt này có đến trên 30% là diện tích rừng tự nhiên, 40% là rừng nghèo còn lại là diện tích khác chuyển sang trồng cao su, rất hiếm diện tích đồi trọc được trồng cây cao su.
Điều đáng nói, khu vực Tây Bắc vốn được xem là vùng có nhiệt độ thấp, không phù hợp với loại cây nhiệt đới này cũng phát triển rất mạnh. Đầu tháng 4.2016, UBND tỉnh Điện Biên chính thức điều chỉnh quy hoạch diện tích trồng cao su xuống còn chưa tới 1/3 diện tích quy hoạch trước đây. Cụ thể, đến năm 2020 sẽ giảm từ 72.900 ha xuống còn 43.270 ha, trong đó, diện tích cao su đã trồng 4.256 ha, tập trung tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng và thành phố Điện Biên.
Các tỉnh Tây Bắc cũng bắt đầu giảm diện tích loại cây này. Nguyên nhân là do cây phát triển chậm, lượng mủ cao su thu về không nhiều, trong khi giá liên tục hạ trong hai năm trở lại đây.Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ, nơi được xem là “thủ phủ” của cây cao su, tình trạng cũng tương tự. Quy hoạch diện tích nhiều dẫn đến hệ lụy là giá cao su giảm mạnh và người trồng lỗ vốn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bình Phước, thời gian qua, trên địa bàn có tới hơn 1.800ha cao su bị chặt bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác, trong đó chủ yếu là hồ tiêu, điều, cây ăn trái… và mục đích khác.
Còn tại Bình Dương, các doanh nghiệp và hộ dân cũng đã chặt bỏ gần 2.400 ha cao su do giá mủ xuống thấp. Trong khi đó, nhiều hộ dân tại Đắk Nông tỉa cành, chắn rễ cao su để làm trụ sống trồng tiêu. Bình Phước là tỉnh có diện tích cao su lớn nhất nước với khoảng 230.000 ha cao su. Năm 2011-2012, một lượng nhỏ hộ nông dân trồng cao su có quy mô khá, đang khai thác, phất lên. Thấy vậy, nhiều hộ tưởng cao su “ngon ăn” đã chặt bỏ cây tiêu, điều, hoa màu… để đổ xô sang trồng cây cao su. Sau bao năm đổ công sức tiền của chăm sóc, đến nay, khi vườn cây tới tầm mở cạo thì giá mủ lại rẻ bèo, thế là họ rơi vào cảnh lao đao, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” của nông dân trồng cao su ở Bình Phước nói riêng, các địa phương khác nói chung, đã khiến họ không thể làm giàu, thậm chí nghèo đi.
Tại Tây Ninh, người trồng cao su “nín thở” chờ giá trong mùa khô hạn này. Bởi cây cao su đã đến hồi thu hoạch, nhưng giá mủ xuống thấp khiến họ không có lãi. Ông Phạm Văn Ry (huyện Dương Minh Châu) trồng 5 ha cao su than vãn: “Giá mủ hiện nay quá thấp khiến chúng tôi càng thu hoạch càng lỗ vốn”. Theo ông Ry, do năm 2012 giá mủ quá cao, nhiều người ùn ùn trồng cao su nên mới xảy ra tình trạng như vậy.
Lỗi… hệ thống
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT Đồng Nai khuyến cáo người dân tiếp tục chăm sóc, nếu không cần thiết thì không cạo mủ để bảo vệ cây và chờ giá tăng trở lại. Nông dân nên thực hiện các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập. Đối với diện tích hết hạn khai thác, sau chặt bỏ, nông dân nên trồng loại cây khác có hiệu quả hơn, không nên chặt bỏ cây cao su bằng mọi giá trong lúc này. Dĩ nhiên, không thể có đất trống để trồng cao su. Hầu hết diện tích phát triển cây cao su là từ diện tích rừng.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất gần 26.000 ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%. Năm 2009, toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 70.000 ha cao su. Ngoài diện tích này, cuối năm 2009 tỉnh Gia Lai tiếp tục có quy hoạch chuyển thêm 61.000 ha đất rừng qua trồng cao su, tính đến nay, diện tích cao su toàn tỉnh đã lên tới gần 100.000 ha.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, 79% diện tích trồng cao su từ đất rừng tự nhiên. Bộ này cũng thừa nhận, không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo kiệt. Ngoài ra, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng được giao số diện tích rất lớn từ thượng nguồn của Việt Nam là Lào và Campuchia, một phần diện tích trước đây là rừng đầu nguồn để trồng cây cao su. Một chuyên gia lâm nghiệp cho rằng, cây cao su không thể giữ nước được, không thể tạo thảm thực vật, chính vì vậy vai trò giữ đất, giữ nước gần như bằng không.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã nhiều lần cảnh báo, thậm chí ông còn viết thư phản đổi chủ trương trồng cây cao su ở miền Trung, Tây Bắc với hàng loạt những hệ lụy của nó. Tuy nhiên, cao su vẫn phát triển rầm rộ vượt chỉ tiêu quy hoạch và được xem là một bước thành công dù những hệ lụy của nó là mất rừng, mất đất, dân khổ vì mủ liên tiếp giảm giá. Hình ảnh cây cao su Việt Nam mờ nhạt dần trên thị trường thế giới.
Cân nhắc thật kỹ khi quyết định trồng hay chặt bỏ cây cao su
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền
|
Hiện tượng khô hạn năm nay không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà còn xảy ra tại nhiều nước có diện tích cao su lớn như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... Thời tiết này sẽ làm giảm đáng kể sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới.
Tuy nhiên, giá cao su trong giai đoạn hiện nay chưa có dấu hiệu tăng trở lại một cách tích cực dù sản phẩm làm từ cao su thiên nhiên không giảm một cách tương xứng. Điều này cũng đã gây thiệt hại rất lớn cho người trồng cao su. Ở Việt Nam, sự thiệt hại này lên đến hàng ngàn tỉ đồng khi mà nông dân phải đốn bỏ cây cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác và vườn cây cao su bị đổ ngã do mưa bão trước đây. Từ thực tế thời gian qua nổi lên một điều là việc canh tác nông nghiệp ở nước ta luôn chạy theo thị trường và lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ đến chuyện lâu dài, ví như cây cao su phải tính tới 25 năm sau chứ không thể tính từ lúc trồng cho tới lúc lấy mủ được, chưa kể đến việc bà con nông dân còn không cân nhắc đến việc thổ nhưỡng và thời tiết có thích hợp với cây cao su hay không? Phong trào trồng cây cao su ở nước ta nở rộ vào những năm giá cao su cao ngất ngưỡng, nhiều người ví cao su là vàng trắng và một số địa phương dù thời tiết không thuận tiện vẫn khuyến khích người dân trồng cao su, coi đó là cứu cánh cho xóa đói giảm nghèo và khi cơn bão kéo qua, cây cao su đổ ngã, người trồng cao su hứng chịu hết mọi hậu quả.
Từ thực tế này, để giảm thiệt hại cho người trồng cao su, một số kiến nghị được đặt ra là: Các nhà quy hoạch cố gắng bám sát hơn nữa với thực tế, lắng nghe ý kiến củ a các nhà khoa học để có quy hoạch và định hướng mang tính lâu dài để giảm bớt thiệt hại cho người dân; Về phía nông dân, không nên chạy theo phong trào trước mắt để rồi phải gánh lấy hậu quả, trong hiện tại nếu muốn chặt bỏ cây cao su thì nên chặt những vườn cây nhiều tuổi hoặc những vườn cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và cho năng suất thấp. Còn những vườn cây đang phát triển tốt nên giữ lại để chờ giá tăng trở lại.
Theo phán đoán của các nhà nghiên cứu thị trường thì họ đang mong chờ giá cao su sẽ “quay đầu” trở lại từ quý 3.2016 khi mà sản lượng cao su tồn kho thế giới không còn nhiều và công nghiệp xe hơi Trung Quốc dự báo sẽ phát triển sau một thời gian chựng lại. Tuy nhiên đó cũng chỉ là dự báo, do đó bà con mình nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.
Lê Quốc Phong
Hoàng Huy
Lao động
|