Nước Anh sẽ chọn cách nào cứu ngành thép khỏi khủng hoảng?
Ngành thép, một trong những huyết mạch của kinh tế Anh, mang trong mình “mầm mống” của “căn bệnh khủng hoảng” suốt vài chục năm qua. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này chỉ thực sự được chú ý trong nhiều tháng trở lại đây và lên tới đỉnh điểm với việc Tata Steel - tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ sáu thế giới - công bố kế hoạch bán các nhà máy thép tại Anh để cắt giảm chi phí và hạn chế tổn thất, sau khi bị lỗ nhiều tỷ USD trong 5 năm qua .
(Nguồn: Reuters)
|
Điều khiến người ta quan tâm vào lúc này là liệu Chính phủ Anh sẽ lựa chọn cách nào để đưa ngành thép ra khỏi khủng hoảng?
Cao trào khủng hoảng
Tata Steel đang mang lại việc làm cho khoảng 15.000 người dân Anh. Việc tập đoàn này định bán các nhà máy thép tại “đảo quốc sương mù” có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của khoảng 40.000 việc làm trong ngành thép. Có thể nói, động thái của Tata được ví như “hồi chuông thức tỉnh” đối với Chính phủ Anh và các nước châu Âu về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng ngành thép.
Ước tính khoảng hơn 20% lực lượng lao động trong ngành thép châu Âu bị mất việc làm do các doanh nghiệp không cạnh tranh nổi với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, trong khi tại Anh, cứ sáu việc làm trong ngành thép thì có một việc làm đứng trước nguy cơ bị cắt giảm.
Hồi đầu năm nay, Tata Steel đã công bố kế hoạch cắt giảm 1.050 việc làm, sau khi đã giảm 1.200 việc làm hồi tháng 10/2015 và 720 việc làm vào Hè 2015. Tập đoàn thép lớn thứ hai của Thái Lan SSI cũng thông báo kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Anh, một động thái dẫn tới 2.200 việc làm bị cắt giảm.
Tata Steel lý giải điều kiện kinh doanh trong ngành thép đang sa sút nhanh chóng cả tại Anh lẫn châu Âu, do tình trạng dư cung thép trên toàn cầu, lượng thép nhập khẩu vào châu Âu tăng vọt, chi phí tăng và tỷ giá biến động.
Cuộc khủng hoảng mà ngành thép nước Anh đang đối mặt còn là sự kết hợp của nhiều nhân tố như chi phí năng lượng ở mức cao, quy định về khí thải và nhất là sự cạnh tranh của thép giá rẻ từ Trung Quốc. Một nguy cơ nữa là tác động của khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đối với kinh tế Xứ sở Sương mù. Cùng với đó, chủ trương toàn cầu hóa, quy định cứng nhắc của EU và sự hỗ trợ thiếu nhiệt tình của chính phủ cũng là những “mầm mống” gây ra căn bệnh khủng hoảng hiện nay cho ngành thép Anh.
Khủng hoảng vì đâu?
Theo đài BBC, xét trong bối cảnh chung, nhu cầu thép trên toàn thế giới chưa thể trở lại mức trước đây, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm 1,7% trong năm 2015 và dự báo chỉ tăng 0,7% trong năm 2016.
Trong khi đó, tổng sản lượng thép toàn cầu trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2014 tăng tới 96%, chủ yếu do sản lượng của Trung Quốc tăng vọt. Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới hiện nay - sản xuất khoảng 779 triệu tấn thép trong n ăm 2013, tương đương 50% tổng sản lượng thép toàn cầu , và 820 triệu tấn trong năm 2014.
Nguy cơ từ thép Trung Quốc không có dấu hiệu thuyên giảm khi mà tập đoàn thép lớn nhất Trung Quốc - Baosteel vừa thông báo sẽ tăng sản lượng thêm 20% lên 27,1 triệu tấn trong năm nay.
Báo chí Anh dẫn nhận định của các chuyên gia trong ngành cho rằng không chỉ Anh mà cả thế giới đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng thừa thép; chỉ khoảng 2/3 các sản phẩm thép thực sự được dùng tới. T heo trang web steelbenchmarker.com, giá thép thế giới đã giảm hơn 70% so với mức cao kỷ lục 1.113 USD/tấn hồi tháng 7/2008, xuống chỉ còn 321 USD/tấn trong tháng 3/2016.
Trong khi đó, chiều hướng kinh tế tăng trưởng chậm lại là động lực khiến các công ty thép Trung Quốc hướng sang các thị trường xuất khẩu như EU chẳng hạn. Thống kê cho hay nhập khẩu thép của Trung Quốc vào Anh gia tăng đáng kể. Riêng trong năm 2014, Anh đã nhập khẩu 687.000 tấn thép từ Trung Quốc, tăng tới 303.000 tấn trong năm 2013.
Theo Cơ quan Thống kê EU (Eurostat), Anh nhập khẩu thép của các nước EU với giá trung bình 897 euro/tấn trong năm 2014, trong khi nhập của Trung Quốc với giá chỉ 583 euro/tấn. Điều này khiến Trung Quốc khó tránh khỏi bị cáo buộc bán phá giá thép trên thị trường.
Không thể chỉ đổ lỗi cho thép Trung Quốc
Ngành thép Anh và châu Âu cho rằng làn sóng thép nhập khẩu giá rẻ, thậm chí chấp nhận bán lỗ, từ Trung Quốc là nguyên nhân khiến giá thép thế giới suy sụp. Tuy nhiên, xét cho cùng chi phí sản xuất thép tại Anh hiện tương đối cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Giá điện tại Anh hiện cũng cao hơn 50% so với các nước thành viên EU. Tỷ giá đồng bảng Anh ở mức cao trong thời gian dài khiến xuất khẩu của Anh trở nên kém hấp dẫn. Sản lượng thép của Anh mỗi năm đạt khoảng 12 triệu tấn, một con số quá khiêm tốn so với Trung Quốc, dù rằng Xứ sở Sương mù tập trung sản xuất các sản phẩm thép có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Làm cho tình hình thêm trầm trọng, quy định của EU không cho phép các nước thành viên sử dụng quỹ công để “cứu” các công ty thép làm ăn thua lỗ, dù rằng họ vẫn có thể giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty thép EU trên toàn cầu thông qua việc tài trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển hay hỗ trợ chi phí năng lượng.
Vai trò của ngành thép với kinh tế Anh và lối thoát
Tại Anh, tỷ lệ người dân làm việc trong ngành thép là 1/1.700, tức là hiện có khoảng 18.000 người làm việc trong ngành thép trên tổng số lực lượng lao động gồm 31 triệu người, một tỷ lệ còn khá khiêm tốn. Trong 25 năm qua, sự đóng góp của ngành thép vào kinh tế Anh ngày một thu hẹp, nhất là sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Điều đó đồng nghĩa rằng mức độ quan trọng của ngành thép đối với toàn bộ nền kinh tế cũng giảm; tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm từ 0,5% năm 1990, xuống chỉ còn 0,1% hiện nay. Lợi nhuận từ xuất khẩu thép mà các công ty thép thu được cũng chững lại kể từ năm 1997.
Nếu ngành thép nước Anh tiếp tục lao dốc, sự sa sút này khó tránh khỏi gây hệ lụy cho các công ty liên quan như các nhà phân phối sản phẩm thép, các công ty thu mua kim loại vụn, các công ty buôn bán kim loại hay các nhà máy chế biến kim loại. Không ít chuyên gia cảnh báo khủng hoảng có thể không chỉ gõ cửa ngành thép. Nếu lan ra lĩnh vực chế tạo trên diện rộng, nó có thể ảnh hưởng tới gần 10% GDP của Anh.
Hiệp hội Thép Anh (UK Steel) cho rằng những hỗ trợ thiết thực nhất cho ngành vào lúc này là giảm quy định về khí thải carbon cho các nhà máy chế tạo, hỗ trợ chi phí năng lượng và một sự đảm bảo rằng thép của Anh sẽ được sử dụng trong các dự án xây dựng chủ chốt. Ngành thép Anh và châu Âu cần nhiều hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ của Trung Quốc. Giới chuyên gia đưa ra giải pháp cho Chính phủ Anh là kiện hành động bán phá giá của Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới hay tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Để “cứu” ngành thép trong nước, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải can thiệp mạnh mẽ hơn. Viện Nghiên cứu Chính sách Công (IPPR) cảnh báo nếu Tata Steel không thể giữ được 15.000 việc làm, Chính phủ Anh có thể bị thất thoát 4,6 tỷ bảng Anh tiền thuế VAT và thuế thu nhập.
Trong một tín hiệu tích cực, Tata Steel vừa nhất trí bán hoạt động sản xuất thép tại Scunthorpe, Lincolnshire , cho tập đoàn đầu tư Greybull Capital, một thỏa thuận hứa hẹn sẽ “cứu” 4.400 việc làm tại Anh. Chính phủ Anh cũng thay đổi quan điểm khi đề cập tới khả năng quốc hữu hóa một phần Tata Steel, một giải pháp bị bác bỏ trước đó. Giới phân tích tin tưởng quốc hữu hóa các nhà máy thép là một giải pháp phù hợp vào thời điểm này./.
Như Mai
VIETNAM+
|